Vào 23h ngày 29/8, các nhân viên điều khiển bay trên mặt đất ở Houston (Mỹ) và Matxcơva (Nga) phát hiện các cảm biến ghi nhận áp suất không khí bên trong trạm vũ trụ ISS đang giảm dần, nhưng họ quyết định để yên cho các phi hành gia ngủ vì cho rằng lỗ thủng đó không quá nguy hiểm.
Tới sáng 30/8, các phi hành đoàn không khỏi bất ngờ khi hay tin áp suất không khí trong khoang giảm và ngay lập tức lao đi tìm hiểu nguyên nhân. Cuối cùng họ phát hiện ra nguyên nhân xuất phát từ một lỗ hổng có đường kính 2 mm ở phần trên của tàu vũ trụ Soyuz MS-09 đang gắn với module Rassvet của Nga kết nối với trạm ISS.
Ngay khi phát hiện lỗ hổng này, phi hành gia Alexander Gerst đã dùng ngón tay bịt tạm trước khi dùng băng dính Kapton, loại băng dính siêu bền thường được dùng trong không gian từ những năm 60 để tạm ngăn không khí tràn qua lỗ hổng vào bên trong trước khi tìm ra một giải pháp khắc phục lâu dài.
Về cơ bản, sự cố đã được khắc phục, trạm ISS không gặp bất cứ mối nguy nào và các phi hành gia đã tiếp tục công việc vào ngày 31/8.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra lỗ hổng này nhưng các chuyên gia cho rằng đó có thể là hậu quả từ một vụ va chạm giữa trạm ISS với một thiên thạch siêu nhỏ nào đó.
Trạm vũ trụ Quốc tế ISS là một tổ hợp công trình nhằm nghiên cứu không gian, đang ở giai đoạn lắp ráp trên quỹ đạo cận Trái Đất với sự hợp tác của năm cơ quan không gian: NASA (Hoa Kỳ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada) và 10 trong 17 nước thành viên của ESA (châu Âu).
Bình luận