Người dân Khu đô thị (KĐT) Thanh Hà xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt.
Những ngày qua, tình trạng mất nước sạch kéo dài tại KĐT Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân bị đảo lộn. Không ít cơ sở kinh doanh bắt buộc phải tạm thời đóng cửa do chi phí mua nước đóng bình, chai tăng mạnh, hao hụt vào doanh thu. Trong chiều 20/10, nhiều gia đình vẫn khổ sở đi xách từng xô nước được cứu trợ đưa đến.
Trước tình trạng thiếu nước, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, sẽ làm việc với đơn vị cấp nước về khả năng nâng sản lượng nước sạch về cho khu đô thị Thanh Hà. Nếu không được, UBND huyện Thanh Oai sẽ có văn bản cho khởi động lại trạm sản xuất nước ngầm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đề xuất trên gặp phải phản ứng của cư dân KĐT Thanh Hà bởi họ cho rằng điều này sẽ lặp lại tình trạng nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Chị Trần Thị An, đại diện Ban lâm thời KĐT Thanh Hà cho biết, hiện lượng nước sạch cấp cho cư dân đang thiếu trầm trọng, lịch phân chia nước không hợp lý dẫn đến người dân không đủ nước sinh hoạt, hàng quán đóng cửa, kinh doanh tụt giảm. "Đó là về lượng, còn về chất thì trước khi mất nước chúng tôi phản ánh việc nguồn nước nhiễm độc với các chỉ số Amoni, Asen, Nitrit, Nitrat, Clo dư, Pecmangan … tăng cao gấp mấy chục lần. Sau đó đã nhiều lần đề nghị trước khi cấp nước mới cần sục rửa đường ống, các bể chứa nhưng Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà không giải quyết. Đặc biệt điều khiến người dân không khỏi lo ngại khi nhà máy cấp nước sạch chỉ cách nghĩa trang chưa đầy 500m", chị An bức xúc.
Trước đó, vào ngày 10/10, Viện Công nghệ môi trường thông báo kết quả xét nghiệm do dân gửi mẫu trước đó có hàm lượng Amoni trong nước gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng Clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.
Theo ghi nhận của PV, quanh khu vực trạm cấp nước cho KĐT Thanh Hà có một trạm bê tông, một sân golf và nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ. Đặc biệt, khu vực này rất gần với những con mương nước bị ô nhiễm nặng. Anh Lê Hiếu (sống tại chung cư HH02A) cho biết, anh khá bất ngờ khi tình cờ xem được video với thông tin Trạm cấp nước Thanh Hà cách nghĩa trang và trạm trộn bê tông không xa. Sau đó, anh Hiếu đã trực tiếp đi thực địa và đo đạc trên bản đồ thì Trạm cấp nước chỉ cách hồ nước cạnh nghĩa trang 391m, cách trung tâm nghĩa trang 499m. "Chúng tôi cần nguồn nước sạch, đảm bảo chứ không phải bỏ tiền để sử dụng nguồn nước không sạch, hàm lượng Amoni vượt nhiều lần cho phép như vậy. Là người dân, chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để có nước sạch", anh Hiếu nói.
Đối với trường hợp tại trạm cấp nước Thanh Hà, lãnh đạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng theo quy định tại thông tư 01/2021 của Bộ Xây dựng, khoảng cách tối thiểu từ khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng tới điểm lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung là 1.500m. Điều này áp dụng trong điều kiện lý tưởng, tức là khu vực chôn cất phải có hệ thống thu gom nước thấm huyệt mộ, nước mưa chảy tràn để xử lý, không được thấm trực tiếp vào nước ngầm hoặc chảy tràn vào hệ thống mặt nước bên ngoài nghĩa trang.
Về việc xử lý nguồn nước, vị này cho hay bất kỳ nguồn nước nào cũng có thể xử lý sạch. Tuy nhiên, cần nghiên cứu cụ thể mức độ ô nhiễm để có thể áp dụng những công nghệ phù hợp. Nếu nước quá ô nhiễm mà công nghệ xử lý không đủ có thể dẫn đến nước không đảm bảo.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hiện nay trong quy hoạch chuyên ngành đã xác định rất rõ các đường ống cấp nước của từng phân khu tại Hà Nội. Đối với những khu vực phát triển đô thị mới, sau khi xây dựng xong hệ thống cấp nước nội bộ, chủ đầu tư phải kết nối với mạng lưới đường ống chung. Tuy nhiên, việc kết nối ở vị trí nào và kết nối ra sao, phải được sự đồng ý và hướng dẫn của cơ quan quản lý, không thể đấu nối tùy tiện.
Ông Nghiêm nhấn mạnh, việc này là trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý, cần hoàn thành trước khi đưa cư dân về sinh sống. Sự chậm trễ trong phối hợp đã dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt như thời gian vừa qua là bài học cho việc kiểm soát phát triển các khu đô thị mới.
Ngoài ra, ông Nghiêm cũng nêu những nguyên nhân khác gây thiếu hụt trong cấp nước sinh hoạt cho người dân Hà Nội. Đáng chú ý, một số nhà máy nước đầu nguồn của thành phố đang thi công chậm so với kế hoạch như nhà máy nước mặt sông Hồng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến nguồn nước suy giảm và các con sông thay đổi dòng chảy đã gây khó khăn cho việc khai thác nước mặt. "Ngoài ra, nguồn nước ngầm cũng đang trở thành vấn đề thách thức đối với cả nước. Nguồn nước này vừa suy giảm, vừa có nguy cơ ô nhiễm rất cao. Cả hai phương thức khai thác đều gặp khó khăn. Sắp tới cần đặt ra vấn đề khai thác nước ngầm cần phải cấp phép đồng thời cần đa dạng hóa các phương thức khai thác nước nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ", ông Nghiêm thông tin thêm.
Bình luận