Chiều ngày 27/7/2020, một lãnh đạo Thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội xác nhận thông tin, mấy ngày qua có nhiều người chơi lan var (lan đột biến) tìm đến một căn nhà mặt phố trên địa bàn để truy tìm một nhóm đối tượng để đòi lại tiền.
"Hiện chưa có đơn tố cáo nào gửi đến cơ quan chức năng, nhưng theo nguồn tin từ quần chúng nhân dân thì số tiền liên quan đến vụ việc lên tới cả chục tỷ đồng.
Một nhóm đối tượng đã đến địa bàn thuê nhà, làm "chuồng cọp" trông lan var Phi điệp rồi rao bán với giá rẻ so với thị trường.
Đã có hàng chục người vì nghe theo quảng cáo tìm tới giao dịch với số tiền hàng chục triệu, thậm chí có người bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua về trồng", vị lãnh đạo này cho biết.
Được một thời gian, nhóm đối tượng bỗng nhiên "mất tích". Nhiều người biết mình bị lừa, tìm đến trả cây lan, đòi lại tiền những không biết các đối tượng này hiện đang ở đâu.
Theo anh Hoàng Văn Đại (35 tuổi, một người trồng lan tại thị trấn Quốc Oai), thời gian qua xuất hiện nhiều cuộc giao dịch lan Phi điệp var trên cả nước với giá cả tỷ đồng khiến cho người dân có tâm lý "phát sốt", muốn bỏ tiền sở hữu mặt hàng đang "hot" này để làm lợi kinh tế.
Tuy nhiên, không ít người đã phải nếm trải trái đắng khi không tìm hiểu kỹ mà đã bỏ ra số tiền lớn để đầu tư.
"Những thông tin về các cuộc giao dịch này thường rất mập mờ, không biết có thật hay không. Thông tin về người bán và người mua cũng không được kiểm chứng. Không thể loại trừ đó là một cuộc thổi giá, nhằm đẩy giá hoa lan trong bối cảnh trầm lắng suốt thời gian dài, nhất là sau khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19", anh Đại cho biết.
Anh Đại cho hay, đặc điểm chung của những đối tượng thổi giá hoa lan là tạo ra nhiều cuộc giao dịch khác nhau, số tiền trong mỗi lần giao dịch ngày một lớn dần lên để đánh vào "lòng tham" của con người. Trong khi, trồng lan lại vô cùng dễ dàng, dù là hàng var nhưng chỉ cần chăm sóc tốt là chỉ sau 2 - 3 năm, người chơi lan đã có một vườn lan đồ sộ.
"Cái gì dễ trồng, phổ biến thì cũng sẽ bão hòa. Cho dù thời điểm này lan đột biết có thể đang "hot" nhưng với tốc độ phát triển và đặc tính dễ trồng của loại này thì chỉ một thời gian ngắn nữa giá sẽ đi xuống, khi đó những người đã bỏ tiền tỷ ra mua lan đột biến sẽ phải ôm trái đắng", anh Đại bày tỏ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trọng (55 tuổi, chủ một vườn lan ở Phú Thọ) cũng cho rằng, nhiều cơ sở buôn bán lan đột biến bỗng nhiên "mất tích" một cách bí ẩn trong thời gian qua cho thấy thị trường này đã có biểu hiện "vỡ trận".
"Thổi giá lan cũng tương tự như thổi giá bất động sản. Các cuộc giao dịch thường ảo nhằm đẩy giá lên cao. Chỉ có người mua cuối cùng là gánh hết mọi hậu quả vì sau đó không thể bán được cho ai, ôm một mớ cây để chăm sóc mà không thanh lý được", ông Trọng nói.
Người đàn ông này nhận định thêm, sở dĩ thời gian qua xuất hiện nhiều cuộc giao dịch hoa lan tiền tỷ là do dịch COVID-19 khiến nhiều người có tiền nhưng không biết đầu tư vào đâu. Trong khí đó, lan var lại được quảng cáo giá trị "ảo" hơn rất nhiều so với thực tế nên đem tiền đầu tư.
"Người chơi cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ nơi bán, mặt hàng trước khi mua. Đồng thời, cũng không nên mua theo cảm xúc rồi cuối cùng mất tiền", ông Trọng đưa ra lời khuyên.
Công an cảnh báo nguy cơ thổi giá, rửa tiền từ hoa lan tiền tỷ
Công an tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản cảnh báo về nguy cơ rủi ro từ phong trào chơi hoa lan đột biến gen trên địa bàn.
Theo đó, thời gian gần đây, nhiều vụ mua bán, trao đổi hoa lan với số tiền lên tới hàng tỉ đồng diễn ra công khai, phô trương và được quảng bá, livestream rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok....
Đặc biệt, việc xuất hiện một số “tấm gương” làm giàu nhanh chóng từ hoa lan, dễ dàng kiếm tiền tỉ trong thời gian ngắn đã tạo thành trào lưu, khiến nhiều người hò nhau đầu tư, thậm chí là góp vốn để tham gia.
Công an tỉnh Tuyên Quang nhận định tình trạng này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Cụ thể, giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý, là cơ hội cho các hành vi lợi dụng để “thổi giá”, gây sự hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ nhiều người chơi mới, kém hiểu biết tham gia vào thị trường lan.
Các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng diễn ra tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, nguy cơ biến tướng theo mô hình đa cấp, hoặc tội phạm rửa tiền lợi dụng hoạt động.
Cùng với đó, chất lượng hoa lan không hề có sự bảo đảm, chứng nhận hợp pháp; các giao dịch chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận bởi người bán với người mua, dễ phát sinh lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp sau giao dịch.
Nhiều người tham gia đầu tư vì vụ lợi, mong muốn làm giàu nhanh, thiếu kiến thức, bất chấp rủi ro huy động vốn từ người thân, bạn bè, vay mượn ngân hàng, các nguồn vốn ngoài xã hội, thậm chí “tín dụng đen” để đầu tư. Điều này dẫn đến nguy cơ có thể vỡ nợ dây truyền và phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật từ hoạt động “tín dụng đen”.
Chưa hết, việc mua bán hoa lan với số tiền giao dịch lớn, không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước tạo nên “bong bóng đầu tư”, tiềm ẩn nguy cơ chống phá về an ninh kinh tế của các thế lực thù địch.
Do đó, Công an tỉnh Tuyên Quang nhận định các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa phong lan đột biến như trên là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hệ lụy rất lớn, tiềm ẩn những nguy cơ cao, làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, gây mất ổn định xã hội.
Bình luận