• Zalo

Trẻ em bãi giữa sông Hồng và giấc mơ một lần lên bờ đón Tết

Thời sựThứ Bảy, 13/02/2016 02:17:00 +07:00Google News

Ban ngày đi học, tối đến, đám trẻ sống ngoài bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) lại theo chân bố mẹ vào phố nhặt đồng nát, đến khuya mới về.

Ban ngày đi học, tối đến, đám trẻ sống ngoài bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) lại theo chân bố mẹ vào phố nhặt đồng nát, đến khuya mới về.

Giao thừa đi nhặt đồng nát

Để đến xóm ngụ cư ngoài bãi giữa sông Hồng, lối đi duy nhất là bước xuống những bậc thang ở đoạn giữa cầu Long Biên rồi men theo con đường đất ngoằn ngoèo dài hơn một cây số. Sông Hồng mùa nước cạn, hơn hai chục chiếc nhà nổi dập dềnh trên mặt nước, liêu xiêu trong gió rét.

Trong cái rét căm căm, đám trẻ con ở đây có đứa vẫn chân trần, quần áo phong phanh nghịch cát. Chúng vui vẻ, hồn nhiên nô đùa mà không biết rằng lại một cái Tết nữa đang đến gần. Những người dân sống ở xóm bãi giữa hay còn gọi là xóm Phao, xóm Nổi, xóm Ngụ Cư (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP.Hà Nội) đến từ nhiều vùng quê khác nhau.

 Trẻ em bãi giữa chơi ở một góc được quây bạt cho đỡ lạnh (ảnh Thành Long).

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng họ đều bị cái nghèo xô đẩy. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, họ trôi dạt về đây, ngày qua ngày nhọc nhằn mưu sinh. Họ sống bằng đủ thứ nghề từ nhặt rác, tạp vụ, phu hồ, bốc vác tại chợ hoa quả Long Biên...

Với những công việc phần nhiều là bán sức lao động, cuộc sống của những con người nơi đây cứ nổi nênh theo con nước sông Hồng. Với những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở đây, ngay từ nhỏ đã phải sớm tất bật mưu sinh cùng bố mẹ. Nhiều cháu ban ngày đi học, tối lại theo bố mẹ vào phố lượm ve chai, làm thuê làm mướn có khi đến khuya mới về.

Bởi vậy, với những đứa trẻ bãi giữa sông Hồng, sống trong cái nghèo, cái khổ đã quen. Ngày Tết với chúng cũng không khác so với ngày thường, có chăng chỉ được ăn ngon hơn, mặc ấm hơn.

Trong những ngày giáp Tết, không khí nơi đây vẫn bao trùm bởi sự yên ắng đến tẻ nhạt, trái ngược hoàn toàn với thế giới ồn ào, náo nhiệt của Thủ đô đầy ánh đèn với các loại sắc màu. Trên cầu Long Biên, người người đi sắm Tết, người mua cành đào tấp nập.

Còn với người dân bãi giữa, đã gần ba chục năm nay, họ không có ý nghĩ sẽ mua đào quất về chơi Tết dù rằng, họ sống ở nơi được cho là trung tâm của loại cây cảnh đó.

Qua cây cầu tạm được ghép bằng hai mảnh ván cốt pha xin được từ một công trình xây dựng, nhà cháu Đỗ Thị Mai (SN 2008) vỏn vẹn chỉ có gần 20m2. Mọi sinh hoạt của gia đình Mai đều trên chiếc nhà nổi được ghép lại từ những chiếc phao nhận được từ một tổ chức từ thiện.

Bố mẹ Mai rời quê ở huyện Hải Hậu, Nam Định đã gần 20 năm và sống ở bãi giữa này từ đó đến nay. Từ nhỏ, Mai đã theo bố mẹ lang thang vào phố nhặt rác. Nhà Mai chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc tivi màn hình lồi đời cũ. Hỏi về ước mơ ngày Tết, Mai nói: “Em mơ ước Tết này thật nhiều kẹo và được mẹ mua một đôi dép mới”.

Vừa nói, Mai vừa nhìn xuống đôi dép đã cũ mòn đế, phần quai đã sắp đứt. Để không bị đứt dép, những lúc chơi đùa cùng các bạn trong xóm, Mai thường đi chân đất, kể cả những hôm trời rét. Với Mai, ước mơ về một ngày Tết được mẹ mua cho bộ quần áo mới, được người lớn lì xì thật xa vời.

Gần cạnh nhà Mai là nhà em Giang Văn Tân (SN 2000). Tân cũng sinh ra ở xóm Phao này. Gia đình Tân ở bãi giữa đã được 16 năm. Tân bị liệt cả hai chân nhưng hàng ngày em vẫn được đến trường.

