Nghiên cứu mới đây cho thấy 1/3 các loài động thực vật có thể bị xóa sổ khỏi sự tồn tại khi nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona (Mỹ) kiểm tra 538 loài tại 581 địa điểm trên toàn thế giới. Họ tập trung vào các sinh vật và thực vật được tìm thấy tại cùng một địa điểm trong khoảng thời gian mười năm trở lên.
Hơn bốn trong số mười loài được nghiên cứu đã tuyệt chủng tại một hoặc nhiều địa điểm. Sau khi kết hợp dữ liệu này với dự đoán về khí hậu trong tương lai của Trái Đất, các nhà khoa học khám phá ra sự thật nghiệt ngã hơn. Dựa trên các dự đoán hiện tại, có đến 1/3 trong số tám triệu loài động vật và thực vật có thể biến mất trong vòng 50 năm tới.
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng do biến đổi khí hậu, môi trường sống chính của nhiều loài động, thực vật có nguy cơ bị phá hủy. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc quan trọng là nhận thức đúng và hành động trên toàn thế giới.
Giáo sư John J. Wiens từ Đại học Arizona nói: "Nếu chúng ta tuân thủ Thỏa thuận Paris để chống biến đổi khí hậu, có thể mất ít hơn 2 trong số 10 loài thực vật và động vật trên Trái Đất vào năm 2070. Nhưng nếu con người gây ra sự gia tăng nhiệt độ lớn hơn, chúng ta có thể mất hơn 1/3 hoặc thậm chí một nửa số loài động vật và thực vật, dựa trên kết quả của chúng tôi."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science. Năm ngoái, một nghiên cứu tương tự từ Liên Hợp Quốc báo cáo một triệu trong số tám triệu loài của hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các nhà nghiên cứu cảnh báo có tới 680 loài động vật có xương sống đã bị con người tuyệt chủng từ thế kỷ 16 cho tới nay.
Các số liệu cho thấy tốc độ tuyệt chủng loài đang tăng tốc. Nó dẫn đến cảnh báo rằng nhân loại đang thúc đẩy sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trong lịch sử Trái Đất.
Bình luận