• Zalo

Trần Tiến chờ công ty vệ sinh đặt hàng viết ca khúc

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 02/08/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Là một nhạc sĩ mát tay cho những ca khúc viết theo đơn đặt hàng, Trần Tiến đang mong mỏi có công ty vệ sinh hay mai táng nhờ viết…

(VTC News) – Là một nhạc sĩ mát tay cho những ca khúc viết theo đơn đặt hàng, Trần Tiến đang mong mỏi có công ty vệ sinh hay mai táng nhờ viết…

3-4 thập kỉ gần đây của nhạc Việt, công chúng vẫn bền bỉ yêu mến “người du ca” Trần Tiến. Các sáng tác của ông dù khoác lên thể loại âm nhạc nào - từ hơi hướng dân ca trữ tình đến nhạc điện tử đương đại, từ khúc ngẫu hứng lứa đôi đến bản tự sự chất chứa nỗi đời, thậm chí ngay đến cả ca khúc viết theo đơn đặt hàng – đều được đón nhận và ưa thích rộng rãi.

Nghệ sĩ vốn nhờ tinh thần cảm hứng phần nhiều để viết nên tác phẩm nghệ thuật, nhưng một khi đã bị “buộc chặt” vào yêu cầu thúc bách phải có sản phẩm, những nghi ngại về đứa con tinh thần của họ còn giữ được phẩm chất, cá tính của nghệ sĩ ấy hay không vẫn hiện lên đầy trăn trở.

Nhạc sỹ Trần Tiến 

Trần Tiến, nhiều năm qua đã viết không ít nhạc quảng cáo, nhạc theo đơn đặt hàng mà vẫn ẩn chứa giá trị đích thực của tác phẩm nghệ thuật một cách vô cùng đặc sắc và gây tiếng vang sâu rộng.

Rất nhiều người có thể viện dẫn Sao em nỡ vội lấy chồng nói về phong trào kế hoạch hoá gia đình, Vết chân tròn trên cát dành tặng ngày Thương binh – Liệt sĩ, hay mới đây là Sen hồng hư không hóa ra được Trần Tiến viết cho nhãn hàng Tôn Hoa Sen. Nhạc sĩ thành thật chia sẻ: “Đôi khi phải cần một cái cớ để những day dứt trong mình được trào ra, tôi mượn quảng cáo của họ để nói câu chuyện tâm hồn của mình”.

Trần Tiến thừa nhận việc nhận viết nhạc theo đơn đặt hàng với giá “khủng” song cũng chỉ mình ông “mới viết bài hát được về vấn đề đăng kiểm, HIV, kế hoạch hóa gia đình, rồi tôn, truyền thông, cọc nhồi…” và thậm chí hi vọng “có công ty vệ sinh hoặc mai táng nào đến đặt viết bài, vì khán giả sẽ không thấy vệ sinh hay mai táng, mà là một câu chuyện cuộc đời được kể bằng âm nhạc”.

Vết chân tròn trên cát là khúc ca nổi tiếng về những thương binh trở về sau chiến tranh. Những vết chân tròn in hằn trong bài hát là từ chiếc nạng gỗ của người cựu binh tìm cho mình niềm vui trong vai trò thầy giáo làng dạy lũ trẻ miền duyên hải.

Giai điệu Vết chân tròn trên cát ban đầu dặt dìu có chút gì đó nghẹn ngào; về sau vút cao trong trẻo như cảm thông nỗi đau; cao trào ở cuối khuấy động và tô điểm một hình tượng đậm tính nhân văn sâu sắc - cứ thế làm trĩu nặng lòng người.

Trần Tiến làm người nghe thổn thức bởi những ưu tư thăm thẳm chất chứa về nỗi mất mát đau thương nhưng không thiếu lạc quan hi vọng, nhờ vết chân tròn ấy của anh thương binh mà những dấu chân son mới bình yên sống hạnh phúc, hay chính những gót chân son trẻ em vây quanh dấu chân tròn người thương binh phải chăng là thông điệp khơi mở sự chia sẻ lớn lao cần có.

