• Zalo

Trà kỷ tử có tác dụng gì?

Dinh dưỡngThứ Tư, 12/04/2023 00:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trà kỷ tử có tác dụng gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Cách dùng kỷ tử tốt nhất đó là ngâm quả kỷ tử khô trong nước nóng để pha thành trà và uống buổi sáng. Vậy, trà kỷ tử có tác dụng gì?

Trà kỷ tử có tác dụng gì?

Kỷ tử từ xưa vẫn được coi là vị thuốc rất tốt cho thận, nhưng không phải ai cũng biết đến tác dụng bổ mắt, làm sáng mắt của kỷ tử. Chẳng thế mà dân gian thường hay gọi kỷ tử là "Minh mục tử", có nghĩa "Quả sáng mắt".

Kỷ tử còn có tên gọi khác là câu kỷ tử hoặc địa cốt tử, có vị ngọt, tính bình, không độc; quy kinh can, thận.

Theo Bản thảo kinh sơ viết: "Kỷ tử bổ thận, nhuận phế, sinh tân, ích khí, là thuốc chủ yếu bổ can thận chân âm bất túc, là thuốc tốt để ích tinh, minh mục…".

Trà kỷ tử có tác dụng gì? - 1

Trà kỷ tử có tác dụng gì?

Dưới đây là những tác dụng của trà kỷ tử

Cải thiện thị lực

Kỷ tử được nhiều người tin là tốt cho mắt. Loại quả này là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào. Chúng rất giàu vitamin A, cần thiết cho sự phát triển của mắt, xương, da và tế bào. Lượng beta-carotene trong quả kỷ tử thuộc hàng cao nhất trong số các loại thực vật ăn được. Với hàm lượng zeaxanthin cao, quả kỷ tử có thể mang lại lợi ích cho thị lực và có thể giúp ích cho các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác.

Những lợi ích này được chứng minh trong kết quả của một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên tạp chí Optometry and Vision Science. Trong đó nhóm người cao tuổi tiêu thụ thực phẩm bổ sung hàng ngày với kỷ tử trong khoảng 3 tháng. Kết quả cho thấy có sự gia tăng zeaxanthin trong huyết tương - hợp chất có lợi cho mắt - và mức độ chống oxy hóa trong điểm vàng, là một phần của võng mạc.

Bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư

Quả kỷ tử chứa chất chống oxy hóa giúp vô hiệu hóa tác hại của các gốc tự do. Điều này giúp duy trì sức khỏe tế bào tốt, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Folia Medica cho thấy, quả kỷ tử có tác dụng tích cực trong việc phòng bệnh ung thư vú. Để có được kết luận này, các nhà nghiên cứu thử nghiệm các phân số của quả kỷ tử trên 3 dòng tế bào ung thư vú và nhận thấy sự ức chế đáng kể ở hai trong số ba dòng này.

Giảm cholesterol

Tiêu thụ quả kỷ tử cũng có thể giúp giảm mức cholesterol và chất béo. Theo Tạp chí Các biện pháp tự nhiên (Hoa Kỳ), việc tiêu thụ chiết xuất từ bột câu kỷ tử giúp giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và mức cholesterol-lipoprotein mật độ thấp.

Ổn định đường huyết

Quả kỷ tử có lợi cho việc cân bằng lượng đường trong máu. Nghiên cứu của khoa học hiện đại cho biết quả câu kỷ giúp ổn định lượng đường trong máu và cân bằng lượng insulin trong máu ở bệnh nhân tiểu đường loại 2. Nghiên cứu cũng báo cáo sự gia tăng mức cholesterol tốt (HDL) ở những bệnh nhân mắc tiểu đường khi tiêu thụ loại quả này.

Giảm lo lắng

Những người tiêu thụ quả câu kỷ tử cho biết sức khỏe họ tốt hơn, nhiều năng lượng hơn và tỉnh táo hơn sau một thời gian ăn loại quả này. Bên cạnh những tác dụng tích cực này, quả kỷ tử có khả năng làm giảm lo lắng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Một nghiên cứu trên động vật năm 2020 được công bố trên Tạp chí Sinh học Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy quả kỷ tử có thể làm giảm hành vi lo lắng. Nghiên cứu sâu hơn có thể giúp đánh giá tiềm năng sản xuất thuốc chống lo âu từ loại quả này trong tương lai gần.

Cách pha trà kỷ tử đơn giản nhất

Để có bình trà kỷ tử dưỡng mắt không hề khó, chỉ cần một nhúm kỷ tử, khoảng 10 - 15g, ngâm trong nước sôi tầm 15 - 20 phút là có thể dùng được.

Trà kỷ tử nếu có thêm đại táo giúp dưỡng huyết, làm tăng hồng cầu trong máu ngoại vi và cúc hoa giúp sáng mắt, chữa đau đầu chóng mặt giúp nâng thêm hiệu quả và tác dụng của trà.

Loại trà này được pha như sau: Kỷ tử, cúc hoa, đại táo, mỗi vị 10g, hãm với nước sôi rồi để nguội cho trẻ uống dần trong ngày. Có thể pha thêm một chút mật ong (1 thìa cà phê) để dung hòa các vị và giúp món trà thêm thơm ngon.

Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Trà kỷ tử có tác dụng gì?". Bạn cần lưu ý, những người đang thực nhiệt (nhiễm khuẩn, viêm tấy), bị đàm thấp, tiêu chảy không dùng kỷ tử.

Vân Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn