Trung tâm thương mại dưới lòng đất dự kiến có diện tích gần 45.000 m2. Trong đó, 18.000m2 dành cho cửa hàng và khu thương mại, 21.000m2 dành cho hành lang và quảng trường.
Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP HCM cho biết thành phố sẽ xây dựng khu thương mại ngầm dưới nhà ga Trung tâm Bến Thành nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ.
"Chúng tôi đã hoàn tất các hồ sơ và đề cương xây dựng khu thương mại dưới lòng đất để trình Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt. Nếu dự án được chấp thuận, cuối 2016 đầu 2017 dự án có thể đi vào xây dựng để hoàn thành đồng bộ với tuyến metro số một", ông Huỳnh nói.
Ông cũng cho biết, dự án có vốn đầu tư trên 6.300 tỷ đồng (khoảng 300 triệu USD), tham khảo kinh nghiệm của Singapore, Hong Kong, Anh... Hiện, có khoảng 3-4 nhà đầu tư đăng ký tham gia, trong đó có Công ty Tonshin Development (Nhật Bản) đề xuất cùng nghiên cứu và phát triển dự án. Nhà đầu tư này còn mong muốn hợp tác theo hình thức công tư (PPP) để huy động nhanh vốn. Trong đó, tỷ lệ đóng góp giữa hai đối tác công - tư ứng với cơ cấu góp vốn lần lượt là 67% và 33%. Phía Nhật Bản nhận định chi phí xây dựng phải trả trong vòng 10 năm và họ cũng sẽ xem xét hỗ trợ một phần vốn ODA cho dự án này.
Phố mua sắm ngầm sẽ dành hơn 18.000m2 cho cửa hàng và trung tâm thương mại. Ảnh minh họa. |
'Chúng tôi vẫn quyết định lựa chọn nhà đầu tư chính thức, vẫn mong đợi có thêm nhiều sự tham gia của nhà đầu tư trong nước. Một khi dự án được thông qua chúng tôi sẽ đấu thầu để chọn đối tác", ông Huỳnh chia sẻ thêm.
Trung tâm thương mại dưới lòng đất dự kiến có diện tích gần 45.000 m2. Trong đó, 18.000m2 dành cho cửa hàng và khu thương mại; 21.000m2 dành cho hành lang và quảng trường. Trung tâm dài 700m rộng 60m nằm cách mặt đất 3m.
Phố mua sắm sẽ nối với các tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (Q.12), tuyến metro số 3a Bến Thành - bến xe Miền Tây (Bình Tân)... Bên cạnh đó, các trung tâm thương mại lớn vây quanh khu vực trên cũng sẽ được kết nối với con phố này.
"Chúng tôi hy vọng khi con phố mua sắm này hoàn thành không chỉ đóng góp ngân sách lớn cho thành phố mà còn tạo ra nhiều hình thức đầu tư kinh doanh tại đây. Mặt khác, người dân sẽ thuận tiện hơn trong giao thông và mua sắm. Hứa hẹn đay sẽ là phố mua sắm ngầm mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á", ông Huỳnh chia sẻ.
Đại diện Công ty Savills cho hay, việc xây dựng trung tâm thương mại trong lòng đất gắn liền với nhà ga metro ở trung tâm TP HCM sẽ tạo điều kiện hấp dẫn hành khách đi metro và mua sắm. Tại các đô thị lớn ở các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản..., hầu như mỗi ga tàu điện ngầm đều có những trung tâm mua sắm dưới lòng đất, thậm chí như ở Seoul các trung tâm mua sắm ở tầng hầm còn hoạt động ngày đêm, trở thành một nét văn hoá du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch và là điểm hẹn lý tưởng của giới trẻ địa phương.
"Tuy nhiên, trước khi nói tới những lợi ích mang lại cho người dân cũng như chủ đầu tư, theo chúng tôi, cần nghiên cứu phát triển mô hình và phân khu hợp lý. Đồng thời, cần có thêm sự tư vấn của các chuyên gia bán lẻ để có cái nhìn toàn diện hơn và sát với thực tế", đại diện Savill nói.
Theo Savill, trong bán kính rất gần xung quanh dự án trung tâm thương mại ngầm này có vô số các trung tâm thương mại quy mô lớn khác như Vincom, Saigon Centre... Vì vậy, việc quan trọng là phải lựa chọn phân khúc phù hợp, tạo tiền đề để hấp dẫn các thương hiệu tham gia vào trung tâm này, từ đó mới có hiệu quả kinh tế cao.
Trong buổi tiếp xúc với công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai đầu tháng 3, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu tín cho biết sẽ quyết tâm xây dựng Tổ hợp nhà ga và trung tâm thương mại khu vực Bến Thành theo phương thức phù hợp nhất để hai bên cùng có lợi và sẽ nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề liên quan đến phương thức đầu tư và nguồn vốn vay ODA cho dự án.
Trước dự án phố mua sắm ngầm dưới nhà ga metro ở TP HCM, Tập đoàn Vingroup cũng đã xây dựng một trung tâm thương mại ngầm Vincom Mega Mall ở Hà Nội với diện tích 200.000 m2. Đây là nơi mua sắm thu hút hơn 200 thương hiệu trong các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, điện máy, gia dụng… cùng hàng loạt các thương hiệu ẩm thực lớn trong nước và thế giới.
Nguồn: Thi Hà (VNE)
Bình luận