Tháng 6/1908, một vật thể có kích thước bằng tòa chung cư lao vào khí quyển Trái Đất, phát nổ trên không trung trước khi rơi xuống vùng Siberia, Nga. Sự kiện này được gọi là Tunguska đã quét sạch cây cối và động vật trên diện tích hơn 2.000km².
Rất may vật thể rơi xuống khu vực thưa dân nên không ghi nhận thương vong. Dù vậy, nó vẫn là vụ nổ có sức công phá lớn nhất từ trước đến nay và cũng là bí ẩn thách thức các nhà khoa học trong 100 năm qua. Chưa ai xác định vật thể này là thiên thạch hay sao chổi.
Một giả thiết được đặt ra, nó có thể là Beta Taurid, trận mưa sao băng thường xuất hiện vào ban ngày tháng 6.
Theo nghiên cứu mới đây của nhà vật lý Mark Boslough tới từ Phòng thí nghiệm Los Alamos, Mỹ, dáng đổ của cây trong sự kiện Tunguska phù hợp với kết luận rằng vật thể trong vụ nổ này tới từ cùng một khu vực mà sao băng Taurid di chuyển.
Từ đó, ông và một số nhà vật lý khác kêu gọi triển khai một chiến dịch quan sát đặc biệt vào tháng 6/2019 để tìm kiếm các vật thể tương tự vật thể trong vụ Tunguska hoặc lớn hơn trong các cơn mưa sao băng Taurid.
“Nếu vật thể trong vụ nổ Tunguska là một thành viên của Taurid thì có thể tuần cuối cùng của tháng 6/2019 sẽ chứng kiến một vụ va chạm tương tự vụ nổ năm 1908”, ông Boslough và cộng sự trình bày trong bài thuyết trình tại Hiệp hội địa vật lý Mỹ (AGU).
Tuy nhiên, nhóm của Boslough cho rằng kể cả khi xác nhận được sự tồn tại của các vật thể tương tự như trong vụ Tunguska, xác suất nó va vào Trái Đất là không cao bởi vũ trụ rộng lớn và việc "bỏ lỡ nhau khó hơn là va vào nhau".
Nhưng nếu xảy ra, nó sẽ là một thảm họa gây ra hậu quả khôn lường. Mặc dù xác suất gây thương vong là cực kỳ nhỏ nhưng không phải là không thể xảy ra, theo ông Boslough.
Nhà thiên văn học Amy Mainzer của NASA hoan nghênh ý tưởng của Boslough cùng nhóm nghiên cứu. Cô cho biết các nhà khoa học hiện xác định được khoảng hơn 90% các vật thể đủ lớn để gây ra thảm họa quy mô toàn cầu. Trong số này chỉ có 1% có đường kính 40 m, tương tự như vật thể trong vụ va chạm Tunguska.
Bình luận