Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 1.200 chung cư, tỷ lệ nhà chung cư đang chiếm 8,4% nhà ở. Nếu tính riêng trong 5 năm trở lại đây thì tỷ lệ phát triển nhà chung cư tăng 24,6%.
Theo đánh giá, các quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư được xây dựng tương đối đầy đủ, nhưng thực tế lại có nhiều vấn đề phát sinh từ cháy nổ gây hậu quả nặng nề.
Cụ thể, năm 2017, thành phố xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2018, con số về các vụ cháy chung cư cũng không giảm bao nhiêu, điển hình phải kể đến vụ cháy chung cư Carina Plaza (Công ty Năm Bảy Bảy làm chủ đầu tư, Công ty Hùng Thanh quản lý) khiến 13 người chết, hàng chục người bị thương.
Nói về nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại các chung cư, Đại tá Huỳnh Ngọc Quang - Trưởng Phòng hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát PCCC TP.HCM) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cháy lớn chủ yếu vì chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC.
“Các quy định và chế tài vẫn chưa đầy đủ, hoặc quá yếu, không đủ răn đe chủ đầu tư. Như quy định nghiệm thu công trình xong mới được đưa dân vào ở nhưng chủ đầu tư bỏ qua, bởi vi phạm chỉ bị phạt hành chính vài chục triệu đồng. Cần luật hóa các quy định này để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư", Đại tá Quang nói.
Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, ngày 17/9, UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy chung cư, nhà cao tầng, công trình cao tầng, công trình đa năng; các văn bản không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; các văn bản có nội dung chồng chéo, chưa thống nhất, thiếu tính khả thi.
Bình luận