• Zalo

Tra tấn kinh hãi ở 'địa ngục trần gian': Đóng đinh, đục bánh chè, rút xương...

Phóng sựThứ Tư, 27/04/2016 06:44:00 +07:00Google News

khi bốc mộ những tù binh hy sinh, người ta còn tìm thấy những chiếc đinh còn nguyên vẹn trong hài cốt những người tù.

(VTC News) - Sau ngày hòa bình, khi bốc mộ những tù binh hy sinh, người ta còn tìm thấy những chiếc đinh còn nguyên vẹn trong hài cốt những người tù.


Kỳ 2: Những màn tra tấn tù binh thảm khốc

Trại tù Phú Quốc nằm trên một hòn đảo cùng tên thuộc tỉnh Kiên Giang, cực Tây Nam của Tổ quốc. Đây là nhà tù do Mỹ xây dựng với gần 500 nhà giam, giam giữ hàng chục ngàn tù nhân, tính cả tù chính trị qua nhiều thời kỳ.

Nhiều cựu binh trở về cho biết, chỉ riêng trong thời gian tồn tại không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973, thời điểm mà tù binh chiến tranh được trả về theo hiệp định Paris), trại giam tù binh Phú Quốc đã có hơn 4000 người chết, hàng chục nghìn người bị thương tật tàn phế. Với những người còn sống sót, họ gọi đó là “địa ngục trần gian”.

Tuy nhiên, trong đó vẫn có một số khu có bệnh xá, nhà bếp, nhà ăn… được dựng lên để đối phó với các đoàn giám sát về nhân quyền của quốc tế và đánh lừa dư luận.

Một cựu tù Phú Quốc thăm Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Nội) chỉ cho chúng tôi xem chiếc “chuồng cọp” rồi bảo, đó là một trong số hình ảnh của những hình thức tra tấn dã man mà bọn cai ngục đã áp dụng với các tù binh. 

Cái lồng sắt ấy, chúng nhốt người rồi mang đặt giữa bãi cát với độc chiếc quần đùi. Ban ngày nắng như đổ lửa, cát nóng như rang, làm cho da tù binh phỏng rộp, đầu cứ ong ong như sắp nổ tung. Ban đêm gió biển thổi lạnh, thì chúng lại múc nước giội vào làm cho chân tay người tù cứng lại, hàm răng đánh vào nhau lập cập.

Chuồng cọp Phú Quốc được tái hiện ở bảo tàng
"Chuồng cọp" Phú Quốc được tái hiện ở bảo tàng 
Ông Lâm Văn Bảng, giám đốc Bảo tàng các chiến sĩ tù đày Phú Quốc tả lại cảnh tra tấn tù binh cho nữ diễn viên trẻ Mỹ Hiền
Ông Lâm Văn Bảng, giám đốc Bảo tàng các chiến sĩ tù đày Phú Quốc tả lại cảnh tra tấn tù binh cho nữ diễn viên trẻ Mỹ Hiền 

Phát hiện có anh em ra tiếp tế, bắt được, chúng dùng ni-lông đốt cháy cho chảy nhựa xuống đầu và cổ, da thịt bỏng cháy, tróc ra từng mảng, gọi trò đó là “B-52 ném bom”.

Rồi những đòn tra tấn mà chỉ mới nghe kể đến, chúng tôi đã rùng mình khiếp đảm: Dùng chày đập mắt cá chân, đục xương bánh chè, dùng ván gỗ và đinh vít ép vỡ lồng ngực, nhốt tù binh trong thùng phuy đổ đầy nước, rồi dùng búa gõ cho sức nước ép lên toàn bộ cơ thể mà chết… Những hiện vật gốc được ông Lâm Văn Bảng cùng đồng đội mang về từ Phú Quốc như dao, búa, roi cá đuối, kìm bẻ răng, vồ sầu đời… đã chứng minh điều đó.

Video hầm vũ khí của biệt động sài gòn

Cựu binh Tống Trần Hội (thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội) kể lại, do anh em tù binh đấu tranh dữ dội lắm, địch quyết định thay chức giám thị trưởng trại tù. Nhưng, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, chúng lại thay thế bằng một cái tên khét tiếng: Trần Văn Nhu (Bảy Nhu). Nhìn gã giám thị mới đầy vẻ đanh ác, đi vòng quanh các khu giam giữ, gõ gậy cồm cộp, cười khẩy và tuyên bố: “Tao sẽ cho chúng mày no đòn”, anh em tù binh biết rằng cuộc đấu tranh trong nhà tù sẽ gian lao khổ ải hơn rất nhiều. 

Hồi đầu năm 1968, anh em đi phát cỏ trốn ra ngoài khu chôn chất tù binh mới chỉ phát hiện có hơn 50 ngôi mộ, nhưng đến cuối năm 1969, con số này đã tăng lên chừng hơn 2000 ngôi mộ. Và cho đến thời điểm nhà tù giải thể năm 1973, con số đó đã là hơn 4000 người, cùng với bao nhiêu tù binh thương tật trở về.

Đầu năm 1970, phái đoàn Hồng Thập Tự Quốc tế khi đến thị sát nhà tù Phú Quốc họ đã vô cùng phẫn nộ khi bắt gặp một chiếc roi cá đuối dính máu khô.

