Việc vận dụng các hình thức dạy học khác nhau cho đào tạo từ xa để đạt hiệu quả vẫn là thử thách không nhỏ với đa số giáo viên và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.
Bởi vì, không phải cơ sở nào cũng có trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho dạy học trực tuyến. Hơn nữa, cần phải có thời gian để thầy cô chuẩn bị nguồn học liệu số hoá, phải tổ chức được các buổi tập huấn sử dụng phần mềm, sau đó là thực nghiệm và rút kinh nghiệm trước khi đưa vào triển khai.
Có thể nói, khi quyết định chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo từ xa, mỗi cơ sở đều vấp phải vô số khó khăn và rào cản. Trở ngại lớn nhất chính là nguồn nhân lực có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin như: khả năng sử dụng công nghệ còn hạn chế, đường truyền internet kém, thiết bị công nghệ lỗi thời, quy định về bản quyền của các phần mềm dạy học làm giới hạn giờ học hay số người tham gia...
Thầy cô nỗ lực “vượt qua chính mình”
Các giảng viên khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng gặp phải tất cả những khó khăn trên. Đa số thầy cô còn lạ lẫm với những thao tác trên lớp học online nhưng không ai đầu hàng hay bỏ cuộc.
Bên cạnh các thầy cô trẻ thích ứng nhanh với hình thức dạy học online thì nhiều giảng viên lớn tuổi cũng “vượt qua chính mình”. Hình ảnh những thầy cô tóc bạc phơ ngồi trước máy tính, say sưa giảng giải cho học trò trong các lớp học online tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ tới sinh viên.
TS Vũ Mạnh Chu, giảng viên Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Công việc này thế giới đã thực hiện lâu nay, ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Chúng ta vẫn còn đang chậm chân. Việc làm hôm nay như là một hoạt động bị động, chống đỡ với Covid-19. Cần nhanh hơn trong việc tiếp cận công nghệ giáo dục mới, hiện đại!”.
Rõ ràng, công nghệ không thể làm khó được những giảng viên tâm huyết, công nghệ không phân biệt tuổi tác, nếu có trách nhiệm, đam mê và quyết tâm để thay đổi thì bất cứ ai cũng có thể làm chủ được bục giảng online.
Nhìn bề ngoài, dạy học online là hình thức dạy học có vẻ đơn giản, chỉ cần ngồi một chỗ, bật các thiết bị và phần mềm kết nối, giảng viên “nhàn” hơn vì không phải đến trường, không phải di chuyển từ đầu phòng đến cuối phòng để bao quát lớp... Nhưng những ai đã trải qua mới thấm thía sự tình.
Ăn mặc chỉnh tề, điểm danh như đi học
Bên cạnh việc “hao tâm, tổn sức” để chuẩn bị cho các bài giảng online tốt nhất cho sinh viên, việc quản lý và tổ chức các hoạt động cho người học trong các lớp học online gặp khó khăn hơn nhiều so với các lớp học offline. Nếu người học có ý thức thì lớp học sẽ được thành lập rất nhanh.
Nhưng nếu người học thờ ơ, cố tình không đăng nhập đúng giờ quy định, người dạy sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức để chờ đợi cho đủ số người tham gia. Trước thực trạng này, một số thầy cô đưa ra những quy định cho lớp học online và có những “thủ thuật” để việc điểm danh đầu giờ trở nên hiệu quả và hấp dẫn hơn.
TS. Vũ Thuỳ Dương, giảng viên khoa Xuất bản chia sẻ: “Tôi luôn yêu cầu sinh viên phải ăn mặc lịch sự khi học online, không ngồi trên giường khi học, không làm việc riêng, luôn để chế độ camera để giảng viên quan sát từng em.
Các buổi học online cũng có các hoạt động nhóm và trình bày sản phẩm hấp dẫn không kém học offline. Với những yêu cầu này, sinh viên của các lớp tôi dạy có những buổi học online rất nghiêm túc và chất lượng”.
Dạy học online thực sự là thử thách không nhỏ với cả giảng viên và sinh viên. Để dạy học online hiệu quả, người dạy phải làm chủ được công nghệ và bài giảng, phải sâu sát đến từng bạn, phải luyện giọng sao cho vừa đủ nghe qua các tần sóng của thiết bị, phải lo cả phần hình ảnh sao cho chỉn chu và dễ nhìn...
TS Thuỳ Dương cho rằng, học online cũng đòi hỏi các em sự tập trung cao độ và ý thức hơn nhiều lần so với học thực tế vì chỉ cần xao nhãng, không nghiêm túc là buổi học online sẽ trở thành một kiểu đối phó của các em, không thể đạt hiệu quả cao.
Có khi, trò lại trở thành người hướng dẫn cho thầy về các thao tác trên ứng dụng phần mềm, trò biến thành thầy... Sự hoán đổi thú vị này làm cho không khí của các buổi học online dường như dễ chịu hơn so với lớp học offline, thầy trò có sự tương tác và chia sẻ thoải mái hơn, không có khoảng cách, vị giảng viên này chia sẻ.
Lớp học 'xuyên biên giới' Việt Lào
Tại khoa Xuất bản, bên cạnh những lớp học online bình thường còn có một lớp học online rất đặc biệt - lớp học Tiếng Việt “xuyên biên giới” dành cho các sinh viên Lào đang ở quê nhà.
TS. Đặng Mỹ Hạnh, người trực tiếp giảng dạy sinh viên Lào chia sẻ, kết thúc buổi học, các em nói Tiếng Việt còn chưa sõi nhưng vẫn cảm ơn cô nhiệt tình, nêu nguyện vọng muốn được học tiếp, muốn nhanh được về Việt Nam để đến trường, đến lớp.
Những lời động viên ấy là liều thuốc tinh thần quý giá để các thầy cô tiếp tục cống hiến và cố gắng nhiều hơn nữa trong những bài giảng trực tuyến tiếp theo của mình. Mạng tuy ảo nhưng tình người là thật, bản lĩnh là thật, tâm huyết và mồ hôi các thầy cô đã rơi cũng là sự thật.
Video: Học online giữa mùa dịch virus corona
Bình luận