(VTC News) - Luật sư cho rằng, thông báo thu hồi đất tranh chấp tại thôn Đông Sàng của UBND xã Đường Lâm là hoàn toàn không có cơ sở, không có tính thuyết phục.
Liên quan đến vụ tranh vụ việc “tranh chấp đất chùa Mía” ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây VTC News đã thông tin, trong các ngày 28/4/2014 và 9/5/2014, UBND xã Đường Lâm đã ra thông báo với nội dung do “hai bên tranh chấp không đưa ra các giấy tờ hợp pháp” nên “đề nghị thu hồi giao cho UBND xã Đường Lâm quản lý”.
Không đồng tình với thông báo này của UBND xã Đường Lâm, sáng 16/9, hàng chục hộ dân đại diện nhân dân thôn Đông Sàng đã cùng nhau gửi đơn đến trụ sở tiếp công dân của UBND TP Hà Nội tại số 20 Hoàng Diệu (Hà Đông, Hà Nội) để tiếp tục kiến nghị về việc chính quyền địa phương “thiếu trách nhiệm” trong việc giải quyết tranh chấp đất tại đây.
Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Thực, Công ty Luật Song Thanh (Hà Nội) xung quanh vụ việc này.
Ông Thực cho biết, hiện nay Luật Đất đai năm 2013 đã có hiệu lực. Nhưng đối với những tranh chấp đất đai phát sinh trước ngày 1/7/2014 thì vẫn áp dụng Luật Đất đai năm 2003 để giải quyết.
Luật Đất đai năm 2003 quy định, khi xảy ra tranh chấp đất đai trong cộng đồng dân cư giữa cá nhân với cá nhân, giữa các hộ gia đình với nhau, giữa cá nhân với hộ gia đình... thì khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở.
Một phần diện tích đất tranh chấp tại thôn Đông Sàng. |
Nếu các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai.
Trường hợp hòa giải không thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nếu tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết (Khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003).
Nếu tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì giải quyết như sau:
Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng.
Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng (Điểm a, b Khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003).
Việc ngày 28/4/2014 và 9/5/2014, UBND xã Đường Lâm đã ra thông báo với nội dung do “hai bên tranh chấp không đưa ra các giấy tờ hợp pháp” nên “đề nghị thu hồi diện tích đất trên giao cho UBND xã Đường Lâm quản lý” là chưa có cơ sơ vì:
Thứ nhất, căn cứ Khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003, nếu tranh chấp mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì do Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, nếu tranh chấp mà đương sự không Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND (Khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003).
Như vậy, vụ việc tranh chấp nêu trên hiện tại còn đang trong quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng, chưa có một Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật mà UBND xã Đường Lâm đã ra thông báo “đề nghị thu hồi diện tích đất trên giao cho UBND xã Đường Lâm quản lý là hoàn toàn không có cơ sở, không có tính thuyết phục.
Trong trường hợp UBND xã Đường Lâm có căn cứ, tài liệu chứng minh và cơ quan Nhà nước phán quyết bằng Bản án, Quyết định diện tích đất đó thuộc quyền sử dụng hợp pháp của UBND xã Đường Lâm thì việc đó mới có cơ sở.
Liên quan đến quyền sở hữu đối với mảnh đất tranh chấp nói trên, Luật sư Nguyễn Hữu Thực cho rằng: "Nếu đúng là trên bản đồ của Sở Tài nguyên và Môi trường thể hiện mảnh đất này là thuộc khuôn viên của Chùa; UBND xã Đường Lâm cũng quản lý theo bản đồ này; quần chúng nhân dân trong vùng và nhiều cán bộ xã, thôn qua nhiều thời kỳ khẳng định mảnh đất này là của Chùa... thì có cơ sở để khẳng định mảnh đất đó là của Chùa dù không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc ông Quách Xuân Phương gần đây mới được sử dụng mảnh đất này để cúng tiến đèn nhang cho chùa, rồi dần dần xây tường bao và cho rằng mảnh đất này là của gia đình ông là hành vi lấn chiếm đất công trái phép. Trong trường hợp này, UBND xã Đường Lâm cần phải ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Phương, đồng thời yêu cầu ông Phương trả lại mảnh đất cho Chùa quản lý."
VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.
Đà Long
Bình luận