Preetham Rodrigues, ông bố 42 tuổi trăn trở về tin nhắn mà anh đọc được trong một nhóm WhatsApp.
Một đứa trẻ 4 tuổi tên Noah mất mẹ vì COVID-19 cần được chở đến Bangalore. Chú của Noah cũng đang phải chống chọi với căn bệnh này trong khi bà của em đang trong tình trạng nguy kịch.
Noal còn nhỏ nên người chở em phải biết chăm trẻ, cho ăn và thay tã.
"Tất cả người thân trong gia đình đứa trẻ đều đã cao tuổi hoặc bị ốm. Một bác sỹ tại bệnh viện đã chăm sóc đứa nhỏ cả đêm sau khi mẹ em qua đời. Tôi không thể không giúp đỡ thằng bé", Rodrigues cho hay.
Anh tình nguyện lái xe đưa Noah đến Bangalore, nơi ông ngoại em đang sống.
Trong suốt quãng đường, Rodrigues cố bắt chuyện với Noah. Em kể về mẹ mình, biết bà bị bệnh nhưng không biết người thân yêu nhất của mình đã qua đời.
Tại Bangalore, Noah và ông ngoại đang phải cách ly. Ông ngoại của Noah cũng mới chỉ hồi phục sau khi mắc COVID-19 và đang rất lo cho cô con dâu đang trong tình trạng nguy kịch.
Khi sóng thần càn quét Ấn Độ, ngày càng có nhiều đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi như Noah.
Trong nhiều trường hợp, người thân trong gia đình sẽ đến hỗ trợ khi đứa trẻ mất bố mẹ. Nhưng dịch bệnh cũng khiến nhiều người không dám mạo hiểm.
"Nhiều hàng xóm và người thân của những đứa trẻ từ chối tới gần đứa bé nghi mắc COVID-19. Nhiều đứa trẻ bị lạc, đói khát gọi cho chúng tôi vì bố mẹ chúng bị bệnh hoặc một trong hai người đã chết", bà Sonal Kapoor - người sáng lập Tổ chức phi lợi nhuận Protsahan Ấn Độ cho hay.
Một số trẻ mồ côi được nhận làm con nuôi. Nhưng việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
"Bạn không thể làm thủ tục cho một đứa trẻ làm con nuôi thông qua mạng xã hội. Điều này là bất hợp pháp và nguy hiểm vì nó có thể thu hút những kẻ buôn bán trẻ em", bà Manisha Biraris - Trợ lý Ủy ban Phát triển Phụ nữ và Trẻ em ở Mumbai cho hay.
Tuần trước, các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em Ấn Độ quay cuồng trong các cuộc điện thoại đề nghị nhận những đứa trẻ mất cha mẹ vì COVID-19 làm con nuôi.
"Nếu bất cứ ai liên hệ với bạn để xin nhận trẻ mồ côi làm con nuôi, đừng sa vào bẫy. Điều đó là bất hợp pháp", bà Smriti Irani - Bộ trưởng Bộ Phát triển Phụ nữ và trẻ em Ấn Độ cho hay.
Bà này kêu gọi bác sỹ, người thân của những đứa trẻ thông báo cho ủy ban phúc lợi trẻ em ở địa phương, cảnh sát hoặc Đường dây trẻ em quốc gia.
Kể từ ngày 1/5, các ủy ban bảo vệ quyền trẻ em ở Delhi, Maharashtra và Karnataka thiết lập các đường dây trợ giúp dành riêng cho trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch.
Hôm 6/5, Bộ trưởng Bộ Phát triển Phụ nữ và trẻ em Ấn Độ yêu cầu Bộ Y tế thêm một cột vào mẫu đơn nhập viện của bệnh nhân COVID-19, yêu cầu điền thông tin của một người đáng tin cậy có thể chăm sóc con của họ.
Theo luật hiện hành ở Ấn Độ, nhân viên xã hội trong Uỷ ban Bảo vệ trẻ em (CWC) tại địa phương sẽ xem xét các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi hoặc mồ côi.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra đứa trẻ có cô, ông bà thân thiết hay không và đứa trẻ có muốn ở cùng họ hay không", bà Urmila Jadhav - thành viên của CWC cho biết.
Nếu không ai nhận nuôi, chính quyền sẽ đưa đứa trẻ vào một cơ sở chăm sóc. Nếu người thân chấp thuận, đứa trẻ sẽ được đưa vào nhóm trẻ chờ nhận làm con nuôi.
Người người muốn nhận con nuôi ở Ấn Độ có thể đăng ký với cơ quan quản lý việc nhận con nuôi nếu có yêu cầu.
Những ngày này, mạng xã hội Ấn Độ tràn ngập những lời kêu gọi tìm kiếm chỗ trú chân hoặc bữa ăn cho những đứa trẻ bỏ lại một mình ở nhà khi cha mẹ chúng phải nhập viện điều trị.
Một tin nhắn vào cuối tháng 4 kêu gọi một bà mẹ hảo tâm nào đó giúp một đứa trẻ 6 tháng tuổi mất mẹ vì COVID-19 ở Bangalore.
Cách đây vài ngày, bà Kapoor nhận được cuộc gọi từ một đứa trẻ ở New Delhi. Bố em qua đời vì COVID-19, mẹ em và anh trai đang ốm nặng.
"Cậu bé 14 tuổi hỏi làm thế nào để đưa thi thể cha mình về nhà từ nhà xác", bà Kapoor cho biết.
Hôm 1/5, Kapoor nhận được 11 cuộc điện thoại. Trong số này có một đứa trẻ 10 tuổi không được cho ăn trong 3 ngày vì cha em vẫn chưa vực dậy sau cái chết của người vợ mắc COVID-19, năm anh chị em trong một gia đình mất bố và mẹ ốm yếu, một đứa trẻ 5 tuổi bị ép phải lao động chân tay sau khi cha mẹ mất việc trong đại dịch.
Nhóm cộng đồng Whitefield Rising kêu gọi các bậc phụ huynh nên sớm tìm người gửi gắm con em mình trong bối cảnh ai ai cũng đang có nguy cơ mắc bệnh như hiện tại. Đồng thời, cung cấp các thông tin về lịch học, tình trạng sức khỏe và tính cách của đứa trẻ.
Trong khi đó, các nhà hoạt động vì quyền trẻ em và các chuyên gia y tế cho rằng ngoài việc tìm cho trẻ nơi nương tựa, chúng cũng cần được tư vấn y tế để vượt qua nỗi đau mất đi người thân.
Bình luận