Tại buổi họp báo chiều 21/10, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Văn bản 4800 của Bộ Y tế, khi phát hiện ca F0 trong cộng đồng, quy trình xử lý của thành phố sẽ có nhiều thay đổi so với trước đây.
Cụ thể, nếu trước đây, khi phát hiện ca F0, ngành y tế phải xử lý triệt để theo tinh thần “Zero COVID-19”, nghĩa là cách ly tập trung người liên quan, người tiếp xúc gần (F1, F2), khu vực có F0 phải được phong tỏa.
Hiện nay, theo tinh thần Nghị quyết 128, sống an toàn và linh hoạt trong điều kiện có dịch, khi hộ gia đình có F0, cơ quan y tế, địa phương sẽ đến khám sàng lọc, đánh giá tình trạng F0. Nếu đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ để F0 cách ly tại nhà. Nếu có triệu chứng nặng hoặc nồng độ oxy trong máu SpO2 dưới 96%, ca mắc COVID-19 sẽ được đưa đến trạm y tế xét nghiệm khẳng định rồi đưa đi điều trị. F1 sẽ được theo dõi sức khỏe và xét nghiệm định kỳ, cách ly tại gia đình.
“Nếu có 2 ca F0 trở lên ở 1 khu vực gọi là ổ dịch cộng đồng. Tổ dân phố, khu phố khi có một hộ gia đình có ca mắc COVID-19 thì các hộ còn lại chỉ hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài, không rào chắn, không phong tỏa như trước đây”, ông Hưng nói.
Đối với doanh nghiệp, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại nhà máy, xí nghiệp cũng được xây dựng nhằm đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19.
Cách xử lý sẽ khác trước đây, do hầu hết công nhân, người lao động tại các nhà máy đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Cụ thể, F0 sẽ được đưa đến các khu vực cách ly tách biệt trong khu phân xưởng của nhà máy, xí nghiệp nhằm giảm tải cho các khu cách ly ở quận, huyện theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế.
Ông Hưng cho biết thêm, thời gian tới, khi thu hẹp các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố sẽ thành lập khoa COVID-19. Đồng thời, quận, huyện thành lập ít nhất một bệnh viện dã chiến nhằm điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Bình luận