Ngày 26/12, Sở GTVT TP.HCM cho biết, năm 2017 đơn vị sẽ thực hiện nhiều biện pháp phân luồng, tổ chức giao thông ở nhiều tuyến đường, trong đó có điều chỉnh theo giờ, cấm xe theo ngày chẵn, lẻ để giải quyết ùn tắc.
Liên quan đến vấn đề này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Ths. Vũ Anh Tuấn (Giảng viên ĐH GTVT Hà Nội), và TS. Phạm Sanh (Chuyên gia về hạ tầng giao thông TP.HCM).
Chỉ nên áp dụng cho một số tuyến đường nhất định
Ths. Vũ Anh Tuấn (Giảng viên ĐH GTVT Hà Nội)
- Việc cấm xe theo ngày chẵn, lẻ đã rất nhiều lần được đưa ra như một giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông, một vấn đề nan giải đang làm đau đầu các nhà chức trách ở TP.HCM, nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở bàn bạc. Ông nghĩ sao về tính khả thi trong việc đưa ra giải pháp lần này?
Cấm xe theo ngày chẵn, lẻ là một trong những giải pháp về quản lý đỗ xe đang được nhiều thành phố lớn ở một số quốc gia áp dụng thành công.
Giải pháp này nhằm hạn chế việc đi lại bằng phương tiện cá nhân vào những khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông, phần nào sẽ giải quyết tình trạng kẹt xe nghiêm trọng như hiện nay ở TP.HCM.
Vì vậy, tôi nghĩ, Sở GTVT TP.HCM nên sớm triển khai. Tuy nhiên, mô hình có khả thi hay không còn tùy thuộc vào giải pháp và khả năng quản lý của các cơ quan lãnh đạo.
- Cấm xe theo ngày chẵn, lẻ đã được áp dụng thành công ở một số quốc gia. Việc này có phù hợp nếu áp dụng ở TP.HCM?
Theo tôi được biết, một số thành phố ở Indonesia, một số tuyến đường ở Singapore và ngay nội thành Hà Nội…đã áp dụng thành công phương pháp này nhưng chỉ trên một số tuyến đường nhất định.
Trước khi áp dụng, TP.HCM cần nghiên cứu đánh giá rõ ràng cho riêng từng tuyến đường bởi vì ngay cả trong một thành phố, mỗi tuyến đường đều có sự khác biệt nên không thể áp dụng chung đại trà.
- Để việc cấm xe ngày chẵn ngày lẻ phát huy hiệu quả, TP.HCM cần thực hiện thế nào?
Trước tiên, lãnh đạo TP.HCM cần có đánh giá cụ thể về hoạt động giao thông trên các tuyến đường bao gồm: đánh giá tình trạng ùn tắc giao thông, đánh giá năng lực của cơ sở thực hiện, đánh giá khả năng triển khai giải pháp…
Hiện nay, các công cụ mô phỏng giao thông rất nhiều và độ chính xác cao, chúng ta nên sử dụng chúng để biết được những phương án thực tế sẽ diễn ra như thế nào trên mô hình mô phỏng trước khi áp dụng vào tình hình giao thông thực tế.
- Ngoài giải pháp cấm xe theo ngày chẵn, lẻ, TP.HCM cần làm gì để giải quyết dứt điểm và triệt để tình trạng kẹt xe ngày càng trở nên nghiêm trọng?
Muốn mô hình cấm xe ngày chẵn, lẻ thành công cần các giải pháp thực tế hơn và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao hơn và có nhiều nghiên cứu khả thi hơn.
TS. Phạm Sanh
Cấm xe ngày chẵn ngày lẻ chỉ là giải pháp giúp điều tiết lại giao thông. Để giảm áp lực giao thông cũng như giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, Sở GTVT nên xem xét nghiên cứu và triển khai các biện pháp quản lý đỗ xe toàn diện bởi một phần nguyên nhân gây ách tắc là do thiếu nơi đậu đỗ xe... Bên cạnh đó, cần có giải pháp toàn diện quy hoạch giao thông toàn thành phố.
Cần mô phỏng số liệu cụ thể
Ts. Phạm Sanh (Chuyên gia về hạ tầng giao thông TP.HCM)
- Theo ông, cấm xe theo ngày chẵn lẻ có thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi trong việc giảm ùn tắc giao thông ở TP.HCM hay cũng chỉ "đem con bỏ chợ" và rơi vào quê lãng như một số đề án trước đó?
Cấm xe theo ngày chẵn, lẻ là một giải pháp hợp lý để giảm thiểu ùn tắc giao thông hiện nay. Tuy nhiên, để nhận định giải pháp này có hiệu quả hay không cần phải có tính toán, có mô phỏng số liệu cụ thể mới có thể khẳng định được.
Bản chất ngành GTVT đã là một chuyên ngành khoa học cho nên tất cả các giải pháp đưa ra phải có tính chuyên nghiệp. Nếu chỉ dựa trên cách làm quy hoạch bao cấp đơn giản lỗi thời mang tính đúng trình tự thủ tục thì sẽ khó thành công.
Trước khi triển khai biện pháp này, cơ quan chức năng cần phải có các dữ liệu giao thông làm cơ sở cho tổ chức giao thông và dự báo mô hình mô phỏng để áp dụng mô hình hợp lý nhất ở những nơi ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhất. Ngoài ra, việc thực hiện cần phải có sự thống nhất giữa thông tin, chuyên gia, chỉ đạo.
- Một số biện pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông đã phát huy hiệu quả ở các nước khác nhưng khi áp dụng tại Việt Nam lại không thành công như mong đợi, nguyên nhân vì sao?
Điều kiện phát sinh và nguyên nhân nghẹt xe ở Việt Nam không đồng dạng với các thành phố trên thế giới, ngay cả các thành phố Đông Nam Á. Từ cơ sở hạ tầng, đến nguồn lực phát triển, quy hoạch dự báo, ý thức văn hóa, năng lực quản lý giao thông…, vẫn còn nhiều khác biệt.
Vì vậy, muốn mô hình cấm xe ngày chẵn, lẻ thành công cần các giải pháp thực tế hơn và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao hơn và có nhiều nghiên cứu khả thi hơn.
- Ông có đề xuất gì để giải quyết vấn đề này?
Theo tôi, giải pháp ngắn hạn là phải tận dụng hết khả năng mạng lưới giao thông hiện có và cải thiện tình hình tổ chức giao thông. Kiên quyết không cho phép đào và tái lập mặt đường nữa; Áp dụng từng phần hệ thống giao thông thông minh, ví dụ như tín hiệu giao thông.
Nghiên cứu cải tạo nâng cấp các nút giao, mở rộng các đoạn thắt cổ chai. Chấn chỉnh hoạt động của thanh tra giao thông và CSGT, tăng cường tuần tra xử phạt và sử dụng hệ thống camera.
Dẹp loạn xe dù bến cóc, taxi đổ đậu xe bừa bãi, xe tải xe bồn xe rác chạy cả ngày đầy đường. Lắp thêm hệ thống biển báo, đặc biệt là các biển báo ngăn chặn tình trạng đậu xe bừa bãi…
Về lâu dài, các giải phải cần dựa trên các kết quả nghiên cứu chuyên nghiệp. Ví dụ điều chỉnh lại các đồ án quy hoạch giao thông của TP.HCM, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị theo hướng tích hợp với quy hoạch GTVT, nghiên cứu bổ sung các quy chuẩn liên quan đến giao thông đô thị, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, sổ tay giao thông hàng năm…
Video: Lô cốt trùng điệp, người Sài Gòn cứ ra đường là kẹt xe
Bình luận