Hư hỏng gần 2 tháng, các khe co giãn nằm ở trụ Pier 7 và trụ neo trên cầu Phú Mỹ vẫn chưa được khắc phục. Tại đây, vị trí hư hỏng chỉ được chắn tạm bằng tấm thép dài khoảng 6m.
Ghi nhận của phóng viên chiều 10/9, hàng loạt xe container và xe tải nặng đi qua đây khiến tấm thép đặt tạm bị xô lệch, rung bật. Trong khi đó, một số ô tô con phải thắng gấp khi gần đến đoạn này để tránh vướng tấm thép.
Hai khe hư hỏng nằm cách nhau khoảng 100m (hướng từ Quận 7 đi Quận 2). Mỗi khe đều có thanh sắt bị gãy, hư hỏng khiến bụi đất rơi xuống mũ trụ cầu (bản đế đỡ dầm cầu).
Theo Trung tâm Quản lý đường bộ, cầu Phú Mỹ là công trình có kỹ thuật phức tạp. Khe co giãn là hạng mục quan trọng liên quan đến điều kiện làm việc và an toàn chịu lực của công trình.
Để đánh giá nguyên nhân hư hỏng, Trung tâm đề xuất cần phải có sự tham gia của chuyên gia hoặc tư vấn đủ năng lực.
Đầu tháng 9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã yêu cầu nhà đầu tư sửa chữa gấp khe co giãn cầu Phú Mỹ theo đúng hợp đồng BOT đã ký kết. Động thái trên của UBND TP được đưa ra sau khi Sở GTVT kiểm tra hiện trường, đánh giá sự cố để gấp rút xử lý nhằm đảm bảo an toàn.
UBND TP.HCM yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với Sở GTVT triển khai đầy đủ các biện pháp đảm bảo giao thông thuận tiện, an toàn. Mọi sự cố xảy ra, Công ty Phú Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất TP.HCM (6 làn xe) bắc qua sông Sài Gòn, nối Quận 2 và Quận 7, thuộc đường vành đai ngoài của TP.HCM. Cầu khởi công năm 2005, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, khánh thành vào dịp Quốc khánh năm 2009.
Khe co giãn là khoảng hở giữa 2 khối bê tông trên cầu hoặc một số công trình xây dựng. Khe này được thiết kế để hạn chế sự ảnh hưởng do chênh lệch nhiệt độ khiến khối bê tông co giãn, gây nứt mặt sàn cầu. Tùy vào công trình có các loại khe co giãn khác nhau như khe nhiệt hoặc lún,...
Bình luận