• Zalo

TP.HCM sẽ còn 19 cơ quan báo chí

Thời sựThứ Sáu, 22/05/2020 23:23:24 +07:00Google News

Sau sắp xếp, TP.HCM còn 19 cơ quan báo chí gồm 7 báo in (trong đó hai tờ thuộc tổ chức tôn giáo), một đài phát thanh, một đài truyền hình và 10 tạp chí.

Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025 được Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức phê duyệt ngày 22/5. Có 27/28 cơ quan báo chí được sắp xếp lại, riêng báo Công an TP.HCM được sắp xếp theo đề án của Bộ Công an.

Ở giai đoạn một - từ giờ đến hết năm 2020, có 21 cơ quan báo chí phải sắp xếp. Trong đó, báo Sài Gòn Giải Phóng thuộc Thành uỷ TP.HCM được giữ ổn định.

Các báo: Phụ nữ TP.HCM (Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố), Tuổi Trẻ (Thành đoàn), Người Lao động (Liên đoàn Lao động thành phố) được chuyển sang Thành ủy TP.HCM.

Pháp Luật TP.HCM (Sở Tư pháp) và Tạp chí Du lịch (Sở Du lịch thành phố) chuyển về UBND TP.HCM; Tạp chí Phát triển Nhân lực (UBND thành phố) chuyển sang Học viện Cán bộ thành phố.

Tám tờ bị chuyển thành tạp chí, hoặc chuyển cơ quan chủ quản là: Cựu chiến binh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Giáo dục TP.HCM, Doanh nhân Sài Gòn, Khoa học Phổ thông, Tuần báo Văn nghệ TP.HCM, Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, Tạp chí HTV.

Giai đoạn hai - từ năm 2021 đến hết năm 2025, sẽ hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan báo chí, hoạt động theo yêu cầu mới.

Báo in và tạp chí in hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phẩm. Phát thanh truyền hình hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả. Báo điện tử và tạp chí điện tử tập trung phát triển báo điện tử, tạp chí điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại; tương tác cao, nội dung phong phú thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội...

Đề án lần này của TP.HCM nhằm sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo; đầu tư dàn trải; buông lỏng quản lý; hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có năng lực phù hợp phát triển báo chí trong tình hình mới.

Đến năm 2025, TP HCM tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo Đề án còn một cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Hiện, ngoài 28 cơ quan báo chí địa phương (gồm 16 báo, một đài truyền hình, một đài tiếng nói nhân dân và 10 tạp chí), TP.HCM có 161 cơ quan báo chí Trung ương đặt Văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú; 10 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, 46 đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh.

Thành phố cho rằng, do công nghệ thông tin phát triển, các phương tiện truyền thông điện tử đã làm thay đổi cơ cấu thông tin dẫn đến hiện tượng trùng lắp, chất lượng một số tờ báo, ấn phẩm chưa được nâng cao. Ngoài ra, tình trạng chưa bám sát tôn chỉ, mục đích ở một số cơ quan báo chí vẫn chưa khắc phục được.

Xu hướng "câu like", "câu view" dẫn đến thông tin lên mạng xã hội thiếu tính định hướng hoặc không phù hợp chủ trương, đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

Theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Thủ tướng phê duyệt tháng 4/2019, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ có một báo in và một tạp chí in.

Các bộ, ngành nếu tiếp nhận cơ quan báo thuộc tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, đến hết năm 2020 được có tối đa hai cơ quan báo; đến năm 2025 chỉ có một báo in và một tạp chí in.

Mỗi tỉnh, thành có một báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh.

Tổ chức chính trị - xã hội trung ương có một báo in và một tạp chí in. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có một báo in trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên.

Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có một báo in và một tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có một cơ quan tạp chí in.

Đến hết năm 2020, Trung ương Đoàn được có tối đa ba cơ quan báo in, đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch (còn một cơ quan).

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn