Theo Science Alert, nghiên cứu đẫn dầu bởi nhà địa chất Samantha Hansen từ Đại học Alabama (Mỹ) đã sử dụng sóng địa chấn để "nhìn" vào cấu trúc bí ẩn trong chính hành tinh của chúng ta và phát hiện một lớp cấu trúc lạ nằm ở ranh giới lõi - lớp phủ (CMB).
TS Hansen và các cộng sự đã sử dụng 15 trạm giám sát được chôn vùi dưới băng Nam Cực để lập bản đồ sóng địa chấn trong vòng 3 năm. Đó là thứ đi xuyên qua lòng hành tinh của chúng ta, vì vậy các khác biệt trên đường đi sẽ tiết lộ nhưng cấu trúc ẩn.
Họ đã nhận thấy ở vùng CMB sóng địa chấn đã đi với vận tốc cực thấp so với các nơi khác, tiết lộ một cấu trúc bọc xung quanh lõi hành tinh, rất rộng và bao gồm cả những ngọn núi cao gấp 5 lần đỉnh Everest.
Không thể trực tiếp nhìn vào các mảng lạ lùng này, nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng chúng chính là vỏ đại dương - lớp nền của một vài đại dương cổ đại đã bị chôn vùi rất sâu qua quá trình gọi là "hút chìm".
Hút chìm là một quá trình nằm trong một hiện tượng rộng lớn hơn gọi là kiến tạo mảng. Vỏ hành tinh chúng ta không liền mạch mà gồm trên dưới 20 mảng lớn nhỏ, liên tục di chuyển, trượt lên nhau.
Chúng quá nhiều so với tổng diện tích bề mặt nên liên tục chen chúc, trượt đè lên nhau, cõng theo các lục địa và đại dương nhiều lần di chuyển tạo thành siêu lục địa, siêu đại dương rồi lại tách ra thành nhiều châu lục như ngày nay trong suốt hàng tỉ năm lịch sử.
Khi một đại dương co hẹp lại, quá trình hút chìm xảy ra ở đâu đó giữa nó, có thể hiểu như một phần đáy đại dương bị Trái Đất nuốt vào lòng đất. Một cách bí ẩn, mảng kiến tạo - mảnh vỏ Trái Đất - cõng theo đại dương cổ đại chưa từng biết, đã chui sâu tới tận ranh giới này thay vì lang thang phần phía trên của lớp phủ như đa số các mảnh khác.
Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science Advances, trong đó TS Hansen cho biết phát hiện mới sẽ cung cấp các kết nối quan trọng giữa cấu trúc nông và sâu của Trái Đất, cũng như các quá trình tổng thể thúc đẩy hành tinh chúng ta tiến hóa.
Bình luận