• Zalo

Trạm vũ trụ ISS đón chuyến bay thứ 75.000

Thế giớiThứ Hai, 14/11/2011 04:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hôm nay 14/11, Nga đã phóng thành công tàu vũ trụ Soyuz TMA-22 nhờ tên lửa đẩy Soyuz-FG mang 3 phi hành gia lên làm việc trên trạm ISS.

(VTC News) - 11h14 trưa nay (14/11 - giờ Hà Nội), Nga đã phóng thành công tàu vũ trụ Soyuz TMA-22 nhờ tên lửa đẩy Soyuz-FG mang 3 phi hành gia lên làm việc trên trạm ISS tại sân bay không gian Baikonur, Kazakhstan.

Kể từ sau vụ tai nạn phóng tàu không người lái do tên lửa Soyuz-U hồi tháng 8, tất cả các dự án đưa người lên vũ trụ của Nga đều tạm dừng. Lần phóng này đã trải qua quá trình kiểm tra và được các nhà chuyên môn xác nhận là an toàn trước khi khởi hành.

Sứ mệnh lần này được đặt tên là Astraios, vị thần chiêm tinh trong thần thoại Hy Lạp. Chuyến bay sẽ mang lên trạm ISS 3 phi hành gia thay cho phi hành đoàn đang làm việc tại đây, trong đó có 2 người Nga và 1 người Mỹ.
 3 phi hành gia hiện tại đang làm việc trên ISS gồm 1 người Nga, 1 người Mỹ và 1 người Nhật Bản sẽ được trở về Trái Đất vào ngày 22 tháng này.

Tàu vũ trụ Soyuz TMA-22 được đẩy bởi các tên lửa Soyuz-FG đưa các phi hành gia lên trạm ISS sáng nay (Ảnh: RIA) 

Dự kiến tàu vũ trụ Soyuz TMA-22 cùng phi hành đoàn sẽ tiến hành lắp ghép với trạm ISS vào 12h33 ngày 16/11 (giờ Hà Nội).

Chuyến bay ngày hôm nay dự kiến được tiến hành từ tháng 9 nhưng do những trục trặc kỹ thuật và đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn nên đã bị hoãn lại.

Phát biểu trước khi cất cánh, phi hành gia người Nga Shkaplerov, một trong số những người có mặt trong chuyến bay cho biết, sau khi lắp ghép, phi hành đoàn sẽ có chương trình kỉ niệm lần bay thứ 75.000 của trạm ISS quanh Trái Đất. "Chúng tôi có kế hoạch thưởng thức trà và bánh ngọt mang lên từ Trái Đất, có thể là xem một vài bộ phim và bàn luận về chúng", phi hành gia chia sẻ.

Nhiệm vụ của phi hành đoàn lần này là tiến hành 37 thí nghiệm trong môi trường ngoài Trái Đất. Đặc biệt, các phi hành gia sẽ đặt tiểu vệ tinh Chibis vào tàu vũ trụ vận tải Progress-M để đưa Chibis vào quỹ đạo của nó. Nhiệm vụ của Chibis là nghiên cứu tác động của tia Gamma trong ánh sáng đối với khí quyển.

Tùng Đinh

Bình luận
vtcnews.vn