• Zalo

Vì sao TP.HCM giãn cách kéo dài nhưng số ca COVID-19 vẫn tăng?

Tin tứcChủ Nhật, 19/09/2021 08:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tính đến hết 17/9, TP.HCM ghi nhận 326.795 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trung bình mỗi ngày dao động từ 4.000 - 6.000 ca mắc mới.

Theo Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, ngày 23/8, thành phố bắt đầu tăng cường giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 và Công diện 1099 của Thủ tướng, số người mắc mới là 4.251 ca. 

Ca mắc mới vẫn tăng

Từ 23/8 đến 3/9, biểu đồ số ca mắc mới tại thành phố đi lên, số ca bệnh mỗi ngày liên tục ở mức cao, dao động từ 4.000 - 6.000 ca/ngày. Cá biệt, ngày 3/9, ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục lên tới 8.510 ca.

Từ 4/9 -16/9, số ca mắc mới mỗi ngày giảm so với 3/9 nhưng biểu đồ đi theo hình sin, không giảm hay tăng đột biến và luôn ở mức cao, dao động từ 5.000 - 7.500 ca/ngày. Những thống kê và số liệu này cho thấy, số ca COVID-19 tại TP.HCM vẫn tăng dù cho thành phố tiếp tục áp dụng giãn cách. 

Vì sao TP.HCM giãn cách kéo dài nhưng số ca COVID-19 vẫn tăng? - 1

Biểu đồ số ca COVID-19 ở TP.HCM từ 1/9 - 16/9. (Biểu đồ: Hà Cường)

Lý giải điều này, tại họp báo ngày 16/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, sở dĩ TP.HCM giãn cách trong thời gian dài nhưng số ca nhiễm vẫn tăng là do thành phố áp dụng xét nghiệm thần tốc, tầm soát COVID-19 diện rộng.

“Nhiều vùng nguy cơ cao, thành phố đã xét nghiệm tới 7 - 8 vòng, vùng xanh cũng xét nghiệm hầu hết tới 3 vòng, có nơi làm tới 4 vòng xét nghiệm. Việc xét nghiệm tầm soát diện rộng khiến số ca mắc mới tiếp tục tăng. Nhưng số ca mới hiện chỉ dao động trong khoảng 4.000 - 6.000 ca mỗi ngày”, ông Nam cho biết.  

Tuy nhiên, theo ông Nam, tuy số ca mắc mới cao nhưng tỉ lệ dương tính trong cộng đồng hiện đã giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1 xét nghiệm từ 23/8 đến 27/8, tỷ lệ dương tính tại vùng đỏ và vùng cam là 3,6%. Nhưng đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%.

Tỷ lệ giảm rất đáng kể nhưng số ca dương tính cộng đồng vẫn còn. Thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, làm đi làm lại tối thiểu 2 - 3 lần xét nghiệm nhằm tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng”, ông Nam nói.

Vì sao TP.HCM giãn cách kéo dài nhưng số ca COVID-19 vẫn tăng? - 2

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. 

Ca tử vong giảm nhưng không lạc quan

Trong khi số ca mắc mới vẫn ở mức cao thì số ca tử vong tại TP.HCM những ngày qua giảm mạnh. Cụ thể khi thành phố tăng cường giãn cách xã hội (23/8), số ca tử vong/ngày là 340. Nhưng từ 1/9 - 10/9, số người tử vong mỗi ngày dưới 300.

Từ 10/9 - 16/9, người tử vong vì COVID-19 chỉ dao động từ 160-200 ca/ngày. Ngày 16/9, số ca tử vong thấp nhất (160 ca) từ khi thành phố tăng cường giãn cách theo tinh thần Nghị quyết 86. 

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng, số ca tử vong giảm là do thành phố đã tăng năng lực điều trị, số ca chuyển nặng giảm nên kéo theo số ca tử vong giảm xuống. 

