• Zalo

'Trấn lột' 400 triệu đồng sau tai nạn ở Lào Cai và tư duy Chí Phèo hoang dại

Thời sựThứ Tư, 06/03/2019 11:30:00 +07:00Google News

Tư duy xe lớn đền xe bé đầy hoang dã đã khiến những người điều khiển phương tiện xe thô sơ mặc định được quyền “cào mặt” ăn vạ khi xảy ra va chạm với xe hơi.

Tư duy “Cào mặt ăn vạ”

Ông Nam Cao lúc sinh thời, chắc chưa từng nghĩ đến việc hậu thế sẽ mang nhân vật trong tác phẩm của mình ra làm nguyên mẫu cho những con người tồn tại ngoài xã hội thực sau đó tới gần 80 năm.

Bởi Chí Phèo – kẻ chỉ được nhớ đến với hình ảnh “cào mặt ăn vạ” trong ngôi làng nhỏ bé thời phong kiến, tác giả có dự đoán đến cỡ nào, cũng không hình dung được sẽ có không phải một – mà nhiều những Chí Phèo như thế sau đó tới xấp xỉ 8 thập kỷ.

Người ta gọi những người cách đây vài ngày ầm ầm kéo xuống hiện trường một vụ tai nạn ở Lào Cai, đòi 400 triệu đồng tiền đền bù là những kẻ Chí Phèo như vậy.

Một thanh niên 15 tuổi, điều khiển một chiếc xe máy, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, tự tông vào chiếc ô tô đi ngược chiều trên cao tốc dẫn đến cái chết, những tưởng là câu chuyện hết sức bình thường về cậu thanh niên xấu số qua đời vì vi phạm nghiêm trọng nhiều luật giao thông đường bộ, bỗng trở thành ồn ào bất thường, vì họ hàng, hàng xóm láng giềng của cậu thanh niên mang tư duy “xe lớn đền xe bé” kéo nhau đến “cào mặt ăn vạ”.

Tai_nan_edited

Cả làng kéo đến bắt tài xế ô tô phải đền 200 triệu đồng sau tai nạn ở Lào Cai. 

Công cuộc “cào mặt” ấy thành công đến nỗi chủ xe ô tô phải ngậm ngùi rút 200 triệu đồng đền bù mới thoát ra khỏi đám đông ăn vạ. Dù không cần phải nhờ đến chuyên gia phân tích luật nào, bất cứ ai cũng thấy, lỗi sai nằm ở cậu thanh niên. Thế mà bỗng chốc câu chuyện đảo chiều 180 độ, người sai lại là tài xế lái ô tô, đang di chuyển bình thường, với tốc độ bình thường, không vi phạm quy định nào, trong phút chốc xe hỏng, mất tinh thần, và 200 triệu đồng tiền đền bù oan.

Không phải đến vụ việc ở Lào Cai nhiều người mới giật mình về tư duy luật pháp lỏng lẻo, không được đề cao trong mọi tình huống, mà tất cả những người ngồi sau vô lăng, điều khiển ô tô ở Việt Nam đều không lạ gì thứ “luật” vô phép vô tắc, đó là bất cứ người đi bộ hay điều khiển phương tiện thô sơ nào va chạm với ô tô, đương nhiên là ô tô sai, ô tô phải đền, bởi “nhà giàu mới đi ô tô, mà giàu thì đền là đúng rồi”…

Đền bù hay trấn lột?

Câu nhà giàu cũng khóc, đúng thật. Ô tô vừa quẹt cái va chạm với xe máy, là người dân từ đang đi ngang qua, đến bàn trà quán nước xe ôm xung quanh, đến cả đang bình bịch tập thể dục cũng bỏ hết lại xúm đen xúm đỏ vây quay, đập uỳnh uỳnh vào cửa xe ô tô bắt chủ nhân ra đền.

Không cần biết ai đúng ai sai, người đi ô tô chỉ biết than trời “chết chắc rồi” giữa hàng chục, hàng trăm cái miệng lu loa, cả vú lấp miệng em ầm ĩ xung quanh.

Người đi bộ, đi xe đạp hay xe máy, thậm chí xe ba gác, nặng hay nhẹ cũng cứ nằm đó, đợi nói chuyện phải quấy đã, rồi đứng lên sau. Cách nói chuyện đã thành thông lệ, đó là “thôi đưa tiền cho người ta đi khám, sửa xe đi cho nhanh”.

10 vụ việc, thì đến cả 10 cách hành xử của những người xung quanh là như nhau. Nhiều người còn làm anh hùng “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” khi đứng chắn trước mũi xe để ô tô không thể chạy thoát, rồi lôi bằng được ông tài xế xuống bắt đền.

Cảm giác, cả xã hội kì thị những người (có vẻ như) giàu hơn mình, và phe nước mắt, gắn cái mác mưu sinh, kiểu gì cũng chiến thắng tuyệt đối.

Video: Toàn cảnh cả làng 'bắt vạ' bồi thường 400 triệu đồng sau tai nạn giao thông ở Lào Cai

Một ông/bà chở theo sọt rau, thùng hoa quả tung tóe nằm đó (dù vừa hùng hục vượt đèn đỏ), một anh công nhân xây dựng nằm đó (dù vừa băng qua đường ở nơi không dành cho người đi bộ), một chị bán cá vung vãi thùng nước nằm đo (dù chở cồng kềnh lấn làn vượt xe tải)…kiểu gì cũng được cả xã hội lao vào bênh vực, vì lý do mưu sinh, và tài xế ô tô vô tình va chạm kia, phải đền. Trong những trường hợp này, đền bù hay trấn lột, có vẻ là một dạng khái niệm tương đồng.

Ngay cả khi có mặt lực lượng chức năng, đề xuất được đưa ra luôn là “100 cái lý không bằng một tí cái tình, thôi thì ô tô đền xe máy, chứ đằng đẵng theo đuổi sự việc, không biết bao giờ mới xong”.

Tư duy tiểu nông Chí Phèo từ thập niên 40 thế kỷ trước, vắt sang thế kỷ này, nguy hiểm ở chỗ, nó dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng bởi những kẻ đi “xe nhỏ” mặc nhiên nghĩ họ được bảo vệ. Nhìn những chiếc xe thô sơ băng băng lao lên đường cao tốc trên cao, băng băng lao vào đại lộ Thăng Long (Hà Nội) – nơi xe máy không được phép đi vào, là đủ biết, chúng ta đã dung túng cho lối vi phạm luật giao thông nguy hiểm đến mức nào.

Cộng thêm một quy định chưa có sự điều chỉnh phù hợp như thế này: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi” tại Bộ Luật dân sự năm 1995, 2005, 2015, thì đừng mơ có ngày tìm được sự công bằng khi bước chân ra đường.

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn