Ngày 1/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại TP.HCM.
Đề án do Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (TDSI) xây dựng, nhằm giải quyết bài toán khó khăn về giao thông đô thị tại TP.HCM.
Theo đề án, lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn với tổng kinh phí dự kiến dành để ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng ở mức khoảng 52.000 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2019 – 2020) là 9.783 tỷ đồng, giai đoạn 2 từ 2021 – 2025 là 18.896 tỷ đồng và giai đoạn 3 từ 2026 – 2030 là 23.810 tỷ đồng.
Ngoài ra, kết quả khảo sát hành khách với quy mô khoảng 35.000 phiếu tại 24 quận, huyện và các đầu mối giao thông do Sở GTVT và TDSI thực hiện cho thấy, có 62,56% ý kiến đồng ý cần phải hạn chế ô tô, xe máy. Trong đó, 40,77% đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Được biết, hiện vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng được khoảng 8% so với nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, thành phố có khoảng 520.000 ô tô (trong đó khoảng 300.000 ô tô con) và khoảng 8 triệu xe máy (chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông); hơn 90% người dân sử dụng phương tiện xe gắn máy để đi lại.
Đề án này cũng đặt ra yêu cầu đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn thành phố phải đạt từ 29,3% - 36,8% để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cũng cho rằng, bên cạnh những giải pháp mang tính kinh tế và hành chính, việc quy hoạch không gian đô thị và phân bổ lại dân cư, kéo dãn dân ra bên ngoài trung tâm cũng hết sức quan trọng.
Theo ông Hòa, thành phố cần ra tạo ra ít nhất 1 đến 2 Khu đô thị vệ tinh. Vì hiện nay thành phố chỉ có một khu trung tâm 930ha nên người dân tập trung vào đây đi làm, đi học gây ùn tắc giao thông.
Bình luận