• Zalo

Trẻ 8 tháng tuổi nguy kịch vì viêm phổi nặng và COVID-19

Tin tứcThứ Hai, 12/09/2022 12:17:00 +07:00Google News

Túc trực bên con suốt 20 ngày qua, chị H.T.T không khỏi xơ xác, mỏi mệt.

Con trai chị mới 8 tháng tuổi nhưng đã 4 lần nhập viện, 3 lần phải thở máy. Lần này, con bị mắc thêm COVID-19.

“Bé sinh non nên phổi yếu sẵn, khi sinh ra được có 2kg thôi. Tôi cố gắng chăm bẵm, con tròn trịa hơn một chút nhưng vẫn phải đi viện suốt. Lần này 2 vợ chồng phải bỏ công việc theo chăm con từ hôm 22/8.

Ban đầu, con nhập khoa Hô hấp, chân tay người ngợm tím đen vì không thở được. Bác sĩ báo con mắc COVID-19 nên lại chuyển sang khoa này”, chị H.T.T (Đồng Nai) chia sẻ. 

Bé T.P, 8 tháng tuổi, con trai chị hiện có kết quả xét nghiệm CT>30 (tải lượng virus SARS-CoV-2 lúc này rất thấp và ít có khả năng lây nhiễm) nên được đưa ra khu vực ngoài của Khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 tiện chăm sóc. 

Trẻ 8 tháng tuổi nguy kịch vì viêm phổi nặng và COVID-19 - 1

Cha của bé T.P đang báo tính hình con trai với người thân ở quê. 

Chị T. cho hay, khi nhập viện, bác sĩ báo với gia đình phổi của bé đã trắng hết, xơ phổi, xẹp phổi, tình hình rất xấu và khuyên cha mẹ chuẩn bị tinh thần. Thế nhưng vợ chồng chị kiên quyết ở lại, khi nào bác sĩ không cứu được con nữa chị mới từ bỏ hy vọng.

Có thời điểm bác sĩ đã tính toán đến phương án can thiệp ECMO cho con. Hai vợ chồng chị chỉ biết đặt hết hy vọng vào bác sĩ và cầu nguyện mỗi ngày. “Nhờ các y bác sĩ tận tình, hai hôm nay, con đang tiến triển khá hơn", chị T. không giấu được ánh mắt đầy hi vọng. 

Bác sĩ Võ Thành Luân, Phó trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, T.P là trường hợp mắc COVID-19 rất nặng đang được theo dõi chặt chẽ. Nguyên nhân là vì bé có bệnh nền, viêm phổi nặng, nghi ngờ trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh. 

Trẻ 8 tháng tuổi nguy kịch vì viêm phổi nặng và COVID-19 - 2

Trẻ điều trị hồi sức thường nặng và rất nặng, cha mẹ phải ở lại chăm sóc trong thời gian dài. 

Sau khoảng 1 tuần điều trị COVID-19, bé vẫn tiếp tục được thở máy, thời gian nằm viện dự kiến sẽ còn kéo dài. "T.P là 1 trong 5 trẻ bị COVID-19 nặng phải điều trị tại Khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 của Bệnh viện Nhi đồng 2", bác sĩ Võ Thành Luân nói. 

Hầu hết các bệnh nhi này đang điều trị một bệnh lý khác như suy thận mạn, viêm phổi, bạch cầu cấp…  rồi phát hiện mắc thêm COVID-19. Kết hợp các yếu tố bệnh nền, nhỏ tuổi, chưa đến tuổi tiêm ngừa nên tình trạng của trẻ sẽ nặng hơn. 

“Nếu trẻ mắc bệnh cần hồi sức tăng lên, y bác sĩ sẽ bị căng kéo, không đủ nhân lực chăm sóc tốt cho bệnh nhi vì toàn ca nặng hoặc rất nặng, thời gian nằm viện kéo dài. Đặc biệt, số ca sốt xuất huyết nặng vẫn cao, điều trị cho nhóm bệnh nhi này rất vất vả ”, bác sĩ nói. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia dịch tễ cho hay, tình trạng nặng và nguy kịch của trẻ là hậu quả của nhiều bệnh lý khác, COVID-19 là yếu tố tăng thêm. Do đó, theo bác sĩ Khanh, trong quá trình trẻ nằm nội trú, nhân viên y tế vẫn cần tuân thủ đeo khẩu trang, cách ly khi trẻ mắc Covid-19 để tránh lây nhiễm trong bệnh viện. 

Thống kê đến ngày 10/9, TP.HCM đang điều trị cho trên 200 ca Covid-19 tại các bệnh viện, khoảng 60 ca cần hỗ trợ hô hấp, 15 ca thở máy xâm lấn, 13 ca dưới 16 tuổi và 4 phụ nữ mang thai. Hiện TP còn 1.115 ca cách ly tại nhà và không có ca mắc Covid-19 cách ly tập trung. 

Về tình hình tiêm chủng, TP.HCM đã tiêm được trên 23,3 triệu mũi. TP còn 62.591 liều vắc xin Covid-19 (Verocell và Pfizer). 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn