Trào lưu gọi món trực tuyến: Sẽ 'làm mưa làm gió'?

Sức khỏeThứ Sáu, 17/07/2015 01:38:00 +07:00

(VTC News) - Trên thị trường ẩm thực, mô hình kinh doanh gọi món trực tuyến đang nở rộ chính là cánh cửa cơ hội tiếp cận thị trường thương mại điện tử.

(VTC News) - Trên thị trường ẩm thực, mô hình kinh doanh gọi món trực tuyến đang nở rộ trong những năm gần đây chính là cánh cửa cơ hội tiếp cận thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng.

Theo số liệu từ Báo cáo thương mại điện tử 2013 của Bộ Công Thương, dự báo doanh số thương mại điện tử B2C của Việt Nam sẽ tăng trưởng 80% từ 2.2 tỷ USD (2013) đến 4 tỷ USD trong năm 2015. Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc này, cho đến nay, thương mại điện tử không chỉ nổi lên như một trào lưu mà còn là xu hướng tất yếu xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. 

Sự nở rộ của hai mô hình kinh doanh như trang web gọi món (gọi món ăn đến bất cứ nơi nào vào bất kỳ thời gian nào) và đặt chỗ nhà hàng trực tuyến (đặt chỗ trước khi đến nhà hàng thưởng thức) cũng góp phần thay đổi quy trình phân phối hàng hoá và phương thức kinh doanh trên thị trường ẩm thực. Hai loại hình kinh doanh này đều hoạt động trên cơ sở hệ thống trang web có liên kết hợp tác với nhiều nhà hàng trong khu vực và khách hàng có thể sử dụng dịch vụ trực tuyến tùy theo mục đích của mình. 

Ưu điểm chung của hai dịch vụ này là khách hàng có thể tham khảo nhiều lựa chọn từ một trang web duy nhất nhằm tiết kiệm thời gian tìm kiếm, theo dõi ưu đãi của nhà hàng thường xuyên và tiếp cận thêm nhiều lựa chọn ẩm thực mới.

Nghiên cứu tiến hành trên 474 đối tượng người tiêu dùng Mỹ (2011) của Tiến sĩ Sheryl E. Kimes ghi nhận hơn một nửa đối tượng tham gia khảo sát đã từng đặt nhà hàng trực tuyến, 60% trong số này đặt chỗ nhà hàng qua một hệ thống của trang web đặt chỗ trực tuyến thay vì đặt trực tiếp tại trang web của nhà hàng. 

Những đối tượng tham gia phỏng vấn này cũng xem các trang web trực tuyến là công cụ hữu ích để tìm kiếm, tham khảo thông tin và chọn lựa nhà hàng. Tại Việt Nam, trong khi các trang đặt chỗ nhà hàng trực tuyến vẫn còn nhen nhóm tiếp cận thị trường, mô hình trang web gọi món trực tuyến đã bắt đầu nở rộ mạnh mẽ với những cái tên như foodpanda.vn, eat.vn và chonmon.vn.  

Mô hình kinh doanh gọi món trực tuyến

Cũng giống như các mô hình kinh doanh thương mại điện tử khác, giá trị cốt lõi của mô hình kinh doanh này là xây dựng hệ thống kết nối khách hàng và nhà hàng trên một nền tảng trực tuyến nhằm mang đến sự tiện lợi và đa dạng cho hai bên đối tác.  

Ông Salvador Martinez, Giám đốc điều hành foodpanda Việt Nam, Đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty đặt hàng thức ăn trực tuyến foodpanda chia sẻ “Ý tưởng của mô hình kinh doanh dịch vụ đặt hàng thức ăn trực tuyến được hình thành từ nhu cầu của thị trường. Về phía nhà hàng, trang dịch vụ đặt hàng thức ăn trực tuyến là kênh phân phối và tiếp thị hiệu quả giúp họ tiếp cận khách hàng mới ở một địa bàn rộng lớn hơn đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng bằng việc bỏ ra một chi phí hợp lý cho đối tác.

Các trang đặt hàng thức ăn trực tuyến sẽ cung cấp cho nhà hàng một hệ thống cơ sở hạ tầng có sẵn, mạng lưới phân phối và công cụ để triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi một cách hiệu quả và kinh tế hơn. Về phía khách hàng, gọi món trực tuyến mang đến cho khách hàng phương thức trải nghiệm ẩm thực tiện lợi, dễ dàng mà vẫn thoả mãn được nhu cầu tìm kiếm sự mới lạ của thực khách”.

Mô hình kinh doanh trang web đặt hàng thức ăn trực tuyến của foodpanda. 

Có thể thấy, gọi món trực tuyến chính là cánh cửa dẫn lối các đối tác ẩm thực gia nhập thị trường thương mại điên tử vốn đang làm mưa làm gió trên nhiều lĩnh vực khác như thời trang, điện tử, công nghệ và bán lẻ. 

