(VTC News) - Liên tiếp những loạt súng nổ vang trời lia trên mặt nước, hơn 60 thanh niên cường tráng - đồng đội tôi dần ngã xuống, máu đã nhuộm đỏ cả biển trời.
Thương binh Phan Văn Đức, nguyên hạ sỹ khu D1, Trung đoàn 83, quân chủng Hải quân, nhân chứng sống trong trận Gạc Ma 14/3/1988 |
"Là quân số của D1, Lữ đoàn 125, Trung đoàn 83, ngay trong đêm, chúng tôi nhận lệnh vào D3 ở Cam Ranh rồi nhận lệnh ra Trường Sa cùng hơn 30 chiến sỹ khác trên tàu HQ 604. Chúng tôi đến đảo Cô Lin, Gạc Ma từ trưa 13/3 thì đến rạng sáng 14/3 xảy ra sự việc…
|
Tôi còn nhớ, chúng tôi đặt chân lên đảo Gạc Ma và cắm cờ vào khoảng 3-4h sáng ngày 14/3/1988.
Đến khoảng 6 giờ, khi anh em chúng tôi chỉ áo may ô, quần cộc chuyển vật liệu xây dựng từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu của quân Trung Quốc ập đến. Họ rất đông, rất nhiều tàu, trang bị rất nhiều súng ống các loại.
Họ lao xuống giành, nhổ cờ Tổ quốc mà chúng tôi đã cắm trên đảo. Dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương, các chiến sỹ kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc và không chịu rút lui.
Hai bên giằng co quyết liệt thì bất ngờ quân Trung Quốc nổ súng vào thiếu úy Phương.
Thiếu úy Phương ngã xuống thì ngay lập tức binh nhất Nguyễn Văn Lanh nhanh chóng xông tới cùng anh em đứng vây quanh, bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo.
Quân Trung Quốc tiếp tục lao vào tấn công giáp lá cà. Binh nhất Lanh bị đối phương đâm bị thương gục xuống, máu nhuốm đỏ chân cột cờ.
Trong giây phút đó, liên tiếp những loạt súng nổ vang trời lia trên mặt nước, hơn 60 thanh niên cường tráng - đồng đội tôi dần ngã xuống, máu đã nhuộm đỏ cả biển trời Trường Sa. Tai tôi ù đặc…
Tiếp đó là 2 phát đạn 100mm bắn trúng chiến tàu HQ 604 khiến chiếc tàu bị lật úp rồi chìm mất tích. Hai chiếc tàu HQ 605 và 505 của hải quân Việt Nam gần đó trúng đạn cố lao lên bãi cạn đảo Cô Lin cắm cờ chủ quyền tổ quốc.
Khi ấy, tôi đang dùng xuồng vận chuyển vật liệu lên đảo cố dìu đồng đội vào đảo Sinh Tồn thì bất ngờ một quả đạn đỏ rực lao đến.
Chiếc xuồng nhỏ bị xé toát, vai trái tôi cháy rát. Trong phút sinh tử, tôi cố bám vào một vật nổi trên biển rồi mặc cho nó tự trôi. Sau này tôi mới biết mình bị thương và đồng đội của tôi đã hy sinh gần như toàn bộ.
Sau đó cái thời khắc đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với tôi. Nhiều đêm trăn trở, cứ nhắm mắt lại là nước mắt tuôn trào, hình ảnh của buổi sáng định mệnh ấy hiện ra. Khắp nơi loang máu đồng đội, cả biển trời nhuốm đỏ…
Một thời gian dài, tôi như người vô thức, cứ lang thang khắp nơi, từ bán đảo Sơn Trà đến cảng Cam Ranh, thậm chí cả địa đạo Củ Chi… Và cứ mép biển là tôi đi, mắt cứ hướng ra khơi như cố tìm kiếm thi thể những người đồng đội của mình.
Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Phó Chỉ huy Chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 83 |
Và đến bây giờ, cái ngày định mệnh ấy vẫn luôn ám ảnh tôi, nó khiến tôi như người có lỗi với đồng đội, với anh em. Các anh đã hy sinh mà đến một nấm mồ cũng không có.
Còn tôi, trở về như người đã chết, khi nghe tin buổi sáng hôm ấy, ở đất liền gia đình đã lập bàn thờ vì nghĩ tôi đã hy sinh…"
Nói đến đây, giọng anh Đức nghẹn lại.
Nói về trận trên đảo Gạc Ma năm ấy, Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Phó Chỉ huy Chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 83, người từng trực tiếp chỉ huy đơn vị bám đảo, bảo vệ chủ quyền tổ quốc kể:
“Đó là tổn thất to lớn đối với lực lượng hải quân nói chung và Trung đoàn công binh 83 nói riêng. Các anh đã hy sinh, máu đã nhuốm đỏ dưới chân cột cờ Tổ quốc.
Sự hy sinh của các anh trong trận bảo vệ đảo Gạc Ma đã trở thành tấm gương sáng về lòng trung thành đối với tổ quốc của người lính. Chúng tôi không bao giờ quên thời khắc thiêng liêng đó. Và cũng từ ngày ấy, dấu mốc 14/3 đã trở thành ngày truyền thống không bao giờ quên của Trung đoàn và của binh chủng”.
Theo ông Thái Thanh Hùng (bìa trái), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, Hội sẽ duy trì tổ chức tri ân các chiến sỹ trong các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc từ năm 1975 đến nay. |
Bình luận