Cuộc khủng hoảng Covid-19 lại phơi bày chuyện “lục đục” về tài chính bấy lâu giữa các nước thành viên EU. Liệu sự đoàn kết tài chính trong EU có nên là vô hạn hay không?
Câu trả lời của Đức và Hà Lan, 2 nước đang có sức mạnh về tài chính - kiên định là không.
“Một mình vì mọi người và mọi người vì một người”, đó là tinh thần của ba chàng lính ngựa lâm, những chàng hiệp sỹ luôn đứng lên bảo vệ nhau trong tiểu thiết nổi tiếng của nhà văn Pháp Alexandre Duma.
Song đây là điều Liên minh châu Âu (EU) chưa bao giờ dám mạo hiểm do bị chi phối bởi “điều khoản không trợ giúp”. Điều 125 của Hiệp ước về cơ chế hoạt động của EU quy định các nước thành viên không phải có trách nhiệm về những khoản nợ của các nước khác.
Câu hỏi duy nhất được đặt ra: Vậy đâu là cách tốt nhất để vượt qua một cuộc khủng hoảng lớn: Với dũng khí của các chàng lính ngự lâm hay với điều khoản không trợ giúp được bảo lưu này?
Sức ép chồng chất
Chắc chắn, Hội đồng châu Âu đã giải ngân hàng tỷ Euro vốn đặc biệt, hạn mức về thâm hụt ngân sách. Và ngân sách và nợ chính phủ của các nước EU đã được nới lỏng, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang mở tiếp cánh cổng tiền tệ. Song thế là đã đủ?
Tất nhiên là chưa - đó là câu trả lời của chính phủ 9 nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu: Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ, Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Slovenia và Luxembourg.
Trong bối cảnh khủng hoảng lớn như hiện nay, các nước này kêu gọi cộng đồng cùng nhau vay mượn.
“Trường hợp sử dụng một phương tiện (nợ) chung như vậy là điều thực sự cần thiết vì tất các nước chúng ta đang cùng đối mặt với một cú sốc bên ngoài như nhau mà không do nước nào gây ra song tất cả đều phải hứng chịu hậu quả”, đó là nội dung văn kiện chung được đệ trình lên Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel.
Ký ức về cuộc khủng hoảng kinh tế 10 năm trước
Cụm từ “cú sốc không do nước nào gây ra” đã được lựa chọn một cách kỹ lưỡng. Sử dụng những câu từ này, những bên ký kết hy vọng sẽ tách biệt cuộc khủng hoảng virus corona với cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực Euro, bắt đầu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần 10 năm về trước.
Khi đó, các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy đã bị quy kết một phần liên đới gây nên tình trạng mất cân đối tài chính do không quản lý cẩu thả hay giám sát ngân hàng lỏng lẻo.
Trên các thị trường tài chính, chính phủ 3 nước này chỉ có thể vay mượn tiền với lãi suất cao 'ngất ngưởng'.
Nhu cầu về nợ chung châu Âu dưới dạng trái phiếu euro khi ấy gia tăng. Các trái phiếu này có tỉ lệ lãi suất thấp hơn vì các nước mạnh hơn về kinh tế đứng ra bảo lãnh các trái phiếu này.
Đức đă từng là nước phản đối mạnh mẽ nhất về trái phiếu Euro và nhận được ủng hộ của các nước như Áo, Hà Lan, Phần Lan và Estonia.
Tham chiếu theo điều khoản không hỗ trợ của châu Âu, các nước này chất vấn các nước bị khủng hoảng vì sao họ phải đứng ra trả những khoản nợ của những nước không quản lý tốt tài chính của mình.
Lời khước từ thẳng thắn của Berlin và Amsterdam
Khi đó có rất nhiều người phản đối trái phiếu Euro. Chính vì vậy, một gói cứu trợ với tên gọi Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) được thành lập. Phương tiện tài chính này yêu cầu các nước đóng góp thêm vào quỹ tuỳ theo sức mạnh tài chính của mình.
Sau đó, ESM vay mượn tiền trên thị trường với các điều khoản ưu đãi và cho các nước gặp khó khăn vay. Lợi thế của cơ chế này là nó không vi phạm các điều lệ của EU vì các nước thành viên không có bổn phận trả nợ cho bất kỳ nước nào khác.
Mỗi nước chỉ chịu trách nhiệm về khoản tiền mình đã ký gửi vào quỹ, và trong trường hợp của Đức ít nhất là 190 tỷ Euro.
Thêm vào đó, các khoản vay này chỉ được cấp cho các nước hứa sẽ áp dụng các chính sách hà khắc và việc chấp hành sẽ được giám sát nghiêm ngặt.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối trái phiếu Euro trước đây và ý tưởng về trái phiếu corona hiện nay.
“Tôi tin rằng với cơ chế ESM, chúng ta có một phương tiện tài chính trong thời khắc khủng hoảng và phương tiện này đem lại nhiều cơ hội mà không ảnh hưởng đến những nguyên tắc cơ bản của chúng ta là cùng hành động song phải có trách nhiệm”, bà Merkel phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh EU vào tuần qua.
Theo ước tính của các chuyên gia, ESM hiện nay có số vốn khoảng 400 tỉ Euro.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng là người phản đối mạnh mẽ cơ chế trái phiếu corona. Khi trở về nước sau Hội nghị Thượng đỉnh EU, ông đang đối mặt với sự chỉ trích trong liên minh 4 đảng của mình.