Trên sân chơi trực tuyến, khách hàng sở hữu một công cụ tương tác trực tiếp với nhà hàng. Họ có thể đưa ra nhận xét, đánh giá về chất lượng dịch vụ và món ăn trên cùng một nền tảng trực tuyến mà nhà hàng đang kinh doanh. Bên cạnh đó, các thông tin về món ăn, giá cả và chất lượng dịch vụ của nhà hàng cũng được phổ biến rộng rãi với cộng đồng. Điều này tạo cơ hội cho các nhà hàng nâng cao chất lượng dịch vụ và món ăn của mình để “ghi điểm” trong mắt người tiêu dùng.

Mặt khác, sở hữu một lượng lớn cơ sở dữ liệu, các trang gọi món trực tuyến có thể hoàn thành tốt vai trò định hướng thị trường ẩm thực thông qua nguồn cơ sở dữ liệu hữu ích về thói quen và thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy và hoàn thiện quan hệ cung- cầu trên thị trường ẩm thực.

Cuộc cạnh tranh giữa 2 ông lớn

Cho đến nay, hầu hết các thương hiệu lớn trên thị trường đều đang được sự đầu tư của các đại gia thương mại điện tử như Rocket Internet, VC Corp. 

Rocket Internet là tập đoàn công nghệ sở hữu một đế chế thương mại điện tử hùng mạnh trên thị trường thế giới với nhiều thương hiệu thuộc những lĩnh vực khác nhau. Riêng trên thị trường đặt hàng thức ăn trực tuyến, foodpanda (cùng với hellofood and Delivery Club) là thương hiệu lớn của tập đoàn đã có mặt tại gần 40 nước trên thế giới. foodpanda gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2012.

Mức độ hài lòng của khách hàng với foodpanda tại 5 quốc gia.  

Ông Salvador Martinez, Giám đốc điều hành foodpanda Việt Nam chia sẻ: “Không chỉ tập trung hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa các dịch vụ sẵn có trên thị trường, foodpanda còn mang đến nhiều giải pháp hỗ trợ khác nhau giúp đối tác đa dạng hoá dịch vụ của mình. Chúng tôi đang từng bước hoàn thiện đội ngũ giao hàng tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm hỗ trợ các nhà hàng có thể triển khai giao hàng ở những địa bàn rộng lớn hơn khi tham gia cộng tác cùng chúng tôi. Đối với khách hàng, chúng tôi không chỉ kết nối họ với những lựa chọn ẩm thực đa dạng mà hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp của chúng tôi giúp họ kiểm soát được đơn hàng ngay từ những bước đặt hàng đầu tiên”. 

Có thể thấy, lợi thế cạnh tranh của foodpanda là mang đến cho thị trường nhiều dịch vụ gia tăng hữu ích nhằm giải quyết những rào cản tâm lý về chất lượng dịch vụ và xây dựng lòng tin nơi khách hàng. Điều này được minh chứng rõ rệt qua số đơn đặt hàng từ tháng 1/2014 đến tháng 1/2015 qua trang web và ứng dụng điện thoại của foodpanda đã tăng hơn 800%.

Việc ký hợp đồng độc quyền giữacác thương hiệu ẩm thực và website gọi món trực tuyến mang đến những lợi ích thương hiệu đặc biệt cho các đối tác ẩm thực. Họ sẽ được hưởng những dịch vụ và chương trình tiếp thị đặc biệt, mức chiết khấu dành cho công ty đặt hàng thức ăn trực tuyến cũng cao hơn. Foodpanda hiện là công ty toàn cầu duy nhất tại Việt Nam sở hữu những quan hệ đối tác độc quyền với các thương hiệu lớn như: Jollibee, Burger King, BBQ Chicken và Ding Tea. 

Khi ký độc quyền với các thương hiệu, foodpanda sẽ thuận lợi hơn so với đối thủ ở chỗ: nhà hàng/thương hiệu ẩm thực đó hoàn toàn sử dụng dịch vụ của foodpanda, không kết hợp với bất kỳ một bên thứ 3 nào khác cho dịch vụ giao hàng.

VC Corp được xem là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam với độ phủ sóng trên nhiều lĩnh vực công nghệ và Internet. VC Corp gia nhập thị trường đặt hàng thức ăn trực tuyến qua thương vụmua lại thương hiệu Eat vào năm 2012. 

Đường lối phát triển của doanh nghiệp trên thị trường là duy trì song song 2 thương hiệu gọi món trực tuyến khác nhau: Eat nhắm vào cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam trong khi Chonmon nhắm vào nhóm đối tượng người Việt. 

Tuy không có độ phủ sóng mạnh mẽ trên thị trường quốc tế như foodpanda của Rocket Internet, song sự đa dạng trong dịch vụ công nghệ của VC Corp tại thị trường bản xứ có thể được xem nhưlà lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cho đến thời điểm này.

Với 3 năm xuất hiện tại thị trường, chặng đường phát triển mô hình kinh doanh đặt hàng thức ăn trực tuyến của các doanh nghiệp tại Việt Nam hứa hẹn sẽ còn nhiều thay đổi. Điều này khiến cho sân chơi thương mại điện tử ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng. 


Tuấn Phong

Bình luận
vtcnews.vn