• Zalo

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Lời tiên tri kinh ngạc trong phần mộ

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 14/06/2014 07:09:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thầy Tàu quá kinh hãi, răm rắp làm theo mọi việc Trạng đã chỉ bảo, và tự xấu hổ nhận mình chỉ đáng là học trò bậc thánh nhân này.

(VTC News) - Thầy Tàu quá kinh hãi, răm rắp làm theo mọi việc Trạng đã chỉ bảo, và tự xấu hổ nhận mình chỉ đáng là học trò bậc thánh nhân này.


Kỳ 2: Những huyền tích về mộ phần của Trạng Trình

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hải Phòng) vốn là người rất quan tâm tới những sự kiện lịch sử, những danh nhân tiêu biểu của đất nước. Vào thời gian ông còn dạy học, có lần qua đất Vĩnh Bảo, thấy đền thờ Trạng Trình xập xệ, cũ kỹ, không ai trông giữ, phía trước trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ, ông cất tiếng thở dài.

Năm 1985, ông Lợi cùng một số nhà sử học bắt đầu nghiên cứu thân thế và sự nghiệp, cũng như vai trò lịch sử của Trạng Trình. Suốt quá trình 6 năm (1985-1991), với những tư liệu thu thập được, ông Lợi cùng các nhà khoa hoc đã khẳng định Trạng Trình là một nhân vật toàn diện, một danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước.

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi luôn mong mỏi tìm thấy phần mộ của Trạng 

Năm 1991, tên tuổi, danh tiếng, tài năng kiệt xuất của Trạng Trình được sống lại. Lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh của ông được Nhà nước tổ chức long trọng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó cũng là thời điểm bắt đầu cuộc hành trình tìm mộ 'nhà tiên tri số một' Việt Nam, dù rằng lúc ấy, những tài liệu ghi chép về Trạng còn cực kỳ mơ hồ.

Trước đó, nhà sử học Ngô Đăng Lợi tham mưu, đề xuất với Ủy ban MTTQ TP. Hải Phòng thành lập Hội Từ thiện Hải Phòng trên cơ sở lưu giữ và phát huy truyền thống tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau... Ý tưởng của ông được lãnh đạo và ủy ban MTTQ thành phố ủng hộ. Năm 1991, Hội Từ thiện chính thức ra đời, và ông có mời thêm một số người về làm cố vấn cho hội, trong đó có cụ cố thanh đồng Lã Thị Vân (thường gọi là cụ Chấn Hưng), một người nổi tiếng ở Hải Phòng lúc đó.

Sau ngày ra mắt Hội, ông Lợi dẫn cả đoàn từ thiện về thăm đền Trạng ở Vĩnh Bảo, tiện thể mang ít quần áo về phân phát cho những người nghèo ở đó. Với kiến thức phong thủy của mình, cụ Chấn Hưng nhận ra mảnh đất Trung Am là vùng đất có khí thiêng, nhất là chỗ hồ bán nguyệt trước cửa đền Trạng, có thế đất nghiêng thủy ánh, có nghĩa là cái hồ nằm nghiêng để hứng ánh mặt trăng, mặt trời chiếu vào. Rồi cụ Chấn Hưng khẳng định: "Thế đất bên phải có hình lá cờ, bên trái có hình thanh kiếm, không ngạc nhiên khi mảnh đất này đã sinh ra một bậc thánh nhân".

Ao bán nguyệt trước đền Trạng Trình

Thắp hương trong đền Trạng Trình xong, ngồi nói chuyện với những người trong dòng họ Nguyễn, ông Lợi cùng đoàn từ thiện được nghe những câu chuyện lưu truyền trong những phút cuối đời của Trạng. Theo đó, vào lúc lâm chung, Trạng Trình có gọi người con cả vào và viết lên lòng bàn tay 4 chữ “Táng tại Ao Dương”.

Khi Trạng mất, gia đình và học trò theo di huấn mang thi thể xuống thuyền đưa đi chôn cất tại địa điểm mà Trạng đã căn dặn. Ngày hôm sau tại Trung Am có tổ chức lễ viếng Trạng linh đình và quan tài giả được khiêng đi chôn cất công khai. Theo các cụ, ngôi mộ thật, bị mưa nắng bào mòn rồi xóa sạch dấu tích.

