• Zalo

Tranh luận 'nảy lửa' quanh chính sách quản lý dược phẩm

Thời sựThứ Năm, 01/03/2018 18:38:00 +07:00Google News

Các doanh nghiệp ngoại cho rằng việc không cho phép họ cung cấp dịch vụ bảo quản, vận chuyển thuốc là không phù hợp với cam kết quốc tế.

Những ý kiến trái chiều liên quan tới chính sách quản lý dược phẩm một lần nữa được các doanh nghiệp phản ánh tại toạ đàm do Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) và Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nêu tại toạ đàm diễn ra ngày 1/3.

Ông Chung Yee Seck, Tiểu ban Pháp lý Amcham phản ánh bất cập khi dự thảo Nghi định 54 hướng dẫn thực hiện Luật Dược 2016 cũng như Thông tư hướng dẫn nghị định này không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc.

"Dự thảo thông tư hướng dẫn quy định các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng các hoạt động bảo quản và vận chuyển thuốc ngay khi thông tư có hiệu lực là trái các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, không phù hợp với nguyên tắc bảo hộ đầu tư theo Luật Đầu tư...", ông Chung Yee Seck nêu.

Quy định này, theo luật sư Lê Nết (Công ty luật Lê Nết) có thể gây khó cho hoạt động phân phối và gián tiếp làm tăng giá thuốc trên thị trường khi "chợ chỉ có một người tham gia".

1

 Ảnh minh họa.

Nêu ví dụ, vị luật sư này dẫn ra quy định được nêu trong dự thảo Nghị định "xuất hàng và giao hàng cho các cơ sở bán buôn thuốc phải được thực hiện tại chính kho bảo quản của đơn vị nhập khẩu...".

Theo ông, quy định như vậy là trái với Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại khi các bên có thể thoả thuận về địa điểm giao hàng. Doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm chi phí khi phải đầu tư thêm kho bảo quản, gián tiếp làm tăng giá bán thuốc trên thị trường.

"Việc phải vận chuyển lòng vòng cũng làm tăng chi phí, tăng ô nhiễm môi trường và áp lực lên hệ thống giao thông của Việt Nam", ông phân tích.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, theo nguyên tắc WTO thì việc bảo hộ chỉ áp dụng với các lĩnh vực nhạy cảm như văn hoá, an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng như xăng dầu…

“Vậy với ngành dược thì lập luận như thế nào và liệu có cần không?”, ông đặt câu hỏi, đồng thời nhắc đến bài học bảo hộ gần 2 thập kỷ của ngành ôtô đã ảnh hưởng đến quyền tiếp cận của người tiêu dùng với hàng hoá chất lượng kèm theo giá cả hợp lý.

Video: Lý giải nguyên nhân dễ 'say quắc cần câu' khi uống nước ngọt pha lẫn bia

Phản hồi các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, quy định mới sẽ tạo ra bảo hộ trong ngành dược.

Ông cho hay, sẽ có thời điểm mở cửa quyền phân phối dược cho doanh nghiệp vốn nước ngoài nhưng chưa phải lúc này và các quy định mới không trái với Luật Dược, bởi điều 44 của luật giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế quy định và thông tư này là để thể chế hoá điều đó.

Với các doanh nghiệp đã thực hiện trước khi luật và thông tư có hiệu lực thì để giải quyết hài hoà lợi ích, Bộ Y tế đã họp với các Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tư pháp, Công Thương để bàn về điều khoản chuyển tiếp trên tư tưởng nhất quán là tạo điều kiện, môi trường ổn định trong đầu tư kinh doanh nhập khẩu cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn