• Zalo

Trận đánh ma túy cuối cùng của trung úy công an 25 tuổi

Pháp luậtThứ Bảy, 07/12/2019 07:31:00 +07:00Google News

Ven quốc lộ 279 đường lên cửa khẩu Tây Trang có ngôi miếu nhỏ với di ảnh một liệt sĩ công an.

Đó là nơi trung úy Phạm Văn Cường trúng đạn trong cuộc vây bắt nhóm buôn ma túy từ Lào về Việt Nam vào đêm 6/10/2001.

Anh hy sinh lúc 25 tuổi, khi đang công tác tại Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, Công an tỉnh Lai Châu (cũ). Cạnh miếu có hai nấm mồ gió của hai phụ nữ là "cơ sở" của lực lượng công an, hướng nhìn về đỉnh đèo Tây Trang sát biên giới Việt - Lào.

PHAM7151-JPG-2263-1575546132

Nơi liệt sĩ Phạm Văn Cường và hai phụ nữ trúng đạn trên đường lên cửa khẩu Tây Trang. (Ảnh: Ngọc Thành)

Theo hồ sơ vụ án, buổi tối mùa đông năm 2001, sương giăng đặc núi rừng. Anh Cường trong vai người mua ma túy cùng với hai phụ nữ chờ sẵn ở Km17, Quốc lộ 279.

Phía ngoài, đồng đội ém quân thành các vòng vây, sẵn sàng bắt nghi phạm đầu tiên trong chuyên án được thành lập hai tháng trước nhằm triệt phá đường dây buôn bán ma túy từ Lào về qua Na Ư - xã nằm trong khu vực cửa khẩu Tây Trang.

Có 400 km đường biên giới, Lai Châu ngày ấy trở thành cửa ngõ của các đường dây ma túy từ Tam Giác Vàng qua Lào về Việt Nam. Ban chuyên án xác định "để thêm một ngày thì lượng ma túy thẩm thấu vào nội địa càng lớn". Đêm 6/10/2001, công an quyết định "cất lưới".

Cường ngồi trên xe máy, một chân đạp lên cọc tiêu. Khoảng 19h30, "mục tiêu" xuất hiện. Cuộc mua bán đang diễn ra thì bất ngờ một tên rút khẩu AK, nhả đạn về phía anh Cường và hai phụ nữ. Ba người trúng tổng cộng 17 phát đạn, gục xuống. Nã thêm đạn, nhóm tội phạm nổ mìn xóa dấu vết, tẩu thoát sang bên kia biên giới.

PHAM6523-JPG-5888-1575546132 3

Tấm áo từng thấm máu liệt sĩ Cường được trưng bày trong Phòng truyền thống Công an tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Ngọc Thành)

Nửa tháng sau ngày con trai hy sinh, ông Phạm Văn Bằng nhận được tin báo "nhà có chuyện". Bức điện đến lúc ông vừa kết thúc hành trình theo tàu vận tải đi Philippines. Từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), xe chạy suốt đêm về Hải Phòng.

Người cha dù bồn chồn lòng dạ cũng không thể nghĩ đến điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Ngửi thấy mùi khói hương từ đầu ngõ, ông bước vội vào nhà. Di ảnh con trai là thứ đầu tiên ông thấy. Đó cũng là lần đầu ông Bằng nhìn con mặc cảnh phục màu xanh.

Cho đến ngày anh Cường hy sinh, cha con đã ba năm chưa gặp mặt. Lần cuối cùng họ ngồi chung mâm cơm là trong đám tang bà nội năm 1999. Ông Bằng theo tàu viễn dương từ cảng Hải Phòng tới nhiều nước. Anh Cường tốt nghiệp trung cấp cảnh sát năm 1998, rồi nhận công tác về Lai Châu.

Ngày Cường bảo thi vào trường công an, bà Phạm Thị Lan cứ tần ngần. Bà muốn con làm giáo viên hoặc bác sĩ, những ngành nghề có người quen, dễ dìu dắt. Nhưng Cường ôm cổ bà, nỉ non "nếu mẹ thích thì sau này con lấy vợ làm cô giáo".

Ông Bằng có hai người bạn thân làm công an, mỗi lần về chơi là mấy chú cháu nằm trên gác nói chuyện đến tảng sáng. Cường nằm giữa, mắt mở thao láo nghe các chú kể chuyện bắt tội phạm. Ước mơ làm công an được Cường hun đúc từ đấy.

"Có lúc nó giả làm người đánh giày, chăn trâu, mặc quần áo rách, đội cái nón lá, tay dắt trâu, tay cầm que đi vụt cào cào; lúc lại giả làm người bán kem, gánh củi", bà Lan kể về công việc của con trai - một trinh sát ma túy.

Bà nhớ Tết năm 2001, Cường đưa 1,5 triệu đồng, giải thích đó là tiền dành dụm để giúp mẹ sửa nhà, đóng tiền học cho các em. Lương thiếu úy mỗi tháng 400.000 đồng, anh hứa năm sau sẽ tiết kiệm nhiều hơn để phụ mẹ.

Video: Nỗi nhớ thương con của gia đình liệt sĩ Cường (Nguồn: Gia Hoàng)

Ngôi miếu nhỏ ven đường vẫn vấn vít khói hương vào mùng một, lễ Tết. Đồng đội mỗi lần chuẩn bị "đánh án" đều đến thắp hương cho liệt sĩ Cường. Ban chuyên án năm ấy người còn, người mất, người chuyển công tác sau khi tỉnh Lai Châu cũ chia tách thành Lai Châu và Điện Biên năm 2003.

Trưởng ban chuyên án năm xưa giờ là thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên. Ông tiết lộ thời gian phá án ban đầu ấn định vào đêm 5/10/2001 nhưng sau phải lùi lại do nghi phạm thay đổi địa điểm giao dịch.

Với ông Hồng, lính trinh sát là "lực lượng đối mặt với nguy hiểm tính mạng hàng ngày". Họ nhạy bén, thông minh để đối đầu với các thủ đoạn của tội phạm song "không thích nói nhiều, công bằng, sòng phẳng, khen chê rõ ràng".

Gần hai mươi năm từ ngày liệt sĩ Cường ngã xuống, Điện Biên vẫn là điểm nóng trên cung đường ma túy xuyên quốc gia. Mười tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi ngày, lực lượng chức năng tỉnh này phát hiện và bắt giữ 2-3 vụ liên quan đến mua bán ma túy.

Theo tướng Hồng, nguồn ma túy vào Việt Nam ngày càng khó kiểm soát. Những năm 2000, tội phạm ma túy lộng hành, công khai hơn, nhưng đã qua rồi cái thời bọn tội phạm thách thức ông "đấu súng ở đèo Pha Đin". Giờ chúng triệt để lợi dụng khoa học kỹ thuật để buôn bán và sẵn sàng dùng vũ khí khi đối đầu với công an.

"Cuộc chiến chống ma túy dọc đường biên sẽ còn kéo dài và rất cam go. Không phải trước đây, không phải bây giờ mà còn trong thời gian tới nữa", người đứng đầu Công an tỉnh Điện Biên nói.

Năm 2018, Việt Nam bắt giữ 24.500 vụ ma túy; thu 1,6 tấn heroin; 1,8 tấn ma túy tổng hợp. Số heroin và ma túy tổng hợp tăng lần lượt 200% và 125% so với năm 2017. Cơ quan chức năng nhận định "Việt Nam đã trở thành điểm tập kết ma túy từ Tam Giác Vàng về trước khi đi nước thứ ba". 

18 công an hy sinh, hơn 730 người bị thương trong cuộc chiến chống ma túy, tính từ năm 2017 đến đầu năm 2019.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn