Sáng 21/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết đã có đầy đủ 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp căn cơ cho năm 2022. Tuy nhiên, ông cũng đề xuất có thêm phần nhiệm vụ trọng tâm. Nếu dàn đều các nhiệm vụ, giải pháp này sẽ không khác mấy so với năm 2019, 2020, 2021. Do đó, cần một nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện trong năm 2022.
Ông Cường nhấn mạnh cần đi trước một bước trong vấn đề thuốc điều trị COVID-19 và cần rút kinh nghiệm từ vấn đề vaccine.
"Bây giờ xem tất cả các hãng, hãng nào có thuốc thì đặt trước là chúng ta sẽ đi trước. Hiện các hãng đã bắt đầu đầu nghiên cứu rồi mình phải đặt hàng ngay thì mới đi trước đón đầu so với các nước được, nếu không sẽ lại chạy theo. Như vừa rồi vaccine đã phải chạy theo, bị động bởi vì đặt hàng vaccine đặt ra điều kiện rất rủi ro", ông Cường nói.
Đại biểu Bùi Văn Cường lấy ví dụ về vấn đề phòng chống dịch thì cần tập trung giảm tỷ lệ tử vong, tiêu chí xác lập tình trạng bình thường như thế nào để các địa phương cùng áp dụng giúp cho giao thương, đi lại của người dân mới thuận lợi.
Các địa phương có thể ban hành các quy định phù hợp nhưng không vi phạm các tiêu chí về bình thường mới. Đặc biệt, cần tập trung về vấn đề vaccine, nhất là với những “vùng trũng”, vùng miền núi và dân tộc thiểu số.
Đại biểu Bùi Văn Cường nhấn mạnh Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề vaccine ngay từ đầu nhưng đây là vấn đề có rất nhiều rủi ro. Nếu đặt hàng trước mà sau đó không có vaccine thì nước đặt hàng sẽ mất luôn tiền đặt cọc và đó là số tiền không nhỏ so với nước ta. Điều này đã khiến nước ta bị động trong vaccine.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay với yêu cầu phục hồi đất nước thì việc chủ động vaccine và thuốc điều trị là một vấn đề cần được quan tâm, trọng tâm trong phòng chống dịch.
Về phục hồi và phát triển kinh tế, ông Cường nêu câu hỏi phục hồi ra sao với các gói kích cầu, giải ngân vốn đầu tư công thế nào mới thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần xem xét đến việc sản xuất, lưu thông hàng hoá, cải cách hành chính.
Tổng Thư ký Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế và Uỷ ban xã hội.
Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khách quan, toàn diện về những mặt đã đạt được, những hạn chế tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp trong năm 2022.
Đại biểu Bùi Văn Cường cho rằng, trong lĩnh vực phòng chống dịch COVID-19, báo cáo đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như công tác phòng chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Vẫn còn thiếu nhất quán trong triển khai biện pháp phòng chống dịch, nhất là yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện các quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hoá còn thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cho nhân dân. Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vaccine so với một số nước còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
“Chúng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng cũng không bôi đen”, ông Cường nói.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, một số ý kiến chuyên gia đánh giá năm 2020 nước ta được đánh giá là điểm sáng về phòng chống dịch và phát triển kinh tế của thế giới. Tuy nhiên đến năm 2021 lại trở thành dưới mức trung bình, được dùng hình ảnh "từ một ngôi sao trở thành nước dưới trung bình".
Theo ông Cường, giai đoạn đầu nước ta đã chống dịch thành công, khi nước dâng cao thì đã “be bờ” kín, giữ được. Tuy nhiên, vây quanh đều có dịch bệnh, khi đã “vỡ” rồi thì chúng ta không giữ được "No COVID" nữa.
Đại biểu Bùi Văn Cường nhấn mạnh đến thành công trong việc ngoại giao vaccine của lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội trong các cuộc điện đàm, trao đổi cấp cao, gặp gỡ song phương, đa phương đều có những kiến nghị liên quan đến hỗ trợ vaccine. Nhờ đó, chúng ta đã có nguồn vaccine để việc chống dịch căn cơ hơn.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng nêu ra những cố gắng của đội ngũ tuyến đầu, y tế cơ sở trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đại biểu Cường đề nghị cần có quản trị quốc gia, chỉ huy thống nhất thì mới tạo ra về sự phát triển kinh tế cũng như quyền tự do đi lại của người dân.
Bình luận