Bức ảnh chụp lại bài làm văn viết trên giấy ô ly được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội nhiều ngày qua. Đề thi ngắn gọn: “Tả con chó nhà em” và bài làm ở phần của học sinh cũng vỏn vẹn đúng hai câu: “Nhà em không có nuôi chó. Chừng nào em nuôi chó thì em sẽ tả”.
Ở dòng nhận xét được cho là của giáo viên (dùng bút đỏ), có phê: “Cạn lời. Về nhà làm lại”. Ở trên, đề ngày 15/5/2017.
Trước hết, đọc bài văn “Em không tả được” này nhiều người phải cười sặc sụa. Nhưng thay vì bị chê vì không biết tả con chó nhà em, nhiều ý kiến cho rằng em học trò trả lời như vậy là giỏi, đúng yêu cầu của đề và có tư duy phản biện. Thậm chí, không ít người tỏ ra thích thú với bài văn khi học sinh dám bày tỏ sự thật chứ không rập khuôn theo văn mẫu, tả mà đôi khi các em không biết mình tả gì.
Video: Bài văn 'Mặt trái của điểm số" gây xôn xao dân mạng
Chưa kể, còn nhiều lời khen dành tặng cho bài văn khi cho rằng em đọc kỹ đề bài, chứ không bộp chộp đọc ý đầu rồi làm bài ngay như tư duy chúng ta, nhất là trẻ nhỏ dễ mắc phải.
Nếu bài văn hai câu trên được xem là không ổn theo nhiều người là lỗi ở người ra đề. Đề Văn quá bó hẹp, thiếu tư duy, dập khuôn, mang tính áp đặt. Thậm chí, có giáo viên tiểu học đánh giá “Đề tự đào hố chôn mình”.
Cách xử lý trong lời nhận xét của giáo viên cũng được cho là quá cứng nhắc khi thay vì linh hoạt, đưa ra những gợi ý khác cho học sinh khi em đã “từ chối” tả một cách chân thật thì lời phê lại.. yêu cầu về làm lại. Trong khi cô có thể gợi mở như tả con chó hàng xóm, tả con chó mà em từng gặp, từng biết...
Theo tìm hiểu, bài văn này không có thật mà là một sản phẩm được dựng lên và đăng tải trên mạng xã hội. Việc này cũng gây ra những ý kiến trái chiều.
Một bên cho rằng kể cả đây là sản phẩm “giả tạo” cũng không ảnh hưởng gì mà còn có thể chia sẻ kinh nghiệm vui trong việc ra đề cũng như cách xử lý tình huống cho giáo viên. Trên thực tế còn nhiều giáo viên ra đề, chấm bài theo khuôn mẫu, áp đặt lên học trò như tả con vật trong nhà, tả bố mẹ, ông bà theo hình mẫu của mình đặt ra. Vô tình điều này làm các em trở thành những “chú vẹt” và quen với việc gian dối, thiếu chân thật từ nhỏ.
Tuy nhiên, cũng có người lên tiếng cho rằng người lớn không nên tự chế ra các bài văn của con trẻ ra để làm trò cười. Vì khi đó họ cũng đã "bẻ" cách nhìn, chiều hướng về vấn đề theo quan điểm của mình. Từ những trò đùa này dễ gây ra cách nhìn tiêu cực, có khi méo mó về giáo viên, về ngành giáo dục.
Bình luận