Truyền thuyết ứng với câu đồng dao cổ mà trẻ con làng Trung Am thời xưa hay hát truyền, mà bản thân nhà sử học Ngô Đăng Lợi cùng mọi người thỉnh thoảng vẫn được nghe: “Ba Rá nhìn sang/ Ba Đồng ngoảnh lại/ Táng tại Ao Dương”.

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi cùng các chuyên gia đã tiến hành khảo sát toàn bộ con sông Hàn, thì đúng là phần phía nam có một đoạn sông mang tên Ba Rá thuộc địa phận tỉnh Thái Bình, phía đông có đoạn sông mang tên Ba Đồng trên địa phận Hải Phòng.

Có thể suy ra, nếu đúng như câu đồng dao, thì phần mộ của Trạng Trình sẽ nằm trong khoảng đất đâu đó gần 2 đoạn sông có tên Ba Rá và Ba Đồng. Điều đó cho thấy sự lựa chọn gần như bí mật tuyệt đối của Trạng khi chọn vị trí đặt huyệt mộ của mình. Khi tiến hành chôn cất, có thể là vào thời điểm mùa khô nước cạn. Và khi nước mạnh lên, dòng chảy sẽ dễ dàng xóa sạch mọi dấu tích mà không để lộ. Nhất là vào thời của Trạng, dân cư lúc ấy còn rất thưa thớt.

Tuy nhiên, địa danh Ao Dương được nhắc đến, cho đến giờ vẫn còn gây tranh luận vì những ý nghĩa khác nhau của nó.

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi

Có một huyền tích vẫn được lưu truyền ở Vĩnh Bảo và càng khẳng định thêm về những khả năng tiên đoán về tương lai của Trạng Trình. Đó là sau ngày Trạng mất khoảng nửa thế kỷ, một thầy địa lý có tiếng của Trung Quốc vì kính nể tiếng tăm đã lặn lội sang thăm và viếng mộ. Thầy Tàu ngạc nhiên khi nhìn thấy rõ ràng ngôi mộ được đặt vào huyệt đất rất tốt, nhưng huyệt phát ở đằng chân mà mộ lại đặt ngược, ông ta cho rằng Trạng Trình là “thánh nhân mắt mù”, người hữu danh vô thực.

Nghe thấy thế, ông trưởng tộc vội vàng ra mời thầy về rồi khẩn khoản nhờ thầy địa lý đặt lại mộ cho, vì trước khi mất Trạng đã dặn dò con cháu mai sau sẽ xảy ra sự việc này. Nghe thế, thầy Tàu bảo chỉ cần đào huyệt mộ lên rồi xoay lại là được. Nhưng đào được một lúc thì mọi người phát hiện có 1 tấm bia được chôn cùng, khắc bài thơ: "Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu/ Ngũ thập niên hậu mạch quy túc/ Hậu sinh nhĩ bối ná năng tri?/ Hà vị thánh-nhân vô nhĩ mục?". Nghĩa là:"Ngày nay mạch lộn xuống chân/ Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu/ Biết gì những kẻ sinh sau?/ Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?”.

Đến lượt ông thầy Tàu cùng mọi người mới ngã ngửa. Rõ ràng, Trạng đã biết trước mọi việc và dặn dò con cháu chôn theo tấm bia đã được bọc kỹ, không ai hiểu bia ghi điều gì. Và 50 năm sau nếu có ai đến thăm mộ mà nói: “Thánh nhân mắt mù” thì phải mời họ về nhà rồi nhờ họ đổi lại hướng của ngôi mộ.

Thầy Tàu quá kinh hãi, răm rắp làm theo mọi việc Trạng đã chỉ bảo, và tự xấu hổ nhận mình chỉ đáng là học trò bậc thánh nhân này.

Những câu chuyện mà nhà sử học Ngô Đăng Lợi đã sưu tầm được về phần mộ của Trạng Trình, có thể thấy phần lớn là do truyền khẩu, hoặc tin đồn, rất ít có sử sách ghi chép lại, do đó rất khó có thể làm căn cứ chính xác. Chỉ có Trạng và những người tham gia mai táng theo đúng di huấn của Trạng mới biết chính xác nhất phần mộ đang ở đâu. Tuy nhiên, tất cả đã trở thành người thiên cổ.


Còn tiếp...

Minh Khang – Minh Hải
(Ghi theo lời kể của nhà sử học Ngô Đăng Lợi)
Bình luận
vtcnews.vn