Với Tân, ngày Tết chỉ cần có mấy cái bánh chưng mà các anh chị tình nguyện tặng. Tân bảo: “Ước mơ của em trong ngày Tết thì nhiều nhưng nhà nghèo có mơ cũng chẳng được. Điều em ước muốn là đôi chân của mình không bị liệt. Em sẽ lại được chơi đùa cùng các bạn, được vào phố cùng bố mẹ đi nhặt những lon bia, túi nilon”.

Nhắc đến ngày Tết, Tân vẫn còn nhớ: “Có năm, ngày 30 Tết, em theo bố mẹ đi nhặt rác qua thời điểm giao thừa mới về nhà, nhưng giờ chân em thế này không đi được nữa...”.

Ước mơ xa vời

Không giống như ước mơ của Mai và Tân về một cái Tết no đủ, có bánh chưng, có kẹo, Phan Văn Việt (SN 2006) chỉ mong được một lần nhìn thấy pháo hoa. Việt cũng như bao đứa trẻ khác sinh ra ở bãi giữa sông Hồng. Bố em từ Phú Thọ đến ngụ cư ở đây cũng đã hơn 10 năm. Từ nhỏ, Việt đã bị hỏng cả hai mắt.

 Tết thật sự đến với trẻ em bãi giữa khi có sự hiện diện của sinh viên tình nguyện tặng quà, gói bánh chưng. (ảnh T.L).

Hỏi về ước mơ ngày Tết, Việt cho biết: “Năm vừa rồi lần đầu tiên bãi giữa sông Hồng có bắn pháo hoa. Em nghe các bạn kể đêm giao thừa bắn pháo hoa đẹp lắm, đủ các màu sắc, hình dạng khác nhau từ hình trái tim đến hình mặt cười... Em chỉ mong một lần được nhìn pháo hoa trên bầu trời. Không biết các bạn trên phố đón Tết như thế nào? Em cũng ước một lần lên bờ đón Tết, được đi chơi”.

Hoàn cảnh nhà Việt vô cùng khó khăn, mái nhà được che bằng bạt đã thủng lỗ chỗ mà chưa có tiền mua bạt mới lợp lại. Bố mẹ Việt phải che tạm bằng bao tải rách. Trên mái còn có một tấm pin năng lượng mặt trời được một người trong phố cổ tặng cho tất cả các gia đình ở đây. Hôm nào trời nắng thì tối có điện thắp sáng, còn những ngày đông lạnh giá sẽ phải dùng đèn dầu hoặc đèn ắc quy.

Giữa sông Hồng, còn đó những người dân ngụ cư đêm 30 Tết vẫn bươn mình trong gió rét mong một cái Tết ấm no cho con trẻ. Tết chưa qua, họ lại men theo con đường đất lên cầu Long Biên vào thành phố nhặt rác. Bởi ngày Tết họ mới nhặt được nhiều lo cho con cái trong những ngày tới. Với bọn trẻ nơi đây, ước mơ chỉ đơn giản là được lên bờ, được đón một cái Tết, mặc quần áo mới, nhận lì xì...

Rời khỏi xóm nổi trên sông Hồng, tạm biệt đám trẻ nhỏ hồn nhiên nô đùa trên bãi đất trống gần những mái nhà nổi rách rưới, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Khuất sau những ruộng ngô, vườn chuối lá xanh tươi màu mỡ kia là những ước mơ tưởng chừng đơn giản về một cái Tết, nhưng lại quá xa xỉ với các em.

 Tết không đào, không quất

Ông Nguyễn Đăng Được, Xóm trưởng xóm bãi giữa sông Hồng cho biết: “Xóm tôi có 28 hộ gia đình, hơn 50 cháu. Đa phần người dân nơi đây đều đi nhặt rác, đi làm cửu vạn, có khi quá giao thừa mới về.
Bởi vậy, mọi người chuẩn bị Tết rất qua loa. Năm nào cũng vậy, gần Tết có sinh viên tình nguyện, cá nhân, tổ chức từ thiện đến tặng quà cho các gia đình. Mấy năm nay, vào các ngày 25-26 tháng Chạp, sinh viên tình nguyện đến đây tổ chức gói bánh chưng và đốt lửa trại luộc bánh. Mỗi nhà được tặng một cặp bánh chưng ăn Tết.
Đám trẻ nhỏ chỉ mong các anh chị sinh viên tới tặng bánh chưng, bởi chỉ có bánh chưng nơi đây mới có Tết. Bao nhiêu năm nay, chưa gia đình nào mua đào, quất đón Tết vì chỉ lo đủ ăn đã quá vất vả, nói chi đến những thứ khác”.


Nguồn: Thiên Vũ (Đời sống và Pháp luật)
Bình luận
vtcnews.vn