Hôm nay bà Nguyễn Thị Lệ (ngụ phường 11, quận 3) vào siêu thị BigC Miền Đông, quận 10 để mua sắm như thường lệ. Bên trong xe đẩy của bà Lệ chủ yếu là những loại thực phẩm thiết yếu như thịt heo, trứng gà, mì gói, phở gói, sữa chua, bánh gạo và trái cây.
Bà Lệ cho biết, bà bán hủ tiếu ở gần nhà. Kể từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách đến quán giảm khoảng 30% so với trước mà theo bà phán đoán là vì người dân hạn chế ăn uống bên ngoài.
Hạn chế "vung tay"
Trước đây, mỗi ngày bà bán cỡ 300 tô hủ tiếu thì nay chỉ còn khoảng 200 tô/ngày. Việc này khiến thu nhập của bà giảm mạnh. Bà chỉ dám mua những loại thực phẩm thiết yếu khi đi siêu thị.
“Trước đây, ngoài thịt, cá, rau củ, tôi thường mua thêm quần áo cho mình, mua giày dép cho con hay mua đồ chơi cho các cháu. Tuy nhiên, thu nhập giảm khiến tôi phải cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định mua một món hàng nào đó”, bà Lệ nói.
Cũng như bà Lệ, chị Phương (ngụ phường Phú Thuận, quận 7) đến siêu thị Square Mart trên đường Gò Ô Môi ở gần nhà để mua thịt, rau xanh và một số sản phẩm hóa mỹ phẩm. Chị Phương nói, thu nhập giảm trong khi giá cả nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao khiến chị không thể “vung tay” mua sắm như trước. Gia đình chị nay chỉ mua những sản phẩm thiết yếu.
“Trước đây, mỗi tháng tôi mua sắm tại siêu thị khoảng 6 triệu đồng thì nay tôi chỉ mua khoảng 4 – 4,5 triệu đồng/tháng”, chị Phương cho hay.
Việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đã tác động ngay đến doanh số của các đơn vị bán lẻ. Năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19), đa số các hệ thống siêu thị lớn đều có sức mua tăng trưởng ở 2 con số, chủ yếu quanh mức 20% thì nay đã giảm một nửa.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Tập đoàn Central Retail (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC và GO!) cho rằng, người tiêu dùng đang “thắt lưng, buộc bụng” khi mua sắm tại các hệ thống siêu thị của doanh nghiệp. Đơn vị này không đưa ra bất cứ đánh giá nào cho quý 2/2023 dù tăng trưởng về sức mua trong quý 1 đạt khoảng 10%. Central Retail vẫn chưa cảm thấy an toàn vì thị trường đang “chững lại”.
“Hiện nay, người dân đến siêu thị chủ yếu mua các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Đối với các mặt hàng khác, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu rất mạnh”, bà Hiền nói.
Theo bà Đỗ Thị Dậu, Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (Satra), tăng trưởng sức mua của đơn vị này trong quý 1/2023 là 7,2%, chủ yếu là nhờ có dịp Tết nguyên đán. Người tiêu dùng đang mua sắm khá "dè dặt".
Đồng quan điểm với đại diện các siêu thị, ông Nguyễn Đức Toàn, giám đốc thu mua của hệ thống siêu thị MM Mega Market cho rằng, khách hàng đang hạn chế chi tiêu hơn, chủ yếu chỉ mua sắm sản phẩm thiết yếu. Điều này cũng khiến các siêu thị phải tìm giải pháp để kích cầu tiêu dùng, gia tăng sức mua.
Nghìn kế "câu khách"
Bà Đỗ Thị Dậu, đại diện hệ thống bán lẻ Satra cho biết, trước tình hình khó khăn chung, hệ thống siêu thị này đã tham gia nhiều chương trình kích cầu. Điển hình như giảm giá 20 – 25% các mặt hàng bình ổn như thịt heo, thịt gà... Đối với các sản phẩm không phải mặt hàng bình ổn giá thì mức giảm có thể lên đến 40%.
Chương trình giảm giá sẽ kéo dài trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2023. Ngoài ra, siêu thị cũng bán một số sản phẩm không lợi nhuận để chia sẻ với người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Tập đoàn Central Retail cho hay, doanh nghiệp đang cố gắng giữ bình ổn giá với một số mặt hàng như cam kết với Sở Công Thương TP.HCM, chủ động xây dựng các chương trình như tuần hàng đặc sản, lễ hội trái cây, chương trình “giá luôn rẻ” để kích cầu mua sắm.
Theo ông Hoàng Hải, Phó phòng kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nhiều mặt hàng tại siêu thị này đang giảm giá 5-10% so với thị trường nhằm thu hút người tiêu dùng.
Để kích cầu mua sắm, Saigon Co.op cũng gia tăng các chương trình khuyến mãi với hàng ngàn sản phẩm giảm giá. Siêu thị và các nhà cung cấp cũng đưa ra những cam kết qua lại để thúc đẩy tiêu dùng. Đơn vị này cũng sẽ triển khai các tuần lễ mua sắm tại 42 tỉnh, thành phố.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thu mua của MM Mega Market, hệ thống siêu thị này đã đưa ra 2 chương trình lớn để kích cầu mua sắm, chi tiêu của người dân. Cụ thể là chương trình “giá sỉ” (giá như chợ đầu mối) áp dụng cho các sản phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau củ… và chương trình “khóa giá" (không thay đổi giá).
“37 nhà sản xuất đã đồng hành cùng chúng tôi không tăng giá khoảng 500 nhu yếu phẩm, thực phẩm chế biến, ngũ cốc, nước giải khát... Chúng tôi cam kết không tăng giá đến hết quý 2/2023 để đồng hành cùng chính quyền TP.HCM, giảm áp lực tăng giá, giảm áp lực lạm phát, hỗ trợ nhiều hơn cho người dân. Đây không chỉ là vấn đề về kinh doanh mà còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, ông Toàn nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, hiện đang có những thông tin khiến doanh nghiệp lo lắng. Tuy nhiên, cần phải bình tĩnh để tìm hướng đi phù hợp.
Thời gian qua, Sở Công Thương đang cố gắng thực hiện nhiều hoạt động hội thảo, hội nghị, liên kết cho các doanh nghiệp. Việc tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong giai đoạn này.
“Sở Công Thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tìm nguồn cung nguyên liệu ổn định cũng như kết nối các ngân hàng gặp gỡ, thương thảo với doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn lao động”, ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, mọi năm, TP.HCM có mức tăng trưởng bán buôn, bán lẻ đạt 2 con số, tuy nhiên trong quý 1/2023 chỉ đạt 9,1%. Tuy nhiên, theo ông Vũ, dù không bằng những năm trước đây vẫn là tín hiệu tốt.
Bình luận