Ước tính, cục thiên thạch đã xóa sổ khủng long có đường kính ít nhất là 10.000m, di chuyển với vận tốc gấp 40 lần tốc độ âm thanh. Sau khi va chạm, nó tạo ra một vụ nổ với sức công phá lên tới 100 nghìn tỉ tấn thuốc nổ TNT - tương đương 7 tỉ lần quả bom nguyên tử cỡ vừa.
Nhưng đấy là những gì xảy ra nếu sao chổi rơi xuống Trái đất. Thế nếu cũng cái cục sao chổi đấy lại đâm thẳng vào Mặt trời thì sao nhỉ?
Sao chổi vs Mặt trời
Đầu tiên, hãy đi từ sao chổi trước nhé. Về cơ bản, sao chổi là một khối thiên thạch khổng lồ, gồm đá và băng đá, có quỹ đạo xoay xung quanh Mặt trời. Trong quá trình di chuyển, những cơn gió Mặt trời sẽ làm tan chảy khối băng và một phần lớp đá, giúp sao chổi có một cái đuôi rất đặc thù.
Hầu hết sao chổi xoay quanh Mặt trời với khoảng cách rất lớn - chúng được gọi là Oort Cloud. Một số lại có khoảng cách rất gần, mang tên Sungrazer. Những Sungrazer có thể tiến đến Mặt trời ở khoảng cách chỉ vài ngàn km - tức là cực kỳ gần.
Giờ đến lượt Mặt trời của chúng ta. Chắc ai cũng biết rằng Mặt trời là một khối năng lượng khổng lồ - chủ yếu là khí hydrogen nóng, và tất nhiên không có bề mặt rắn. Nhiệt độ tại đây có thể lên tới hàng triệu độ C.
Nhưng không chỉ nhiệt độ, có một thứ khác của Mặt trời cũng vô cùng đáng sợ. đó là lực trọng trường. Dành cho những ai chưa biết, xung quanh Mặt trời có một giới hạn mang tên Roche Limit. Đó là một ranh giới ảo mà bất kỳ vật thể nào vượt qua sẽ bị xé nát bởi lực trọng trường khổng lồ.
Điều sẽ xảy ra khi sao chổi vượt qua giới hạn Roche?
Hầu hết các sao chổi khi vượt qua giới hạn Roche đều bị xé nát - giống như bạn xé cục kẹo bông vậy. Tuy nhiên, nếu khối lượng và kích cỡ của sao chổi đủ độ dày và chắc chắn, nó sẽ vượt qua lằn ranh này một cách an toàn.
Và lúc này, ngôi sao chổi của chúng ta sẽ phải đối mặt với một kẻ thù khác, đó là bức xạ Mặt trời. Đây cũng chính là loại bức xạ khiến chúng ta bị cháy nắng trên mặt đất - cực kỳ mạnh và dày đặc. Nó sẽ nhanh chóng làm tan băng, khiến cấu trúc của sao chổi yếu đi và vỡ ra thành nhiều mảnh.
Tuy nhiên, đã từng có một số ngôi sao chổi "còn sống" sau quá trình này. Lịch sử đã từng ghi nhận một số sao chổi như thế, như sao chổi Lovejoy vào tháng 12/2011, hoặc sao chổi ISON vào năm 2013.
Các nhà thiên văn học cho biết, điểm chung của cả 2 sao chổi này sau cơn... "cửu tử nhất sinh" là kích cỡ nhỏ hẳn đi, còn cái đuôi trở nên sáng rực rõ hơn hẳn (do một phần vật chất đã tan chảy).
Hậu quả khủng khiếp khi va chạm với Mặt trời và liệu Trái đất có bị ảnh hưởng?
Việc tồn tại một ngôi sao chổi có đủ độ lớn và khối lượng để chịu được những tác động khủng khiếp của Mặt trời, dù rất hiếm, nhưng vẫn có thể xảy ra.
Lúc này, thiên thạch có thể đạt tới vận tốc lên tới 600km/s, và lớp khí nóng hàng triệu độ sẽ tạo nên một lực nén, khiến thiên thạch nổ tung. Và vụ nổ ở đây được đánh giá ở mức siêu khủng khiếp, mạnh ngang một trận bão Mặt trời, chỉ khác là ở quy mô nhỏ hơn.
Vụ nổ sẽ giải phóng một lượng lớn các tia UV và phóng xạ, đồng thời khiến cho Mặt trời... rung chuyển. Mà bạn biết đấy, Mặt trời lớn gấp khoảng... 330.000 lần Trái đất.
Vậy để một khối năng lượng khổng lồ như vậy phải rung chuyển, hẳn vụ nổ phải khủng khiếp đến mức nào, chắc bạn cũng tưởng tượng ra.
Tuy nhiên, vụ nổ này có thể khủng khiếp, nhưng tác động đến Trái đất thì gần như không có.
Ngoài ra quay trở lại câu hỏi đầu bài: thiên thạch từng huỷ diệt khủng long mà rơi vào Mặt trời thì sẽ ra sao? Câu trả lời là... chẳng sao cả, vì ngôi sao chổi đó vẫn được đánh giá là nhỏ, chẳng thể sống sót khi vượt quả giới hạn Roche đâu.
Bình luận