"Từ lúc thành phố làm hồ sơ mời thầu đến khi tổ chức chấm thầu, công bố, kết luận đều có sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan tài trợ vốn", Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nói về gói thầu Thiết kế, xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc, Thị Nghè (XL-02) bị hai Liên danh Samsung - Kolon - TSK và Suez - Posco khiếu kiện, ngày 13/11.
Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất (307 triệu USD) thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 524 triệu USD. Trong đó, hơn một nửa là vốn vay WB.
Theo ông Hoan, những nội dung khiếu kiện của hai liên danh đã được WB trả lời là không có căn cứ và bản thân họ đã có vi phạm trong quá trình đấu thầu. Hơn nữa, khi đã có kết luận thầu và ký hợp đồng rồi thì dự án sẽ được triển khai nhưng do luật pháp Việt Nam quy định "phải giải quyết khiếu nại trước khi thực hiện" nên đến nay gói thầu này vẫn chưa thể thi công.
TP HCM đang chờ ý kiến các cơ quan trung ương, còn WB gửi thư đề nghị thành phố triển khai ngay. Họ cũng cam kết đã làm việc với Liên danh Samsung - Kolon - TSK ngay trụ sở WB ở Mỹ nhưng liên doanh khiếu kiện lại không quay trở lại làm việc.
"Họ chỉ gửi đơn khiếu kiện đi khắp nơi khiến thành phố gặp khó khăn. Trước nay nhiều người vẫn cho rằng cứ bỏ thầu thấp là được chọn, nhưng ở dự án này, với sự giám sát chặt chẽ của WB thì còn có những quy định riêng của họ. Hiện, thành phố đã mời đại diện Bộ Công an, Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư) vào làm việc và các cơ quan này đều cho rằng nếu thành phố thấy không có vấn đề gì thì họ cũng không có ý kiến", ông Hoan nói.
Ban quản lý Đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP HCM (đại diện chủ đầu tư) nhận hồ sơ dự thầu từ tháng 3/2017 và có 5 liên danh đủ tiêu chuẩn dự thầu là: Samsung (Hàn Quốc) - Kolon (Hàn Quốc) - TSK (Nhật Bản); Wabag (Ấn Độ) - WTE (Đức); OTV (Pháp) - Dealim (Hàn Quốc); Acciona (Tây Ban Nha) - Vinci (Pháp) - JFE (Nhật Bản); Dregremont (Pháp) - Posco (Hàn Quốc).
Sau hai năm, đến ngày 7/3, Liên danh Acciona - Vinci (Tây Ban Nha - Pháp) được duyệt trúng thầu và ký kết hợp đồng, dù giá bỏ thầu cao hơn 14,7 triệu USD so với nhà thầu có giá thấp nhất là Liên danh Samsung - Kolon - TSK. Đây là lý do đơn vị này 3 lần gửi kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương và đại biểu Quốc hội, cho rằng quá trình đấu thầu có khuất tất, không công bằng. Ngoài ra, một liên danh khác là Suez - Posco cũng kiến nghị Chính phủ xem xét vì cho rằng hồ sơ dự thầu của họ không được đánh giá khách quan.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 18/10, ông Ousman Dione (Giám đốc WB tại Việt Nam) lần thứ hai khẳng định, quá trình đấu thầu gói XL-02 đã tuân thủ theo hướng dẫn về các thỏa thuận pháp lý giữa Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết phát triển (IBRD), đã được WB thông qua tất cả các bước.
Theo ông Ousman Dione, các vấn đề khiếu nại của hai Liên danh dự thầu (Samsung - Kolon - TSK và Suez - Posco) đã được giải quyết trong quá trình lựa chọn sơ tuyển và quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu bởi cơ quan thực hiện dự án. Trên hệ thống giám sát mua sắm đấu thầu các dự án WB tài trợ, quá trình giải quyết các khiếu nại này được xem là đã khép lại, theo quan điểm của WB.
Đại diện WB cũng lưu ý, gói XL-02 đã được ký với đơn vị trúng thầu là Liên danh Acciona - Vinci vào tháng 3 năm nay nhưng chưa được kích hoạt hiệu lực do sự chậm trễ thanh toán tạm ứng hợp đồng vì các khiếu nại trên.
"Mục tiêu thành công của dự án Vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 phụ thuộc rất lớn vào gói thầu quan trọng này. Vì vậy, tôi thúc giục TP HCM nhanh chóng khởi công và triển khai hợp đồng song song với việc giải quyết các khiếu nại đang tiếp diễn để không bị chậm trễ, ảnh hưởng đến lợi ích của thành phố và người dân", văn bản nêu.
Dự án Vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2 nhằm xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2; đồng thời giúp khôi phục, bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai; cải tạo, chỉnh trang bộ mặt đô thị của thành phố.
Công trình khổng lồ này gồm các hạng mục: tuyến cống bao dẫn nước thải từ giếng Bờ Đông đến nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại quận 2 (8 km); nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày; mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại quận 2...
Bình luận