"So với năng lực của ngành y tế thành phố, tình hình điều trị có chuyển hướng tốt. Số bệnh nhân/số giường khoảng 69,8%. Cụ thể, thành phố có 59.150 giường, trong đó, số bệnh nhân được điều trị tại đây là 41.297. Ở tầng 2 tỷ lệ là 69,2% và tầng 3 là 77,5%", ông Hưng cho biết tại họp báo ngày 17/9. 

Vì sao TP.HCM giãn cách kéo dài nhưng số ca COVID-19 vẫn tăng? - 3

Số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM từ 1/9 - 16/9. (Ảnh: Hà Cường).

Tuy nhiên, theo ông Hưng, tỷ lệ sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị nặng còn khá cao. Do đó, ông đánh giá số tử vong có giảm nhưng không quá lạc quan.

Ông Hưng cho biết, theo thống kê mới nhất, tỷ lệ sử dụng biện pháp can thiệp trong điều trị ca nặng, đặc biệt tầng 3 cho thấy ngành y tế đã sử dụng đến 69,1% số máy xâm lấn và 65,5% số máy thở không xâm lấn. Các bệnh viện đã sử dụng 76,7% số máy ECMO; 69,7% lọc máu, 68,7% máy thở xâm lấn, 56,2% số máy thở không xâm lấn và 62,2% thở oxy.

Về tỷ lệ tử vong đến thời điểm này, ở tầng 2 và 3 tính chung khoảng 5,9% (12.764/215.068 bệnh nhân). Trong đó tỷ lệ tử vong ở tầng 2 là 4,5% và tầng 3 là 33,4%.

Hy vọng vào vaccine

Thông tin tại họp báo ngày 17/9, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến hết 16/9, thành phố đã triển khai tiêm 8.563.254 mũi vaccine. Trong đó, 6.692.795 mũi 1, đạt 92,5% và 1.870.459 mũi 2, đạt 24,8% dân số từ 18 tuổi trở lên. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 992.614 người.

Vì sao TP.HCM giãn cách kéo dài nhưng số ca COVID-19 vẫn tăng? - 4

Tiến độ tiêm vaccine của TP.HCM từ 1/9 -16/9. (Đồ hoạ: Hà Cường)

Tốc độ tiêm vaccine của thành phố liên tục tăng, những ngày gần đây luôn dao động từ 160.000 - 200.000 mũi/ngày. TP.HCM đang thực hiện chiến lược cao điểm tiêm vaccine, mục tiêu đến 30/9 phủ vaccine mũi 1 cho 100% người từ 18 tuổi trở lên. Hiện mục tiêu này đã đạt 92,5 %, chính là điều kiện để thành phố nới lỏng một số hoạt động và tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng. 

Theo ông Hưng, từ nay đến 30/9, TP.HCM cần 2,2 triệu liều vaccine để tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân. Số vaccine hiện có của thành phố là 410.820 liều vaccine các loại, gồm Astra Zeneca, Pfizer và VeroCell.

“Với số vaccine đang còn, thành phố cần thêm hơn 1,8 triệu liều vaccine nữa. Sở Y tế đã báo cáo thành phố và đề xuất với Bộ Y tế, Trung ương phân bổ. Có vaccine tới đâu thành phố sẽ tiêm tới đó”, ông Hưng nói.

TP.HCM tiếp tục triển khai xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ nay đến hết ngày 30/9. Tại vùng đỏ, vùng cam sẽ thực hiện lấy mẫu toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình bằng phương pháp test nhanh mẫu gộp hoặc RT-PCR mẫu gộp.

Tại vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanhh sẽ xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng, tần suất lặp lại 5 - 7 ngày/lần.

Với chiến dịch tiêm vaccine cao điểm cộng thêm xét nghiệm tầm soát có trọng điểm, hy vọng đến 30/9, TP.HCM sẽ cơ bản kiểm soát được dịch như lãnh đạo thành phố đề ra. 

MAI CÁT
Bình luận
vtcnews.vn