Giảm giá mạnh nhưng vẫn ế?
Theo ghi nhận của (PV) các mặt hàng như áo quần, thực phẩm, hàng gia dụng đến những thương hiệu thời trang cao cấp ở TP.HCM đều được các cửa hàng đồng loạt giảm giá khá thấp so với giá trị của nó nhưng sức mua vẫn yếu. Thậm chí, nhiều sản phẩm không có một khách hàng nhòm ngó tới, chủ tiệm đành phải “đắp chiếu” toàn bộ diện tích mặt hàng.
Cửa hàng, các trung tâm mua sắm nằm ở những vị trí khá thuận lợi như gần công sở, tòa nhà cao tầng nhưng mật độ khách hàng khá thưa thớt.
Chị Thảo một nhân viên cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Bà Hạt Q.10 dí dỏm kể: “Ngày cuối tuần thì nhộn nhịp, ngày trong tuần hầu như bọn em khá nhàn hạ. Khi được tuyển vào làm tại đây, nhiệm vụ của em là hướng dẫn cho khách hàng về công dụng, tính năng của sản phẩm nhưng lúc này bọn em lau bụi cho các mặt hàng nhiều hơn là giới thiệu sản phẩm. Dù tiệm chúng em trưng bảng giảm giá, nhiều chương trình hấp dẫn cho người mua hàng nhưng người bán vẫn đông hơn khách mua”.
Giảm giá đến 50% cho tất cả các sản phẩm, một cửa hàng áo quần nằm ngay đầu đường Nguyễn Trãi thu hút được khá đông khách. Dù phần lớn sản phẩm giảm giá kiểu dáng đẹp, sản phẩm đẹp thu hút nhiều khách hàng lựa chọn.
Chị Hoa, một khách hàng ở Q. 5 nhận định, chiếc đầm bầu tôi đang cầm trên tay giảm giá 50% còn 199.000 đồng. Mỗi đợt các thương hiệu thời trang giảm giá, tôi cũng canh để mua các món đồ mình thích. Nhưng thực sự mà nói, tôi cũng là dân kinh doanh nên cũng có chút ít kinh nghiệm trong nghề.
Đối với các mặc hàng về quần áo, giày dép…một số ít sản phẩm bị lỗi với những mặt hàng có mức giảm cao thì phần nhiều rơi vào hàng lỗi mốt, lỗi size nên khách hàng cũng có cho mình nhiều sự lựa chọn mua hàng giảm giá hay không.
Dạo quanh các trục đường ở TP.HCM người tiêu dùng choáng ngợp trước một rừng băng rôn, bảng hiệu giảm giá, khuyến mãi….được trưng bày trước các trung tâm mua sắm, cửa hàng từ cao cấp đến bình dân. Tuy treo biển quảng cáo, giảm giá rầm rộ từ 10 đến 70% nhưng hầu hết các cửa hàng vẫn vắng khách ra vào.
Xem nhiều hơn mua?
Một chủ cửa tiệm hàng Gas trên đường Bà Hom cho biết, thông thường tháng 7 và tháng 8 là khoảng thời gian mà các cửa hàng chịu cảnh vắng khách nhất trong năm nên phải giảm giá để kích sức mua.
Đã thành thông lệ, hàng năm các cửa hiệu, trung tâm ở TP. HCM đều qui ước tung ra đợt giảm giá. Song năm nay, quy mô giảm giá rầm rộ hơn và mức giá giảm cũng cao hơn. Tuy nhiên, nếu mức giảm cao nhất các năm trước chỉ 50% thì năm nay nhiều nhãn hàng giảm hơn 50% nhưng sức mua rất thấp.
Trên đường đi, chúng tôi vô tình nhìn thấy một cửa hàng bán giày trên tỉnh lộ 10, Q. Bình Tân chơi trội hơn với biển quảng cáo giảm giá sốc với câu khẩu hiệu “mua giày với giá 0 đồng”.
Bước vào bên trong thì thật bất ngờ khi không có một bóng dáng người mua hàng mà chỉ có hai nhân viên đang lau chùi những đôi giày đang bị bám bụi. Chị X. nhân viên cửa hàng ở đây cho biết, mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được 1-5 sản phẩm. Khách chủ yếu xem chứ ít mua.
Cũng theo chị X, từ đầu năm đến nay, chủ cửa hàng cũng tung ra nhiều chương trình giảm giá được thực hiện liên tiếp nhưng vẫn vắng. Phóng viên thắc mắc về tấm biển quảng cáo gây sốc phía trước cửa hiệu nhưng vẫn ế khách, chị X cười bảo: “Đây cũng là chiêu mà anh! Để vậy cho nó oách chứ thực chất là bên em có chương trình quay số may mắn giành cho người tiêu dùng".
Nếu mua sản phẩm, khách hàng sẽ có một phiếu bốc thăm trúng thưởng với giá trị tiền mặt tương đương số tiền bỏ ra mua sản phẩm. Khách hàng nào may mắn trúng giải thì xem như sản phẩm sẽ không tính tiền và ngược lại nếu không may mắn thì khách phải chi trả 80% giá trị của sản phẩm.
Theo như giá phổ biến một đôi giày tại cửa hàng này giá giao động từ 500.000 đến vài triệu đồng…chỉ thích hợp với loại khách hàng đại gia.
Theo lời của nhân viên X. thì giảm giá 20% nhưng mức còn lại khách hàng phải thanh toán cho sản phẩm ở đây vẫn còn khá cao so với túi tiền của họ. Xu thế hiện nay, người tiêu dùng bắt đầu ưa chuộng hàng xách tay từ nước ngoài với giá khá “rẻ” so với một số hàng trong nước. Nhiều khách hàng tầm trung, cũng không mấy mặn mà với việc chi tiền triệu để mua hàng giảm giá ở Việt Nam.
Anh Hồ Tấn Vũ, một khách hàng ở Q.Tân Bình bày tỏ, việc khuyến mại, giảm giá mạnh là có lợi cho người tiêu dùng. Thực chất mà nói, nhiều cửa hàng đã tự nâng giá cao rồi khuyến mại quá đà hoặc hàng khuyến mại giảm giá chủ yếu là hàng kém chất lượng, lỗi mốt dẫn tới người tiêu dùng nghi ngờ hàng khuyến mại.
Tâm lý người tiêu dùng nơi nào giảm giá khủng nghĩ đó là hàng kém chất lượng, hàng hết “đát”, hay chỉ là chiêu câu khách. Việc mất lòng tin này của khách hàng đang gây nhiều bất lợi cho người bán, nhất là những địa chỉ uy tín muốn giảm giá khuyến mại tri ân với khách hàng những mặt hàng chất lượng tốt.
Video: Bí mật cửa hàng giảm giá 50%
Bình luận