Theo các nhà nghiên cứu phương Tây, đặc biệt là người Đức, không có chiến thắng nào cho quân đội Liên Xô trong trận chiến Prokhorovka và họ cho rằng Hồng quân Liên Xô đã phải chịu một thất bại nặng nề trong trận chiến này.
Trận Prokhorovka là một phần của trận chiến Kursk, bắt đầu vào ngày 5/7 kéo dài đến ngày 23/8/1943. Trận chiến diễn ra ở mặt phía nam của “mấu lồi” Kursk, thuộc mặt trận Voronezh dưới sự chỉ huy của tướng Vatutin. Tại đây, vào ngày 5/7/1943 Đức Quốc xã đã phát động một cuộc tấn công theo hai hướng Oboyan và Korocha.
Diễn biến cuộc chiến
Ngày 9/7, Quân đoàn xe tăng SS số 2 đã chọc thủng tuyến phòng thủ thứ ba của Tập đoàn quân cận vệ 6, cách Prokhorovka khoảng 9 km về phía tây nam.
Ngày 10/7/1943, Thống chế Manstein quyết định tấn công Kursk theo đường vòng qua Prokhorovka. Đồng thời, điều một lực lượng lớn tấn công Prokhorovka từ phía nam. Lúc này, Prokhorovka bị tấn công bởi các sư đoàn tinh nhuệ "Reich", "Dead Head" và "Adolf Hitler" từ Quân đoàn thiết giáp SS số 2 và một phần của Quân đoàn thiết giáp số 3.
Khi đó quân Đức chỉ cách Prokhorovka 2 km, khi phát hiện ra tình huống trên, Bộ chỉ huy Phương diện quân Voronezh đã điều các đơn vị của Tập đoàn quân 69, Quân đoàn bộ binh cận vệ 35 cùng 4 sư đoàn súng trường và 2 lữ đoàn xe tăng thuộc Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5 của Rotmistrov để ngăn chặn quân Đức.
Ngày 12/7, trận chiến bắt đầu, khi quân đội Liên Xô và quân Đức đều tấn công theo hướng Prokhorovka ở hai bên tuyến đường sắt Belgorod-Prokhorovka.
Ở phía tây bắc và đông bắc Prokhorovka, các đơn vị của Tập đoàn quân cận vệ số 6 và Quân đoàn xe tăng số 1 của Liên Xô, phối hợp với các đơn vị thuộc Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 bao gồm hai quân đoàn xe tăng trực thuộc, Quân đoàn bộ binh cận vệ 33 cùng Tập đoàn quân cận vệ 7 tấn công theo hướng Belgorod.
Sau một đợt tấn công ngắn bằng pháo, Quân đoàn xe tăng 18 và 29 của Tập đoàn quân Rotmistrov cùng với Quân đoàn xe tăng 2 và cận vệ 2 trực thuộc đã mở cuộc tấn công vào Yakovlevo.
Trước đó, trên sông Psel trong khu vực phòng thủ của Tập đoàn quân cận vệ 5, sư đoàn xe tăng Đức "Dead Head" đã phát động một cuộc tấn công. Đồng thời, các sư đoàn xe tăng "Reich" và "Adolf Hitler" đối đầu trực tiếp với quân đội của Rotmistrov. Một trận chiến vô cùng ác liệt bằng xe tăng của cả 2 phía kéo dài cả ngày. Kết quả là, không bên nào giành thắng lợi.
Quân Đức Quốc xã đã không tiến được vào Kursk và quân đội Liên Xô cũng không đến được Yakovlev. Tuy nhiên, cuộc tiến công của quân Đức vào Kursk đã bị chặn lại.
Quân đoàn thiết giáp số 3 của Đức tiến vào Prokhorovka từ phía nam tiến công vào nơi của Tập đoàn quân 69 đang phòng thủ. Cả hai bên đều tổn thất nặng nề. Tuy vậy quân Đức vẫn tiếp tục tiến công vào Kursk theo kế hoạch, cả hai đội quân liên tục tấn công và phản công, chiến đấu cả ngày lẫn đêm, trận chiến Prokhorov kéo dài đến ngày 16/7.
Kết quả trận chiến
Vào ngày 16/7, lực lượng của mặt trận Voronezh được lệnh chuyển sang thế phòng thủ. Ngày 17/7, quân Đức bắt đầu rút quân về vị trí ban đầu. Quân đội của mặt trận Voronezh sau đó đã tiến hành một cuộc phản công, đến ngày 23/7 đã chiếm lại các khu vực mà quân Đức đã chiếm giữ trước đó. Nhìn chung, các bên đã sử dụng "hết mức" tất cả các thiết bị có trong tay. Do đó cả 2 bên đều có những tổn thất lớn.
Trong trận Prokhorovka, theo Viện nghiên cứu Lịch sử quân sự Học viện Quân sự, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, thì Hồng quân Liên Xô đã mất 60% phương tiện (500 - 800 xe tăng), quân Đức là 75% (300 - 400 xe tăng).
Không có dữ liệu chính xác về tổn thất của quân Đức và cũng không có tài liệu nào về tổn thất của Quân đoàn thiết giáp SS số 2 vào ngày 12/7. Đương nhiên, người Đức đã đánh giá thấp tổn thất của mình, họ nói rằng chỉ có khoảng 80-100 xe tăng bị mất.
Nhà sử học hiện đại Nga Valery Zamulin, một chuyên gia về trận chiến Kursk thống kê rằng vào ngày 12/7, quân đội của Rotmistrov đã mất hơn 340 xe tăng, 19 khẩu pháo tự hành. Trong khoảng thời gian từ ngày 12 đến ngày 16/7/1943, tổn thất của Tập đoàn quân thiết giáp số 5 là: 2.440 người thiệt mạng, 3.510 người bị thương, 1.157 người mất tích, 225 xe tăng hạng trung T-34 và 180 xe tăng hạng nhẹ T-70, 25 xe bọc thép.
Trong trận chiến khốc liệt này, các sư đoàn thiết giáp tinh nhuệ của Đức đã không thể chiếm Prokhorovka, quân Đức dù không bị đánh bại hoàn toàn trong trận chiến Prokhorovka, nhưng bị tổn thất nặng nề buộc phải rút lui.
Đối với Hồng quân Liên Xô, trận chiến Prokhorov là một trong những trận chiến trong chiến dịch Kursk vĩ đại, bước ngoặt căn bản của cuộc chiến đã kết thúc. Hồng quân Liên Xô đã giành được thế chủ động chiến lược trong cuộc chiến. Do đó, Prokhorovka là một trong những biểu tượng của Chiến thắng vĩ đại của Quân đội Liên Xô, dù đã phải trả giá đắt.
Bình luận