Ngày 13/3, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living (Luxury Living) công bố kết quả phát hành thành công 4.800 tỷ đồng trái phiếu. Báo cáo cho thấy, lô trái phiếu của Luxury Living có lãi suất 9%, loại lãi suất kết hợp, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 13/3/2028.
Luxury Living thành lập từ 13/3/2020, trụ sở tại TP.HCM, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Trước Luxury Living, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng công bố huy động thành công hàng chục nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Dream City Villas huy động thành công 2.300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Trái phiếu của Dream City Villas có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 6%/năm, cố định kết hợp thả nổi.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An cũng huy động thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 18 tháng, với lãi suất 13%/năm, kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đô phát hành 40 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn hai năm và lãi suất cố định 12%/năm.
Công ty Thương mại sản xuất và Đầu tư Hà Thành huy động được 45 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất 12%/năm.
Công ty cổ phần Phân phối HDE, chuyên về kinh doanh sản xuất vật liệu xây dựng, phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 45 tỷ đồng.
Tính chung, từ 6 -13/3 đã có 6 lô trái phiếu được phát hành, tổng số tiền huy động lên tới 11.900 tỷ đồng.
Hai tháng đầu năm, cũng có 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công là Công ty cổ phần Đầu tư Phan Vũ và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim.
Trước đó chia sẻ với VTC News, chuyên gia tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) bày tỏ lo ngại về sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Nguyên nhân là nhà đầu tư cá nhân chỉ nhìn vào lãi suất cao mà không dựa trên sức khoẻ của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu trong thời điểm dịch bệnh, áp lực kinh doanh và trả nợ rất lớn.
"Hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản có thể có rủi ro phát sinh từ việc không công bố thông tin hoặc công bố thông tin không chính xác. Ngoài ra còn có sự thiếu kiểm tra, thiếu giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro rất lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế và quyền lợi nhà đầu tư", chuyên gia nói.
Ngày 5/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023 sửa đổi bổ sung và ngừng hiệu lực thi hành một số điều tại nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021).
Theo một số chuyên gia, Nghị định 08 nhằm gỡ khó thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó cho phép doanh nghiệp phát hành và trái chủ thỏa thuận gia hạn thêm hai năm, chuyển đổi trái phiếu sang bất động sản...
Bình luận