Phí bảo trì là một vấn đề nóng dẫn đến tranh chấp ở nhiều chung cư trong thời gian qua. Trong thực tế, các tranh chấp phát sinh liên quan đến quỹ bảo trì cũng có nhiều lý do khác nhau nhưng chủ yếu là do chủ đầu tư chưa bàn giao được phí bảo trì chung cư cho Ban quản lý, dẫn đến việc nhà thì không được nâng cấp, người dân thì bức xúc mà không biết kêu ai.
Vậy người dân cần làm gì để không gặp phải những trường hợp như thế này? Hãy cùng nghe Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt tư vấn kỹ hơn về vấn đề này.
- Trong thời gian gần đây, câu chuyện về việc chung cư xuống cấp do liên quan đến phí bảo trì tòa nhà chung cư diễn ra khá phổ biến. Nhiều người dân phản ánh, tại sao họ đã đóng 2% phí bảo trì cho chủ đầu tư trước khi họ nhận bàn giao nhà, nhưng sau khi nhận nhà, Ban quản lý tòa nhà chung cư cũng đã có và ở được một thời gian, thế nhưng tòa nhà chung cư của họ không được bảo trì. Vậy theo ông, nguyên nhân này là do đâu?
Việc nhà không được bảo trì xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân cơ bản trong trường hợp nhà ở chung cư không được bảo trì là do những tranh chấp giữa chủ đầu tư và Ban quản trị tòa nhà chung cư trong việc chuyển giao toàn bộ phí bảo trì tòa nhà chung cư.
Quỹ bảo trì được xây dựng trên cơ sở thu phí 2% đối với người dân tham gia giao dịch mua nhà. Đây thường là những phí dùng để bảo trì cho những hệ thống cũng như sử dụng cho những tiện ích công của tòa nhà.
Nếu chủ đầu tư trì hoãn hoặc chậm bàn giao những cái đó thì trong trường hợp tòa nhà chung cư xuống cấp, lẽ ra Ban quản lý tòa nhà chung cư phải có nguồn vốn, nguồn kinh phí để bảo dưỡng thì họ lại không có.
Khi chuyển yêu cầu sang chủ đầu tư thì phía chủ đầu tư lại phủ nhận trách nhiệm, dẫn đến việc bên có trách nhiệm sửa thì không có nguồn kinh phí, bên không có trách nhiệm sửa thì lại giữ nguồn kinh phí. Từ đó dẫn đến tình trạng nhà thì xuống cấp, tiền bảo trì thì lại không được bàn giao đúng đối tượng để sử dụng dịch vụ.
- Theo luật sư, trong trường hợp này, người dân cần làm gì và người dân nên lựa chọn những chủ đầu tư như thế nào để bảo vệ lợi ích của mình?
Trong những trường hợp như vậy, người dân sẽ có 2 phương án giải quyết. Một là làm theo những hướng dẫn về luật nhà ở của Thông tư 02, đó là yêu cầu UBND cấp tỉnh giải quyết, hai là khởi kiện chủ đầu tư ra tòa nếu như UBND không giải quyết. Đương nhiên, việc khởi kiện sẽ phức tạp hơn, mất thời gian hơn và làm cho người dân thấy nặng nề, mệt mỏi.
Về việc lựa chọn chủ đầu tư, đối với các dự án, chúng ta nên lựa chọn các chủ đầu tư có uy tín và có cam kết về giá trị cao hơn.
Xin cảm ơn luật sư!
Video: Chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, cư dân căng bảng phản đối
Bình luận