Không mua được vật tư tiêu hao vì thiếu giấy phép
Thống kê của Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP.HCM), còn khoảng 15 ngày nữa các vật tư tiêu hao của bệnh viện sẽ hết hàng loạt, bệnh viện đang sử dụng các các vật tư tồn kho hoặc thay thế. Riêng bộ gây tê ngoài màng cứng, hiện chỉ còn 300 bộ, khả năng đủ dùng được trong 10 ngày.
Trả lời VTC News, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh Viện Hùng Vương cho biết, vật tư tiêu hao của bệnh viện đang ở mức báo động, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Bệnh viện đang thay thế một số hoá chất tương tự, tuy nhiên không thể thay thế hoàn toàn trong một số bệnh lý cũng như phương pháp điều trị.
Theo bà Tuyết, luật quy định, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn nên không thể mua được mặc dù đã được đấu thầu.
Thời gian gần đây, bệnh viện liên tục nhận được văn bản của các công ty thông báo sẽ không thể tiếp tục cung ứng vì chưa xin được giấy phép lưu hành mặc dù hàng đã đến cảng chỉ chờ thông quan.
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương thông tin thêm, nhiều năm qua, TP.HCM có một "đặc sản" mà không có tỉnh thành nào có là chương trình vay kích cầu áp dụng cho y tế, giáo dục để hỗ trợ cho các cơ sở, đơn vị sự nghiệp công lập có thể mua sắm, trang bị cơ sở vật chất...
Trong chương trình, các cơ sở phải trả tiền vốn đầu tư theo khoảng thời gian nhất định, lãi suất ngân hàng ở từng thời điểm thì thành phố sẽ hỗ trợ. Nhờ chương trình vay kích cầu, nhiều cơ sở y tế đã mua sắm được nhiều thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là công tác khám kỹ thuật cao.
"Tuy nhiên 2 năm vừa rồi, chương trình vay kích cầu bị đóng băng liên quan đến cơ chế đầu tư công", bà Tuyết nói và mong muốn TP.HCM nhanh chóng điều chỉnh, tiếp tục vận hành chương trình vay kích cầu để các cơ sở có được thêm một nguồn đầu tư vốn.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Hương cho hay, những hóa chất dành cho xét nghiệm như công thức máu chỉ còn 15 ngày nữa là hết, các vật tư tiêu hao dành cho phẫu thuật chỉ còn đủ dùng trong 1 tháng.
"Hiện tại, hóa chất khí máu sử dụng cho bệnh nhi sơ sinh đang báo động. Các đối tác cũng không xuất hàng được nên đã tặng cho bệnh viện một số hóa chất khác sử dụng tạm để chờ hướng giải quyết", bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, hóa chất khí máu là hóa chất không thể thiếu trong điều trị cho các bệnh nhi sơ sinh thở máy hiện đã hết hàng, các công ty đang tặng bệnh viện hóa chất khác thay thế tuy nhiên cũng không thể kéo dài. Nhiều công ty cũng đã gửi công văn thông báo danh sách các mặt hàng hết hiệu lực giấy phép nhập khẩu và sẽ không thể cung ứng trong 1-2 tuần tới cho bệnh viện với số lượng trên 60 mặt hàng, chủ yếu là nhóm hóa chất xét nghiệm.
Nhiều bệnh viện khó đảm bảo vật tư y tế
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện các bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo trang thiết bị y tế. Sở Y tế kiến nghị gỡ vướng bằng cách cho phép đấu thầu không qua mạng, chấp nhận máy đặt theo kết quả đấu thầu.
Theo bà Như, nhiều trang thiết bị, dịch vụ không có giá trúng thầu tương tự trong thời gian không quá 90 ngày. Trong khi đó, các bệnh viện ở TP.HCM có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt hoặc dịch vụ phi tư vấn như sửa chữa, bảo trì, bảo hành... Do đó, đơn vị không thể có được 3 báo giá như theo quy định đấu thầu, do chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất mặt hàng này.
"Việc thẩm định giá cũng không thực hiện được vì các tổ chức thẩm định giá hiện nay không nhận thực hiện thẩm định giá trang thiết bị y tế, các dịch vụ phi tư vấn", bà Như nói.
Giá kê khai và công khai của trang thiết bị y tế trên cổng thông tin chưa đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng, chưa được kiểm soát nên khi tham khảo để xây dựng giá dự toán gói thầu cũng không đầy đủ, phù hợp.
Theo bà Như, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế còn do hết hạn giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành trang thiết bị. Hiện rất nhiều trang thiết bị như hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế kỹ thuật cao theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp.
Tuy nhiên các giấy trên đã hết hạn từ ngày 1/1 nhưng vẫn chưa được cấp mới hay gia hạn, do đó hàng hóa dự thầu không thể trúng thầu.
Một nguyên nhân khác dẫn đến thiếu vật tư là do ảnh hưởng của việc thực hiện đấu thầu qua mạng. Theo quy định, tất cả gói thầu mua sắm hàng hóa của các cơ sở y tế phải thực hiện đấu thầu qua mạng, kể cả gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế với hàng trăm đến hàng nghìn mặt hàng.
Bà Như nhận định, thực tế, hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truy cập. Như khi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu; kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có danh mục hàng hóa nhiều thường bị gián đoạn. Nếu gói thầu trên 300 khoản là hệ thống gần như không đăng tải được.
Với các khó khăn nêu trên, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt. Việc này thực hiện đến khi cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn hình thức tổ chức phù hợp, bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị nhằm đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh.
Sở cũng kiến nghị chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế trên quy định của Luật Đấu thầu để đảm bảo trang thiết bị cho bệnh viện. "Quy định về căn cứ xác định giá gói thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn trang thiết bị có tính chất đặc thù, riêng biệt cần được bổ sung", bà Như nói.
Sở Y tế cũng kiến nghị sớm được cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; cấp tài khoản cho các cơ sở y tế đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Bình luận