Trần Tiến từng nhận giải thưởng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho loạt ca khúc sáng tác cổ động phong trào Dân số - Kế hoạch hoá gia đình gồm 3 bài Cô bé vô tư, Sao em nỡ vội lấy chồng và Thượng đế buồn.

 

Nếu bài hát đầu là lời cô bé vị thành niên còn bé lắm vừa hồn nhiên không muốn làm người lớn, vừa khẩn khoản yêu cầu “đừng yêu em anh nhé, em muốn là cô bé vô tư”, thì Thượng đế buồn như một câu chuyện có tính phóng đại châm biếm quan niệm “trời sinh voi ắt sinh cỏ”, ở đây Thượng đế tạo ra voi song không thể nuôi chúng, nhắn nhủ mỗi người nên hạn chế sinh đẻ và chăm sóc thật tốt cho gia đình của mình.

Tuy nhiên Sao em nỡ vội lấy chồng mới là ca khúc phổ biến nhất, ăn sâu vào tiềm thức nhân dân. Ở góc độ người đàn ông là sự tiếc nuối một thiếu nữ trẻ quá vội vàng lấy chồng bỏ lỡ hạnh phúc với mình và dưới điểm nhìn người phụ nữ, đó là câu chuyện xót xa cho duyên phận không thành, trong khi theo tâm sự của người sáng tác, ca khúc được bên trao giải nhìn nhận như ủng hộ chính sách mỗi gia đình chỉ có 2 con của Việt Nam.

Với âm hưởng gần gũi dân ca quan họ, lấy ý từ bài thơ “Lá diêu bông” bất hủ của thi sĩ Hoàng Cầm, nét trữ tình bảng lảng khéo léo xen lẫn ẩn dụ, Sao em nỡ vội lấy chồng không những tạo được hiệu quả thuyết phục đáng kể ở đông đảo tầng lớp thanh niên mà còn Liên Hiệp quốc tuyên dương vì vai trò góp phần điều hoà dân số!

Ca khúc mang màu sắc Phật giáo trong âm nhạc Trần Tiến đến nay được biết đến với dấu ấn chủ yếu của những tuyệt khúc Sắc màu, Mưa bay tháp cổ hay Ra ngõ tụng kinh, và thật bất ngờ khi Sen hồng hư không cũng hoàn toàn xứng đáng đứng vào hàng ngũ ấy dù được viết theo yêu cầu đặt hàng.

Bản lĩnh dạn dày, đời sống phong phú, chiều sâu trải nghiệm giao thoa cùng phút thăng hoa cảm xúc, Trần Tiến đã khai sinh một bài hát vừa tâm linh, vừa hàn lâm triết lí, vừa dân gian, vừa đương đại mà không hề quái lạ dị biệt trong nhịp điệu A Di Đà thân thuộc với người Việt.

Một đoá sen hồng của lòng từ bi bao dung bác ái cõi Phật đã bừng nở trong hư không thiền định chở che nhân gian trước bão giông cuộc đời. Khán giả sành sõi quả quyết Trần Tiến ắt hẳn là một Phật tử hoặc một nhà nghiên cứu Phật giáo tinh tường.

Phía Tôn Hoa Sen khó có thể hài lòng hơn nữa vì trong bài hát đã xuất hiện những cụm “dưới mái tôn rơi”, “mái che ân tình”, “một đời doanh nhân” đầy ẩn ý. Chẳng biết Trần Tiến có thực sự “cao tay ấn” hơn nữa không khi ca sĩ thể hiện hát trại “mái tôn” thành “mái hiên”, “doanh nhân” thành “tha nhân” để tác phẩm quảng cáo đấy mà nghe mượt mà như không nhuốm không gợn thủ pháp kinh doanh nào.

Hình như ông viết được mọi đề tài, số bài hay cũng rất lớn. Trần Tiến gốc gác Hà Nội nhưng sáng tác về các miền quê khác trên đất nước thì am tường như người bản địa ở từng vùng và ca khúc hay, đúng “chất” cả về không khí lẫn chất liệu âm nhạc đặc trưng địa phương.

Xứ Đoài quê hương đi vào sáng tác Trần Tiến với Quê nhà sâu lắng; Hà Nội của ông thâm trầm từ Phố nghèo đến Ngẫu hứng phố; đồng bằng Kinh Bắc đã có Ngẫu hứng sông Hồng, Chị tôi; đậm nét miền núi hoang sơ kì vĩ là Bình nguyên xa vắng, Chuyện tình thảo nguyên; người Đà Nẵng thích thú bởi Vật đổi sao dời; Tây Nguyên có Ngọn lửa cao nguyên chói sáng và một Phố núi xinh xắn thơ mộng; những dấu tích Chăm-pa còn đọng lại trong Mưa bay tháp cổ hay Tiếng trống Baranưng; sông nước Nam Bộ được khắc hoạ chân thực ngọt ngào bằng Ngựa ô thương nhớ, Tuỳ hứng lý qua cầu; Thành phố trẻ khoẻ khoắn lấy cảm hứng từ một Sài Gòn luôn đổi khác hàng ngày…

Mỗi số phận không may mắn được ca khúc của anh vỗ về. Những cô gái quê lạc bước thành thị hẳn nao lòng vì Về đi em, Trần Tiến xót xa cho kiếp bán hoa trôi nổi với Nhăng nhố buồn tê tái, ông như khóc cùng trẻ em cơ nhỡ khi kể về Sói con ngơ ngác…

 

Càng với những yêu cầu cụ thể sát sao đời thường Trần Tiến lại càng dễ có tác phẩm sáng giá phổ biến rộng rãi trong phong trào ca hát quần chúng. Ngoài Vết chân tròn trên cát, Sao em nỡ vội lấy chồng ở trên, Trần Tiến sáng tác Thanh niên ra tiền tuyến và Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp đạt giải lớn cuộc thi “Tiếng hát át tiếng bom”, Những đôi mắt mang hình viên đạn đề tài chiến tranh biên giới gây xúc động mạnh mẽ.

Ngoài ra, khi viết về đam mê của mình và cũng là theo đơn đặt hàng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Trần Tiến sáng tác Tôi yêu bóng đá với nhiều đoạn hấp dẫn dễ nhớ giàu tính cổ động.

Có lần Trần Tiến tâm sự: ai mời thì hát, cảm hứng đến thì viết. Gần đây ông bảo mỗi bài hát ông hoàn tất trong 15 phút bằng vốn sống của 50 năm hoặc hơn thế nữa mà thành.

Khi tay nghề vững vàng cộng hưởng cái “tôi” lãng tử tài tình, nét “duyên” cuốn hút trong chất nhạc từ trước đến nay, không khó để Trần Tiến chuyển tải thành công những ý tưởng khô khan đúc kết vào lời ca mộc mạc đầy lay động sâu xa.

Trần Tiến cũng quan niệm viết chính là cách sống, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và quả quyết “viết hay đã khó, sống hay còn khó hơn ngàn lần”. Trần Tiến đi nhiều hiểu nhiều, lời ca giản dị, đôi chỗ bụi bặm nhưng không sa đà suồng sã mà vẫn tinh tế, trau chuốt, vừa gợi mở, vừa hàm súc bao la tình đời.

Có lẽ bởi vậy mà các bản nhạc của ông vẫn vang vọng đầu thôn cuối xóm, trải dài đất nước, len lỏi vào cuộc vui sinh viên lẫn bữa nhậu công nhân, đâu đâu cũng là chất du ca “rất Trần Tiến” ấy…

Trần Tiến tự nhận 15 năm rồi bản thân ông tách biệt một cõi riêng, không nghe nhạc đọc báo, không hiểu thị trường âm nhạc lúc này ra sao, không biết gương mặt mới nào và hình như chính Trần Tiến cũng quên Trần Tiến rồi. Tuy nhiên, những người trẻ 7X, 8X không để ông tự quên như thế.

 Đêm nhạc “Trần Tiến – In the spotlight” ở Cung VHHN Việt Xô vào ngày 11-12/08 sắp tới sẽ có sự góp mặt của Hà Trần, Tấn Minh, Đinh Mạnh Ninh và Tô Minh Đức. Trần Tiến sẽ đóng vai trò dẫn chuyện trong chính chương trình tôn vinh mình.

Lan Chi

Bình luận
vtcnews.vn