Một bộ hài cốt có nhiều đinh và dây thép siết cổ
Một bộ hài cốt khai quật có nhiều đinh và dây thép siết cổ 
Một tù binh bị cai ngục dùng kìm bẻ gãy hết hàm răng trên
Một tù binh bị cai ngục dùng kìm bẻ gãy hết hàm răng trên 

Những tên giám thị dùng những chiếc roi cá đuối dài, đem phơi để đánh tù. Chúng bắt anh em cởi áo, để khi đánh, gai cá đuối bấu vào da thịt. Chúng đánh mà như làm xiếc, quất thẳng cánh, cho chiếc roi quấn lấy thân nạn nhân, rồi giật ra, làm da thịt bị đứt theo, máu chảy ròng ròng. Tức thì, bọn cai ngục lấy muối ớt xát vào da thịt, gọi là để… tiệt trùng, làm cho nạn nhân bị nóng rát và đau đớn cùng tận.

Ở phòng tra tấn của Bộ chỉ huy trại giam, bọn cai tù thường dùng những chiếc đinh 3 phân đóng vào các ngón tay của tù binh. Đóng đinh một ngón tay chúng hỏi một câu. Mỗi lần bị đóng đinh, xương ngón tay của người tù bị bể nát. Thấy đinh 3 phân vẫn không lay chuyển được các tù binh kiên cường, chúng chuyển sang thủ đoạn dùng đinh 7, 8 phân hoặc cả tấc đóng vào người tù.

Sau ngày hòa bình, khi bốc mộ những tù binh hy sinh, người ta còn tìm thấy những chiếc đinh còn nguyên vẹn trong hài cốt những người tù. 

Bản thân ông Tống Trần Hội cũng là một cựu tù Phú Quốc, ông bị bắt trong một lần đi trinh sát ở Quảng Trị, rồi sau đó tống ra ngoài đảo. Quá trình giam giữ và tra tấn, không khai thác được gì, chúng cắt hết gân chân của ông từ đầu gối trở xuống, hai xương con bên trong chân cũng bị tháo, khiến đôi chân như co quắp lại. Hiện tại, phải khó khăn lắm ông mới lê lết di chuyển được.

Cựu binh Tống Trần Hội với đôi bàn chân co quắp sau khi bị rút gân, rút xương
Cựu binh Tống Trần Hội với đôi bàn chân co quắp sau khi bị rút gân, rút xương 
Ông Hội ôn lại chuyện bị cai ngục rút xương với các cựu tù Phú Quốc
Ông Hội ôn lại chuyện bị cai ngục rút xương ống chân với các cựu tù Phú Quốc 

Khi tôi hỏi chuyện, ông Hội chỉ cười: “Tôi bị tra tấn thế này, còn trở về được là may mắn lắm, nhưng còn rất nhiều đồng đội của tôi còn mất tích, tất cả là vì lũ ác ôn cai ngục đó. Cuộc đấu tranh ở trại tù Phú Quốc là quãng thời gian không thể nào quên đối với chúng tôi, cho dù có bao hi sinh, mất mát”.

Qua hơn 40 năm, câu chuyện về người Bí thư Đảng ủy Phân khu A2 bị bọn cai ngục đục lấy xương bánh chè, nướng sắt đỏ xuyên qua bắp chuối còn hằn sâu trong tâm tưởng ông Hội, cũng như những cựu tù Phú Quốc khác.

Ông Nguyễn Văn Ni (thường gọi là Bảy Ni), quê Củ Chi, lãnh đạo tù binh đánh đuổi tên trung sĩ Hương - giám thị trưởng Phân khu A2 ra khỏi phân khu, vốn là một tên gian ác, đánh tù nhân như cơm bữa. Ngày 23/11/1969, gần 200 anh em tù binh phòng bệnh của Phân khu A2 đồng loạt nổi dậy, hô vang "Đả đảo đàn áp", cuốn theo hàng ngàn tù binh trên toàn trại cũng ào ào nổi dậy. 

Trước làn sóng căm phẫn, bọn cai ngục phải nhượng bộ, chấp nhận một số yêu sách. Nhưng đằng sau đó, chúng giở thủ đoạn trả thù tàn khốc.

Những chiếc đinh đóng vào người tù binh cộng sản thu được trong các cuộc khai quật hài cốt
Những chiếc đinh đóng vào người tù binh cộng sản thu được trong các cuộc khai quật hài cốt 

Bị gian tế chỉ điểm, Bảy Ni bị bắt. Hỏi gì ông cũng khai là không biết, không thấy. Điên tiết, Bảy Nhu chỉ đạo đám cai ngục tiến hành tra tấn bằng cách lấy thanh thép xuyên qua bắp chân, da thịt cháy khét lẹt. 

Nếu ngất thì thôi, nhưng cứ tỉnh dậy, Bảy Ni lại chửi Bảy Nhu cùng đám cai ngục là bọn Việt gian bán nước. Không khai thác được gì, chúng lại lấy đục thợ mộc, đục xương bánh chè của ông, máu chảy lênh láng. Chưa hết, cai ngục Chu Quốc Minh (còn gọi tên là Cóc) còn lấy thanh sắt to tướng nung đỏ, dí vào vết thương, gọi là… để cầm máu. 

Đúng là cầm máu thật, nhưng vài lần như thế thịt cũng chín, máu không chảy nổi nữa. Chúng định đục tiếp hàm răng nhưng Bảy Ni đã chỉ còn thoi thóp, Ông bị quẳng vào phòng biệt giam. Trong vòng tay của đồng đội, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Bảy Ni còn gắng hết sức hô to: “Hồ chủ tịch muôn năm, đả đảo Mỹ Thiệu”, hô 3 lần rồi chết.


Còn tiếp…

Hải Minh 
Bình luận
vtcnews.vn