Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang tiếp nhận và điều trị 29 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, 2 tuần nay, khoa tiếp nhận 8 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trong đó 1 bệnh nhân tử vong. Hiện 3 trường hợp sức khỏe tiến triển và được chuyển về tuyến dưới để theo dõi thêm. Thời điểm này, khoa đang điều trị cho 4 ca sốt xuất huyết nặng, trong đó có 2 bệnh nhân hiện đang trong tình trạng nguy kịch.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ 38 tuổi vào viện khi đã ở ngày thứ 4 - là giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue. Bệnh nhân này tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Được biết, sau khi có triệu chứng sốt cao, đau đầu, bệnh nhân tự điều trị ở nhà 2 ngày không đỡ, kèm thêm các triệu chứng đau đầu, đau mỏi người, nôn nhiều. Bên cạnh đó, bệnh nhân có tình trạng rối loạn ý thức nên gia đình đã chuyển ngay bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
BS Thân Mạnh Hùng cho biết, khi vào viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, thiếu máu, có tổn thương ở phổi. Ngay sau đó, các bác sĩ truyền dịch, thuốc vận mạnh và đặt thở máy cho bệnh nhân. Cũng theo BS Hùng, ngoài ra bệnh nhân còn bị rối loạn đông máu khá nặng, có hiện tượng tăng kali máu và nhanh chóng được hỗ trợ thở oxy nhưng không hiệu quả.
“Hiện tại, tình trạng suy thận tăng lên và đã được lọc máu liên tục để cân bằng toan kiềm và giải quyết vấn đề suy thận của người bệnh. Tiên lượng về bệnh nhân này tương đối nặng. Hy vọng đáp ứng của bệnh nhân điều trị tốt thì sẽ qua được” - BS Hùng cho biết.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ, 42 tuổi ở Đan Phượng, Hà Nội. Bệnh nhân vào viện ở ngày thứ 6 của bệnh. Bệnh nhân có bệnh lý nền đái tháo đường type 2. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, đau mỏi người đi khám và điều trị tại nhà 2 ngày thấy mệt hơn, sau đó được đưa vào Bệnh viện Đan Phượng, chuyển vào Bệnh viện Đống Đa chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 6. Khi có dấu hiệu nặng, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
BS Thân Mạnh Hùng cho biết, tại thời điểm bệnh nhân vào viện, người bệnh đã có hiện tượng ngừng tuần hoàn và đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công. Sau đó bệnh nhân có dấu hiệu đông máu nặng nề, suy đa tạng, suy hô hấp và được đặt nội khí quản, thở máy. Ngoài ra, bệnh nhân cũng xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu nặng nề, chảy máu nhiều ở đường tiêu hoá, xuất huyết trong cơ nên cũng đang được điều trị lọc máu liên tục. Hiện bệnh nhân vẫn được sử dụng thuốc vận mạnh để tăng huyết áp, truyền các chế phẩm của máu.
“Tiên lượng về 2 trường hợp này hiện còn rất nặng, nguy kịch” - BS Hùng nói.
Cảnh báo giai đoạn cao điểm sốt xuất huyết
TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, một trong những yếu tố quan trọng nhất khi bệnh nhân được chẩn đoán là sốt xuất Dengue thì cần phải theo dõi rất sát các dấu hiệu sinh tồn cũng như các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện trong quá trình bệnh nhân nhiễm bệnh. BS Hùng cũng lưu ý sốt xuất huyết Dengue diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi, đây là giai đoạn bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết quản. Tại thời điểm này, nguy cơ bệnh nhân sẽ đi vào xuất hiện các cảnh báo và đi vào sốc.
Theo BS Hùng, nếu ở miền Nam, sốt xuất huyết gần như lưu hành quanh năm, đối với miền Bắc thời điểm này cũng đang trong giai đoạn cao điểm của dịch. Tuy nhiên, hiện vẫn có bộ phận người dân còn nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với COVID-19, do đó khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch.
BS Hùng khuyến cáo, trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán.
“Khi xác định được căn nguyên gây sốt, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ đưa ra những khuyến cáo, thông tin, dấu hiệu cần phải theo dõi khi điều trị tại nhà. Những trường hợp nặng cần phải nhập viện hoặc có dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện thì cũng nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhập viện để được theo dõi sát hơn” - BS Hùng cho biết.
Nguy hiểm khi tự truyền nước tại nhà
TS.BS Thân Mạnh Hùng cũng khuyến cáo việc tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế là hết sức nguy hiểm. Bởi theo bác sĩ, khi truyền dịch tại nhà, người bệnh phải đối diện với rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra, đó là phản vệ đối với dịch truyền. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng nêu rõ, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được truyền dịch.
“Những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch, hô hấp, đôi khi việc truyền dịch sẽ làm tăng gánh nặng của tim, dẫn đến việc sẽ nguy hiểm hơn là bệnh nhân không truyền dịch. Vì vậy, bác sĩ tuyệt đối khuyến cáo bệnh nhân không được truyền dịch tại nhà” - BS Hùng cảnh báo.
Cũng theo BS Hùng, việc truyền dịch tại nhà sẽ không được đảm bảo như tại bệnh viện. Vì vậy, việc có thể nhiễm khuẩn vi khuẩn trong quá trình thao tác động tác truyền dịch vào cơ thể rất dễ xảy ra, cần phải hết sức lưu ý.
“Trong bệnh cảnh của sốt xuất huyết, những ngày đầu tiên có thể truyền dịch được, còn thời điểm bệnh nhân đang trong giai đoạn thoát dịch, việc truyền dịch không được kiểm soát dễ dẫn đến tràn dịch ở các mạch, tràn dịch màng phổi, tim, bụng, có thể làm nặng thêm tình trạng của bệnh của bệnh nhân” - BS Hùng cho biết.
Bình luận