Theo Sun, Trái Đất có khả năng sắp trải qua thời kỳ tiểu Băng hà. Những phân tích bề mặt Mặt Trời chỉ ra mức độ hoạt động của nó đang giảm rõ rệt. Thông thường, bề mặt Mặt Trời có những vết đen, nhưng hiện nay chúng hoàn toàn biến mất.
Vết đen Mặt Trời là các khu vực tối trên bề mặt ngôi sao này. Độ sáng bề mặt của vết đen vào khoảng 1/4 độ sáng của những vùng xung quanh. Nguyên nhân xuất hiện vết đen là do nhiệt độ của chúng thấp hơn các vùng xung quanh, một hiện tượng gây ra bởi các biến đổi từ trường rất mạnh trên Mặt Trời.
"Lần thứ hai trong tháng này bề mặt Mặt Trời hoàn toàn không có vết đen. Đây là dấu hiệu cho thấy thời điểm chu kỳ Mặt Trời hoạt động tối thiểu đang đến gần, và số ngày không có vết đen sẽ tăng lên trong vài năm tới", Paul Dorian, nhà khí tượng học tại Trung tâm thời tiết Vencore Weather, Mỹ, cho biết.
"Lúc đầu, vết đen biến mất trong vài ngày, vài tuần và cuối cùng là nhiều tháng, khi chu kỳ vết đen Mặt Trời đạt đến điểm thấp nhất. Giai đoạn Mặt Trời hoạt động tối thiểu tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2019 hoặc 2020", Dorian nói thêm.
Điều đáng lo ngại là tình trạng giảm thiểu hoạt động vết đen có thể thúc đẩy sự xuất hiện của một thời kỳ lạnh kéo dài, tương tự như giai đoạn Maunder Minimum bắt đầu từ năm 1645 và kéo dài đến năm 1715. Giai đoạn này còn được gọi là thời kỳ tiểu Băng hà, một trong những lần Mặt Trời suy giảm hoạt động mạnh nhất trong thế kỷ 17, khiến mùa đông lạnh giá bao trùm khắp châu Âu.
Năm 2015, giáo sư Valentina Zharkova đưa ra một mô hình mới dự đoán chính xác những dấu hiệu bất thường trong chu kỳ hoạt động 11 năm của Mặt Trời tại Hội nghị Thiên văn học quốc gia ở Llandudno, miền bắc xứ Wales, Anh.
Mô hình cho thấy trong chu kỳ 25 diễn ra vào những năm 2020-2030, Mặt Trời hoạt động mạnh mẽ hơn hiện nay và đạt đỉnh điểm vào năm 2022. Thời kỳ tiểu băng hà có thể xảy ra trên Trái Đất trong những năm 2030 (chu kỳ 26). Mức độ hoạt động của Mặt Trời sẽ giảm 60%, làm mất mùa và gây ra nhiều thảm họa khác.
Bình luận