Theo Sở Y tế TP.HCM, ca mắc COVID-19 (F0) mới được cách ly tại nhà là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 29/12/2021 và đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Dỡ bỏ cách ly khi đủ 10 ngày và có kết quả âm tính
Theo hướng dẫn, F0 sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi đã đủ 10 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19.
Các đơn vị lập danh sách xác nhận F0 khỏi bệnh và giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. Đồng thời cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động theo hướng dẫn của Sở Y tế tại công văn số 9000 ngày 2/12/2021.
Đối tượng cách ly tại nhà
F0 được cách ly tại nhà là bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có dấu hiệu suy hô hấp SpO2 ≥ 97% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút) và trong độ tuổi từ 3 tháng - 64 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì, đã tiêm đủ liều vaccine (độ tuổi cách ly tại nhà trong hướng dẫn trước đó là từ 1 - 50 tuổi).
Nếu không thỏa điều kiện trên, cũng có thể xem xét cách ly tại nhà nếu người bệnh có bệnh nền ổn định, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, bảo đảm tiêm đủ liều vaccine hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên và F0 có nguyện vọng cách ly tại nhà.
Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.
Nếu F0 hội đủ 2 tiêu chí trên, nhưng hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, khuyến khích F0 cách ly nơi khác (không có người thuộc nhóm nguy cơ hoặc cách ly tập trung) để giảm nguy cơ lây lan.
Việc xem xét cho người F0 thuộc nhóm nguy cơ cách ly, theo dõi tại nhà hay tại cơ sở điều trị có thể được xem xét dựa trên cơ sở: tình trạng, mức độ bệnh; điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; sự hỗ trợ của cán bộ y tế; nguyện vọng của F0 hay gia đình.
Công nhận kết quả test nhanh dương tính, có giám sát từ xa
Sở Y tế đề nghị trạm y tế phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn. Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác định là F0, trạm y tế, trạm y tế lưu động xét nghiệm cho người bệnh bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.
Nhân viên y tế trực tiếp thực hiện xét nghiệm hoặc yêu cầu người bệnh thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, trạm y tế hướng dẫn những điều F0 cần tuân thủ, tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà. Bên cạnh các vật dụng cần thiết (nhiệt kế, máy đo SpO2...), người bệnh cần chuẩn bị thuốc điều trị COVID-19 được cấp phát và thuốc đang điều trị bệnh nền, đủ sử dụng 1 tháng.
F0 khi cách ly tại nhà phải khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "Y tế HCM" hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe.
Bổ sung Favipiravir vào toa thuốc
Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định (cấp ngay gói thuốc A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói thuốc A, C nếu F0 có triệu chứng nhẹ).
Đối với F0 thuộc nhóm nguy cơ, ưu tiên cấp ngay gói thuốc C khi có kết quả xét nghiệm dương tính, hướng dẫn người bệnh uống ngay thuốc kháng virus trước khi xem xét cho người bệnh cách ly tại nhà hay cơ sở điều trị.
Trong trường hợp người bệnh được chuyển đến cơ sở diều trị, hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc kháng virus đã được cấp phát, ghi rõ thông tin sử dụng thuốc vào phiếu chuyển viện hoặc thông báo cho cơ sở tiếp nhận biết để tiếp tục theo dõi.
Việc cấp phát thuốc điều trị COVID-19 có thể cấp tại nhà hoặc người nhà F0 liên hệ trạm y tế, trạm y tế lưu động để nhận thuốc.
Các thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cũng gồm 3 gói A, B và C. Trong đó, các thuốc chống đông dạng uống (Rivaroxaban, Apixaban, Dabigatran) và thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir) đã được đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế.
Khi F0 cảm thấy khó thở phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói thuốc B) trước khi chuyển viện.
Bình luận