• Zalo

TP.HCM cần thêm cơ sở vật chất cho giáo dục ở những địa bàn tăng dân số cơ học

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 19/08/2022 15:52:17 +07:00Google News
(VTC News) -

Với việc gia tăng dân số cơ học ở một số quận, huyện, TP.HCM cần có chính sách đầu tư cho giáo dục để đảm bảo học sinh được đến trường.

Tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2022 - 2023 trên địa bàn TP.HCM do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 19/8, nhiều đại biểu cho rằng, với việc gia tăng dân số cơ học ở một số quận huyện, cần có chính sách đầu tư cho giáo dục để đảm bảo học sinh được đến trường.

Hiện nay, theo khảo sát của MTTQ, tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, tình hình tăng dân số cơ học dẫn đến điều kiện cho trẻ em đến trường, nhất là được học 2 buổi/ngày đang gặp khó khăn. Ngoài ra còn có các vấn đề khác như nhà vệ sinh trường học chưa tốt, lực lượng giáo viên, đặc biệt cho chương trình mới vẫn chưa đảm bảo…

TP.HCM cần thêm cơ sở vật chất cho giáo dục ở những địa bàn tăng dân số cơ học - 1

Học sinh lớp 10 nhận sách giáo khoa để chuẩn bị cho năm học mới.

Quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 là những địa phương  gia tăng dân số cơ học nhanh, cơ sở vật chất không đủ đảm bảo nhu cầu của học sinh, tỷ lệ học sinh tiểu học tham gia học 2 buổi/ngày thấp.

Ông Đoàn Văn Lý, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM quận 12 mong muốn quận được đầu tư thêm trang thiết bị và cả trường lớp để có thể đảm bảo việc học của các em.

"Sĩ số hiện nay với những trường có áp lực dân số tăng, số em học sinh cũng quá lớn, thời lượng học 2 buổi/ngày theo chỉ tiêu ngành giáo dục chưa đảm bảo, chúng tôi rất mong muốn có sự quan tâm đầu tư thêm cho những quận có áp lực dân số tăng trong thời gian sắp tới", ông Lý nói.

Ngoài vấn đề về cơ sở vật chất đảm bảo sĩ số cho học sinh, năm học 2022 - 2023 cũng cần quan tâm đến chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có sách giáo khoa lớp 3, 7 và lớp 10. Ông Lê Hoàng Lộc, Tổ trưởng Tổ giáo dục, Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho rằng, năm học 2022 - 2023 có thuận lợi hơn năm học trước do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tuy vậy vấn đề trang thiết bị trong năm học này vẫn là điều đáng quan tâm.

"Thành phố cần đặc biệt quan tâm, thúc đẩy gói trang thiết bị tối thiểu. Hiện nay ở hầu hết các trường, các cấp học, bậc học đang gặp khó khăn", ông Lộc nói.

Ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức TP.HCM, thành viên đoàn khảo sát ở 4 quận, huyện cho biết, hầu hết các quận, huyện đều đã chuẩn bị khá tốt cho năm học mới. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần lưu ý như: sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, bổ sung giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Ngoài ra, các địa phương cần đảm bảo được việc học của những học sinh thuộc diện tạm trú, nhất ở những địa bàn có dân số cơ học tăng nhanh, cụ thể ở như ở quận Bình Tân.

TP.HCM cần thêm cơ sở vật chất cho giáo dục ở những địa bàn tăng dân số cơ học - 2

Ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Trung Mậu kiến nghị cần có thêm chính sách cho giáo viên. Qua dịch bệnh, ngoài nhân viên y tế thì giáo viên cũng nghỉ việc rất nhiều vì lương thấp và nhiều áp lực khác.

"Từ trước đến giờ, Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đã có nhiều chính sách, nhưng chưa tác động một cách cụ thể vào đội ngũ giáo viên. Vấn đề nghỉ việc ở giáo dục không giống y tế, y tế thì áp lực rõ ràng còn giáo dục lại áp lực chuyện khác", ông Mậu nói.

Bắt đầu từ 22/8, học sinh các cấp từ tiểu học đến THPT, GDTX tại TP.HCM sẽ tựu trường. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các trường, các địa phương cơ bản đã sẵn sàng để đón học sinh quay trở lại.

Song song đó, ngành giáo dục cũng như các ban ngành khác cần quan tâm, sát sao các vấn đề đang gặp phải hiện nay để đảm bảo việc học được thuận lợi. 

Vũ Hường(VOV-TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn