• Zalo

Tranh cãi 13 tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp đại học số 1 châu Á về cấp 2 dạy

Giáo dụcChủ Nhật, 05/01/2025 15:56:35 +07:00Google News

Việc một trường THCS yêu cầu tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ từ đại học danh tiếng nhưng không cần bằng sư phạm đã gây ra tranh luận tại Trung Quốc.

Cuối tháng 12/2024, trường THCS Tô Châu ở tỉnh Giang Tô (phía đông Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng nước này khi công bố danh sách tuyển dụng giáo viên năm 2025.

Giáo viên giỏi phải tốt nghiệp trường top?

Trong số 13 giáo viên mới được tuyển, có 6 người tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, 4 người từ Đại học Bắc Kinh, 8 người có bằng tiến sĩ và 5 người có bằng thạc sĩ, theo Jiupai News. Đáng chú ý, không ai tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều tranh luận từ phía công chúng và các chuyên gia về mối liên hệ giữa danh tiếng học thuật và năng lực sư phạm.

Trường THCS Tô Châu đã đưa ra các tiêu chí rất khắt khe trong thông báo tuyển dụng giáo viên. Mặc dù ưu tiên ứng viên có bằng tiến sĩ nhưng những người có bằng thạc sĩ vẫn được xem xét nếu đáp ứng ít nhất một trong các điều kiện sau: Đạt ít nhất 3 học bổng cấp quốc gia khi học đại học và cao học; nhận danh hiệu danh dự cấp tỉnh trở lên như “Sinh viên Ba Tốt" hoặc "Sinh viên Xuất sắc"; tốt nghiệp từ các trường đại học hạng A thuộc sáng kiến "Xây dựng đại học đẳng cấp thế giới"; hoặc đạt giải ba trở lên trong các kỳ thi Olympic quốc gia ở bậc trung học phổ thông.

Quyết định tuyển dụng chỉ nhắm đến các trường đại học hàng đầu và bỏ qua các ứng viên được đào tạo chính quy về sư phạm đã gây không ít ý kiến trái chiều. Theo giới chuyên gia Trung Quốc, xu hướng này xuất phát từ 2 yếu tố chính.

Thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng thường đạt kết quả vượt trội trong các bài kiểm tra viết và phỏng vấn để trở thành giáo viên. Trong khi đó, ứng viên từ các trường sư phạm dù được đào tạo chuyên môn lại khó cạnh tranh ở mức độ tương tự.

Việc một trường cấp 2 ở Trung Quốc tuyển dụng sinh viên trường top về dạy học dù không có bằng sư phạm đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều. (Ảnh: Imaginechina Limited).

Việc một trường cấp 2 ở Trung Quốc tuyển dụng sinh viên trường top về dạy học dù không có bằng sư phạm đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều. (Ảnh: Imaginechina Limited).

Thứ hai, nhiều trường học ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục danh giá như một cách nâng cao uy tín của chính mình, phù hợp với quan niệm xã hội rằng sinh viên từ các trường đại học hàng đầu sẽ đào tạo ra học sinh có năng lực hàng đầu.

Tuy nhiên, không ít người dùng mạng xã hội Trung Quốc cảnh báo rằng không nên đánh đồng uy tín học thuật với năng lực giảng dạy.

“Một nghiên cứu sinh tiến sĩ giỏi nghiên cứu khoa học nhưng chưa chắc đã là giáo viên giỏi. Sinh viên trường sư phạm xuất sắc nên là lựa chọn đầu tiên để tuyển sinh. Đừng mù quáng tôn thờ trình độ học vấn”, một người bình luận.

Một số khác đánh giá, năng lực quản lý lớp học và phương pháp giảng dạy hiệu quả cho học sinh mới là yếu tố quyết định sự thành công nhà giáo chứ không phải bằng tốt nghiệp trường danh tiếng.

Gia tăng xu hướng tiến sĩ về cấp 2 dạy

Hiện tượng sinh viên tốt nghiệp trình độ cao, bao gồm cả tiến sĩ, giảng dạy tại các trường tiểu học và trung học ở Trung Quốc bắt đầu gia tăng.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 Hùng Bính Cơ, xu hướng này ngày càng phổ biến ở các thành phố như Tô Châu, Hàng Châu và Thâm Quyến. Tại đây, các trường trung học trọng điểm thường yêu cầu ứng viên có bằng thạc sĩ trở lên cho vị trí giáo viên.

“Yêu cầu về trình độ học vấn cao hơn xuất phát từ sự phổ cập giáo dục đại học. Hiện nay, Trung Quốc đào tạo khoảng 1 triệu sinh viên tốt nghiệp sau đại học mỗi năm. Con số tương đương với số lượng cử nhân và cao đẳng tốt nghiệp trong thập niên 1990”, Viện trưởng Hùng giải thích.

Ông cũng cho biết việc sửa đổi Luật Nhà giáo Trung Quốc sắp tới dự kiến sẽ nâng yêu cầu tối thiểu về trình độ giáo dục của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở lên trình độ đại học và giáo viên trung học phổ thông có thể cần bằng thạc sĩ hoặc cao hơn.

Nghiên cứu năm 2022 của bà Vương Hiểu Yên thuộc Hiệp hội Giáo dục Đại học Quảng Đông cho rằng bởi vì thị trường việc làm Trung Quốc đang thay đổi nên các nghiên cứu sinh tiến sĩ ngày nay đang làm nhiều việc đa dạng, trong đó có giảng dạy tại các trường trung học.

Báo cáo việc làm của các trường đại học danh tiếng như Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh đã liệt kê các cơ sở giáo dục phổ thông song song với giáo dục đại học, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ trở thành một trong những điểm đến nghề nghiệp chính cho sinh viên tốt nghiệp sau đại học của họ.

(Nguồn: Vietnamnet)

Link: https://vietnamnet.vn/tranh-cai-13-tien-si-thac-si-tot-nghiep-dai-hoc-so-1-chau-a-ve-cap-2-day-2359944.html

Bình luận
vtcnews.vn