Đại diện 2 đảng trong chính phủ của ông yêu cầu Hà Lan phải ủng hộ kế hoạch cấp tài chính hoài bão của EU để giúp Italy và các nước Nam Âu đang chịu thiệt hại kinh tế do đại dịch.
Khủng hoảng lớn đòi hỏi biện pháp lớn
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU, Thủ tướng Italy Guiseppe Conte, người lãnh đạo đất nước đang chịu nhiều tổn thất nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, đã từ chối gợi ý đề nghị vay vốn ESM để coi như Italy lại một lần nữa là một nước khủng hoảng hoạt động kém.
“Chúng ta mong đợi gì ở châu Âu? Có phải mỗi nước thành viên muốn đi theo con đường riêng của mình?”, ông Conte nêu câu hỏi này trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tối ngày 31/3.
Đồng thời Thủ tướng Italy dẫn chứng về gói viện trợ khổng lồ 2 ngàn tỷ USD mà Washington đang sử dụng để tháo gỡ cuộc khủng hoảng corona hiện nay tại Mỹ.
“Nếu cách đối phó khủng hoảng không là thống nhất, nghiêm túc và phối hợp cùng nhau, châu Âu sẽ ngày càng trở nên kém sức cạnh tranh, đặc biệt trên thị trường toàn cầu”, ông Conte nhấn mạnh.
Và những người đóng thuế tại Đức không nên lo sợ. "Trái phiếu corona" không có nghĩa là người Đức “phải trả thậm chí một đồng euro nào cho khối nợ của Italy.”
Trong cuộc khủng hoảng nợ euro khoảng một thập kỷ trước, chính phủ Đức có thể vững tin rằng hầu hết các nhà kinh tế hàng đầu đều phản đối việc phát hành trái phiếu euro. Song với cuộc khủng hoảng đặc biệt hiện nay điều này không còn đúng.
Châu Âu cần phải giữ vững vị thế
7 nhà kinh tế tên tuổi như Michael Hüther, Viện trưởng Viện Kinh tế Đức (IW), Peter Bonfinger và Gabriel Feblermayr, Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW) hiện nay đều công khai ủng hộ "trái phiếu corona".
“Nước mạnh phải giúp nước yếu. Bây giờ là thời điểm để cộng đồng đã gắn chung số phận và vốn được ngợi ca nhiều thể hiện đúng màu cờ sắc áo của mình”, các nhà kinh tế này viết trên một bài báo được đăng trên nhiều tờ báo của châu Âu.
Cùng nhau vay 1.000 tỷ Euro sẽ là “một dấu hiệu rõ ràng cho thấy châu Âu đang cùng nhau sát cánh trong một cuộc khủng hoảng”. Không một nước mạnh hơn nào phải tự nộp đơn xin.
“Người châu Âu phải cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này”, các nhà kinh tế lên tiếng.
Thông điệp của các nhà kinh tế này giống như lời kêu gọi của một chàng lính ngự lâm. Một thập kỷ trước, ông Michael Hüther chính là người phản đối mạnh mẽ về vấn đề chia sẻ nợ.
Song lần này ông Hüther thay đổi lập trường vì "trái phiếu corona" không phải vĩnh viễn mà nó là giải pháp một lần duy nhất.
Theo ông Hüther, có dẫn chứng lịch sử về việc cần nên làm này. Đó là vào năm 1975, Cộng đồng châu Âu phát hành trái phiếu để hạn chế tác động từ biến động giá dầu mỏ.
“Điều đó đã được minh chứng không phải là vấn đề khi đó, vậy tại sao chúng ta không thể làm điều tương tự trong cuộc khủng hoảng hiện nay?”, ông Hüther nói.
Liệu có phải là giải pháp một lần duy nhất?
Hiện vẫn chưa rõ liệu sức ép công luận và những lý lẽ này có thuyết phục được Thủ tướng Đức hay không. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU sắp tới, các nước thành viên muốn thấy có giải pháp nào được thay thế bên cạnh các khoản vay ESM mà nhà lãnh đạo Đức ủng hộ.
Có khả năng các điều kiện của cơ chế ESM sẽ được nới lỏng và các điều khoản của bất kỳ khoản vay nào cũng được gia hạn. Song ông Michael Hüther không cho rằng đó là một ý tưởng hay.
“Cơ chế ESM không được thành lập vì mục đích này và quy mô của nó không phù hợp.” Nó cần được sử dụng để giúp các ngân hàng có vấn đề. Chúng ta cũng có thể phải nói về điều đó”, Viện trưởng Viện Kinh tế Đức nói.
Video: Các quốc gia châu Âu bao giờ gỡ lệnh phong tỏa?
Cuộc khủng hoảng Virus COVID-19 đang hoành hành tại châu Âu không chỉ đe doạ đến mạng sống của con người và kinh tế mà còn đến số phận của EU và đồng Euro.
Vì vậy, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Đức Hüther, "trái phiếu corona" giống như “một phép thử mang tính chất quyết định về tình đoàn kết của châu Âu. Tất cả các nước đang lâm nạn đang tự hỏi ai sẽ giúp họ”.
“Cuối cùng, nếu chỉ là người Trung Quốc hay người Nga, thì tôi nghĩ sự tan rã EU là điều không tránh khỏi.” Và điều đó có thể không có lợi cho nền kinh tế Đức. “Nếu chúng ta không ổn định châu Âu, các thị trường của chúng ta sẽ không tồn tại ở đó”, ông Hüther kết luận.
Bình luận