Thời sự

'Trái ngọt' chuyển đổi số tại Bình Định

Thứ Ba, 21/05/2024 14:47:00 +07:00

(VTC News) - Sau hơn 2 năm triển khai chuyển đổi số, sau những bỡ ngỡ ban đầu, guồng quay chuyển đổi số của tỉnh Bình Định đã bắt nhịp, gặt hái được những thành quả nhất định

Con số ấn tượng chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số của tỉnh Bình Định đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên 4 khía cạnh: Hạ tầng số, công nghiệp công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ thông tin và dữ liệu số.

'Trái ngọt' chuyển đổi số tại Bình Định - 1

Bình Định nằm trong số 41/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

Với mục tiêu cao nhất là lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của DN, người dân làm thước đo, công cuộc chuyển đổi số đang góp phần tích cực nâng cao đời sống của người dân, sức cạnh tranh của DN và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp tại tỉnh Bình Định. Đồng thời là cơ hội để tỉnh bứt phá, tận dụng cơ hội để cải thiện ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, nhất là xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế-xã hội địa phương…

Bình Định nằm trong số 41/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến... Văn phòng Chính phủ đánh giá, Bình Định là một trong những địa phương thực hiện tốt số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, Bình Định cũng triển khai hiệu quả về đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với tổng cộng 22 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành để phục vụ cho công tác quản lý, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Cùng với đó, nằm trong số 31 địa phương đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022, tỉnh Bình Định xếp hạng thứ 29 trên cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021. Chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công được Văn phòng chính phủ đánh giá trực tuyến theo thời gian thực và đang được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh Bình Định đang đứng thứ 3 toàn quốc.

Bình Định hiện là trung tâm công nghệ của miền Trung, nơi đặt trung tâm nghiên cứu, cơ sở của các công ty công nghệ hàng đầu như FPT, TMA, VNPT...

Hiện nay, 100% các sở, ngành và UBND cấp huyện đều có cán bộ quản trị mạng; 159/159 xã, phường, thị trấn đã thực hiện thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng…

Chính quyền số có bước phát triển đột phá

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện việc chuyển đổi số

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng, định hướng để cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh chung sức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số với 3 trụ cột chính, gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện việc chuyển đổi số như: tổ chức các hội nghị, tập huấn về chuyển đổi số nhằm đổi mới tư duy, nhận thức về chuyển đổi số; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng…

Đến đầu năm 2024, tỉnh đã xây dựng 13 cơ sở chuyên ngành phục vụ chuyển đổi. Đồng thời, hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã cơ bản ổn định, riêng một số địa phương có mạng máy tính nội bộ theo địa bàn ở mức trung bình như: TP Quy Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.

Quá trình chuyển đổi số đã nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; bước đầu triển khai các ứng dụng, xây dựng chính quyền điện tử và đã triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý văn bản tại 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các Bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia…

Cổng dịch vụ công của tỉnh Bình Định đã kết nối với 5 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, gồm: cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu về bảo hiểm; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách.

Bình Định cũng triển khai trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với 8 dịch vụ, gồm: phản ánh hiện trường; giám sát, điều hành giao thông; an ninh trật tự đô thị; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát an toàn thông tin; bảng điều khiển tổng hợp giám sát, điều hành; hệ thống giám sát dịch vụ công; hệ thống thông tin kinh tế - xã hội. Hiện tại, các dịch vụ hoạt động ổn định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành; hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh và huyện đã kết nối liên thông phục vụ các phiên họp 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã.

Cục Thuế Bình Định: Thành công chuyển đổi số quản lý khai thác khoáng sản

Sau 1 năm đưa vào vận hành Ứng dụng “bản đồ số mỏ khoáng sản ”, Cục Thuế Bình Định đã thu được “quả ngọt”, khi số thuế tài nguyên thu được đã cao hơn cùng kỳ năm trước. Việc công khai, minh bạch số liệu quyết toán thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường cũng là thành công trong điều hành của Cục Thuế tỉnh.

'Trái ngọt' chuyển đổi số tại Bình Định - 2

Hệ sinh thái chuyển đổi số đã bao phủ tất cả các chức năng quản lý thuế tại Cục Thuế Bình Định.

Với thế mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, hiện nay hệ sinh thái chuyển đổi số đã bao phủ tất cả các chức năng quản lý thuế. Cục Thuế Bình Định tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với chuyển đổi số ngành Thuế rất hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Tháng 8/2023, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành chính thức Ứng dụng “bản đồ số mỏ khoáng sản ”. Sự kiện này đánh dấu Cục Thuế Bình Định là đơn vị đầu tiên của cả nước có Ứng dụng “bản đồ số mỏ khoáng sản”.

Ứng dụng được cài đặt trên Cổng thông tin điện tử của Cục Thuế tỉnh, đăng tải công khai thông tin cụ thể về vị trí từng mỏ khoáng sản, loại khoáng sản và trữ lượng, thời hạn khai thác, sản lượng khoáng sản khai thác đã khai thuế; số thuế mà doanh nghiệp đã nộp, còn nợ... để toàn xã hội cùng tham gia giám sát, phản biện.

Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 2.000 lượt doanh nghiệp truy cập vào ứng dụng bản đồ số mỏ khoảng sản. Qua ứng dụng này, Cục Thuế Bình Định đã tiếp nhận được nhiều thông tin giám sát, phản biện rất quan trọng từ các doanh nghiệp, chính quyền địa phương liên quan đến việc quản lý thuế đối với khai thác khoáng sản.

Năm 2024, Cục Thuế Bình Định tiếp tục ứng dụng công nghệ để chống thất thu trên lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, bằng cách nghiên cứu, bổ sung hàng loạt chức năng mới trên ứng dụng “Bản đồ số Mỏ khoáng sản”.

Theo đó, Cục Thuế Bình Định bổ sung công cụ Đối chiếu giá kê khai thuế tài nguyên với các quyết định giá của UBND tỉnh; bổ sung công cụ So sánh tờ khai thuế tài nguyên/phí bảo vệ môi trường với tờ khai quyết toán thuế tài nguyên năm... Nhờ vậy, kết quả thu thuế lĩnh vực này trong 7 tháng đầu năm 2024 đã cho “quả ngọt”.

Cụ thể, theo thống kê của Cục Thuế Bình Định, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thu được 43,4 tỷ đồng, tăng 13,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Thuế tài nguyên thu được 98,28 tỷ đồng, tăng 43,91 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Phí bảo vệ môi trường thu được 45,43 tỷ đồng, tăng 21,77 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Mặt khác, số doanh nghiệp mới phát sinh được cấp phép khai thác khoáng sản, chưa chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật trong việc xác lập các nghĩa vụ tài chính đã giảm đi rất nhiều.

Cục Thuế tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Do vậy, đã tạo thuận lợi để Cục Thuế tỉnh phối hợp với các sở ngành và chính quyền địa phượng nơi khai thác, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về cấp phép khai thác khoáng sản và công tác quản lý, chống thất thu thuế có hiệu quả đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Lãnh đạo Cục Thuế Bình Định cho hay, hiện Cục Thuế tỉnh đã bổ sung công cụ đối chiếu giá kê khai thuế tài nguyên với giá của UBND tỉnh vào bản đồ số mỏ khoáng sản; đồng thời, so sánh tờ khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường với quyết toán năm của doanh nghiệp, đảm bảo công tác quản lý, thu thuế và chống thất thu hoạt động khai thác khoáng sản được tốt hơn.

"Trái ngọt " trong nông nghiệp

Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

'Trái ngọt' chuyển đổi số tại Bình Định - 3

 

Sau những bỡ ngỡ bước đầu, guồng quay chuyển đổi số của tỉnh đã bắt nhịp, gặt hái được những thành quả nhất định sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, lãnh đạo đơn vị, phòng, ban, chuyên viên đều được cấp các tài khoản xử lý văn bản 100% trên môi trường điện tử. Việc sử dụng công nghệ số và quá trình tự động hóa đã giúp Sở nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, công việc có thể được thực hiện nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn thông qua xử lý tự động, chia sẻ thông tin trên các nền tảng điện tử.

Gần đây, thông qua phần mềm cảnh báo cháy rừng được đơn vị kết nối với Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) công tác dự báo, phòng ngừa cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) đạt độ chính xác cao hơn trước rất nhiều. Theo đó, chỉ vài thao tác nhấp chuột tại địa chỉ https://watch.pcccr.vn/CanhBao, công chức kiểm lâm dễ dàng xác nhận và nắm bắt các điểm có nguy cơ cháy cao để tham mưu cho lãnh đạo Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm, chủ rừng... tổ chức kiểm tra, xác minh và triển khai các biện pháp phòng ngừa hoặc chữa cháy kịp thời.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, không chỉ ở lĩnh vực lâm nghiệp, chuyển đổi sổ (CĐS) còn lan tỏa ở nhiều lĩnh vực khác của ngành, trong đó có trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi... Đơn cử như, trong lĩnh vực thủy lợi, với thiết lập phần mềm dự báo ngập lụt vùng hạ du hồ chứa nước Định Bình, Sở đã tham gia hỗ trợ vận hành điều tiết giảm ngập theo thời gian thực được tích hợp tại website http://hochuavietnam.vn; xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ quản lý hệ thống đê điều mã nguồn mở BDykeGIS trực tuyến qua website https://pcttbinhdinh.gov.vn...

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác đưa nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử (postmart.vn; voso.vn…). Cập nhật và đưa dữ liệu liên quan hồ sơ mã số vùng trồng lên cơ sở dữ liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tại địa chỉ https://csdltrongtrot.mard.gov.vn.

Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích, rất khó có thể liệt kê ra, hơn nữa các lợi ích sẽ còn phát sinh theo thực tế sản xuất, khi đáp ứng các nhu cầu của đời sống. Có thể hình dung thế này, chuyển đổi số giúp nông dân, doanh nghiệp làm ra nông sản chất lượng cao hơn, chi phí thấp nhất, hiệu quả kinh tế tốt hơn. Chẳng hạn, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc, giúp ngành nông nghiệp chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất nông sản. Từ đó, kiểm soát được chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các dòng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bình Định nằm trong top 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Để hoàn thành mục tiêu này, việc tập trung phát triển nguồn lực, trong đó tính toán, xây dựng cơ chế, chính sách riêng về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia… để thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng DN, người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số là rất quan trọng.

Ngọc Anh
Bình luận
vtcnews.vn