• Zalo

Đề thi Ngữ văn dạy học sinh lớp 12 cách buông bỏ gây tranh cãi

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 23/12/2019 17:53:11 +07:00Google News
(VTC News) -

Đề thi học kỳ I môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2019 – 2020 của Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng gây tranh cãi về vấn đề buông bỏ xuất hiện trong phần làm văn.

Đề thi yêu cầu học sinh nhận định "Từ bỏ cũng là một lựa chọn" gây ra tranh cãi bởi học sinh lớp 12 chưa có những trải nghiệm trong cuộc sống.

Đề thi mở và mới

Cô Phạm Quyên, trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội) đánh giá đề thi Ngữ văn do Sở GD&ĐT Đà Nẵng đưa ra mang đúng “hơi thở cuộc sống thời đại”, chạm vào giá trị thực tế. Một đề thi “bứt phá” cả nội dung lẫn hình thức rất khác với những đề thi thông thường.

Khác biệt thứ nhất, đề vượt khỏi “mô típ” của đề thi THPT quốc gia nhiều năm nay cũng như đề thi của các địa phương khác. Cụ thể phần đọc – hiểu: 3 điểm, phần nghị luận xã hội: 7 điểm, không có câu nghị luận văn học như truyền thống.

Sự khác biệt này là điều cần thiết vì thoát khỏi kiểu kiểm tra – thi cử “mô phạm”. Nhiều người cho rằng, đề thi cần theo hình thức đầy đủ bám sát đề thi THPT quốc gia giúp định hướng học sinh làm quen dần. Nhưng đó là điều không hẳn, vì học sinh lớp 12 đã biết được điều đó từ thực tế đề thi của những năm trước.

Theo cô Quyên, đây chỉ là đề thi học kỳ I nên Sở GD&ĐT hoàn toàn có quyền quyết định hướng ra đề mở và mới, miễn sao giúp học sinh không áp lực mà vẫn hứng thú học là được. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra suốt 7 năm học phổ thông thầy cô tập cho học sinh làm những dạng đề như vậy nên các em đủ quen.

Đề thi Ngữ văn dạy học sinh lớp 12 cách buông bỏ gây tranh cãi - 1

 

Thứ hai, nội dung đề thi ấn tượng và mới. Nó nhìn trực diện vào cuộc sống, bám sát với suy nghĩ của học sinh… Điều đó sẽ kích thích các em làm bài bằng tất cả quan điểm sống, lý lẽ lập luận của mình. "Với một đề bài về nghị luận xã hội như vậy là quá thành công', cô Quyên nói. "Một đề thi như vậy rất đáng để các trường khác học hỏi, cho các em được thoải mái nói ra, cũng là cách để giáo viên lắng nghe các em thực sự muốn gì ở những khoảng thời gian trước khi quyết định ngã rẽ của cuộc đời”.

Dạy học sinh biết buông bỏ là… đúng

Theo cô Tuyết Mai, trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ), cách đặt vấn đề của đề thi rất hay, nói rất đúng thực tế một bộ phận giới trẻ đã và đang luẩn quẩn trong đó.

Bố mẹ kỳ vọng, thầy cô rèn rũa, bạn bè đua tài… đó là những thứ áp lực vô hình đè gánh nặng lên vai các em. Nhiều em ngộ nhận rằng mình sẽ giàu, sẽ giỏi, sẽ thành công… nhưng các em không hiểu được rằng bản thân mình chỉ có thể sống an phận. Không phải dạy gì cũng đúng và những ảo mộng đó sẽ vỡ toang khi các em va chạm cuộc sống (ra trường và làm việc).

Cô Mai cho rằng trước khi học sinh lớp 12 bước vào đời, các em có quyền được nhận ra và học cách buông bỏ những thứ khiến con người mệt mỏi, ganh đua những điều không nên, thậm chí buông bỏ “bước trên thảm đỏ” mà cha mẹ đã lo sẵn.

Sẽ có không ít bạn học sinh phản đối vấn đề buông bỏ với lập luận “từ bỏ ước mơ sẽ gây nhiều hối tiếc về sau”. Nhưng ngụ ý câu chuyện muốn nói ở đây là nỗ lực vì điều đúng đắn và cần buông bỏ những điều khiến cho bản thân buồn khổ, không đem lại hiệu quả.

Đây đúng là đề văn mang hơi thở cuộc sống, rất thực tế. Hãy để học sinh là chính mình chứ không nên "sống hộ ước mơ người khác". Từ bỏ cũng là một lựa chọn. Hãy thoát khỏi an toàn kiểu "ao làng" để vươn ra biển lớn.

Quá sớm để dạy con cách buông bỏ?

Ngược với quan điểm của giáo viên, chị Nguyễn Quỳnh (Hà Nội) thừa nhận câu chuyện trong đề thi rất hay, đúng thực tế cuộc sống nhưng nó chưa thật sự phù hợp với học sinh độ tuổi lớp 12.

"Đây là quãng thời gian rất nhạy cảm trước khi các con quyết định trường đại học mình sẽ xét tuyển vào. Các con chưa đủ chín chắn để phân biệt được đâu là sở thích nhất thời, đâu là nơi sẽ giúp con phát huy hết tài năng của bản thân", chị Quỳnh nói.

Phụ huynh này lo lắng, nếu các con không hiểu rõ ngụ ý của đề Văn thì rất dễ dẫn đến việc cổ xúy cho cái tôi quá lớn trong đứa trẻ đang phát triển. Chúng sẽ thấy quyết định của gia đình là sai, nó sẽ đi theo cái gọi là đam mê của bản thân. Điều đó quá nguy hiểm cho tương lai của trẻ.

Đồng quan điểm, anh Quốc Trị (Yên Bái) chia sẻ, bên cạnh vấn đề về hình thức ra đề thi, thì nội dung câu hỏi cần xem xét lại. Với vấn đề này người lớn phải dành hết can đảm mới dám từ bỏ được điều mình mơ ước thì các em nhỏ càng hoang mang hơn, thậm chí khiến các em mệt mỏi và áp lực hơn.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn