Theo Sputnik, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết chính quyền Ukraine đã đề xuất tổ chức đàm phán với Nga tại thủ đô Warsaw của Ba Lan thay vì Minsk (Belarus), nhưng sau đó cắt đứt liên lạc.
Theo The Hill, trước đó, ông Peskov cho biết Nga đã đồng ý cử một phái đoàn đến Belarus để gặp gỡ các quan chức Ukraine. Thông tin được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng đàm phán về lập trường của Ukraine liên quan đến tư cách thành viên NATO.
Ukraine đã kiên quyết muốn gia nhập liên minh, nhưng sau khi cuộc tấn công nổ ra, tổng thống Zelensky cho biết nước này sẽ xem xét tình trạng trung lập.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với tờ Hurriyet rằng nước này không thể ngăn chặn việc tàu chiến đi qua eo biển của họ vào biển Đen như Ukraine yêu cầu. Ông đề cập đến một điều khoản trong Công ước Montreux cho phép các tàu quay trở lại căn cứ của họ.
Ukraine kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu chiến Nga đi qua eo biển Dardanelles và Bosphorus. Ông Cavusoglu cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ bị hạn chế về khả năng làm được điều đó.
Ông nói: “Trong trường hợp xảy ra chiến tranh mà Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một bên tham gia, thì có thể áp dụng các biện pháp liên quan đến các quốc gia là các bên trong cuộc chiến".
Ông nói thêm: “Nếu các tàu của các nước tham chiến quay trở lại căn cứ của họ, thì nó phải được cho phép”, ông nói thêm, đề cập đến Nga và nhắc về các Điều 19, 20 và 21 quy định liên quan vấn đền này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi quân đội Ukraine lật đổ chính phủ tại Kiev, nói rằng "sẽ dễ dàng cho chúng tôi hơn nếu các bạn tự tay giành chính quyền", theo Sputnik.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết quân đội Nga mất khoảng 2.800 lính, 80 xe tăng, 516 thiết giáp, 10 máy bay và 7 trực thăng trong chiến dịch quân sự tại nước này.
Nga chưa công bố thương vong và thiệt hại trong chiến dịch ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin đã sẵn sàng cử một phái đoàn quan chức cấp cao tới Minsk để đàm phán với Kiev. “Để đáp lại yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chúng tôi sẵn sàng cử đại diện của Bộ Ngoại giao Nga và chính quyền đến đàm phán”, ông Peskov cho hay.
Trong video đăng tải cách đây ít giờ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi người đồng cấp Nga ngồi xuống bàn đàm phán.
Không lâu sau đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định sẽ sẵn sàng đàm phán ngay khi quân đội Ukraine hạ vũ khí.
Quân đội Nga thông báo đã giành quyền kiểm soát sân bay quân sự tại thị trấn Hostomel, cách thủ đô Kiev. 7 km về phía tây bắc. Sân bay tại Hostomel có đường băng dài cho phép vận tải cơ hạng nặng hạ cánh, đồng nghĩa Nga có thể không vận lực lượng trực tiếp tới ngoại ô thủ đô Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết quân đội nước này dùng 200 trực thăng đưa lực lượng tới sân bay tại Hostomel, hạ sát hơn 200 đặc nhiệm Ukraine. Tướng Konashenkov tuyên bố Nga không chịu thương vong, trong khi Ukraine nói lực lượng Nga chịu tổn thất nặng nề.
"Chế tạo bom xăng, vô hiệu hóa những kẻ chiếm đóng", Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết. Trong khi đó, giới chức khu vực Obolon, phía tây bắc thủ đô Kiev, kêu gọi gân chúng tránh ra đường "do các hành vi thù địch đang tới gần". Một số người trú ấn trong các ga tàu điện ngầm hoặc tầng hầm của chung cư và các tòa nhà khác khi còi báo động không kích vang lên.
CEO của F1 Stefano Domenicali cho biết không thể tổ chức giải Grand Prix tại Nga với tình hình hiện tại. Giải Grand Prix - vốn được lên lịch vào tháng 9 ở Sochi - dự kiến dời sang đường đua ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết quân đội Anh và NATO sẽ không đóng vai trò tích cực ở Ukraine nhằm "tránh leo thang không cần thiết".
"Quân đội Anh và NATO không nên, cũng không được đóng vai trò tích cực ở Ukraine", James Heappey, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Lục quân Anh nói với Hạ viện trong một cuộc ngày 25/2. "Chúng tôi phải lường trước những rủi ro của các tính toán sai lầm" cũng như không để tình hình "leo thang không cần thiết" quá nhanh chóng.
Ông Heappey lặp lại những bình luận trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Anh.
“Tôi đã nói rất rõ hồi tháng trước rằng chúng tôi sẽ không gửi quân đối đầu trực tiếp với Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace nói với BBC. “Việc đó sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh ở châu Âu. Vì chúng tôi là một quốc gia thuộc NATO và khi đó, Nga sẽ tấn công NATO”, Bộ trưởng Quốc phòng Wallace cho biết.
Hãng thông tấn Interfax đưa tin quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát sân bay Hostomel gần Kiev.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng Nga đã phong tỏa thành phố Chernihiv của Ukraine.
Chiến dịch quân sự của Nga đang khiến nguồn nhiên liệu và tiền mặt ở Ukraine cạn kiệt dần, trong khi các cơ sở y tế đối mặt với tình trạng quá tải. Nếu tình hình này tiếp diễn, 5 triệu người Ukraine có thể phải ra nước ngoài lánh nạn, theo thông tin của Liên Hợp Quốc hôm 25/2.
Bà Shabia Mantoo, người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cho biết ít nhất 100.000 người Ukraine đã mất nhà, hàng nghìn người khác di chuyển tới các nước lân cận - bao gồm Moldova, Romania và Ba Lan.
Bà Mantoo nói thêm, UNHCR dự báo sẽ có khoảng 1-3 triệu người Ukraine tiến vào Ba Lan. Tổng cộng dân tị nạn từ quốc gia này tới các nước lân cận có thể lên đến 5 triệu người.
Hiện UNICEF đang nỗ lực hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Thị trưởng Kiev cho biết thủ đô Ukraine đã bước vào "giai đoạn phòng thủ".
Tổng thống Putin: Nga sẵn sàng đàm phán
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin cho biết Nga sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với Ukraine.
"Mỹ và NATO lâu nay phớt lờ những lo ngại an ninh hợp lý của Nga, liên tục không giữ các cam kết và tiếp tục đẩy mạnh triển khai quân sự về phía đông, thách thức giới hạn cuối cùng trong lợi ích chiến lược của Nga", ông Putin nói trong cuộc điện đàm.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định sẽ không có chuyện tấn công vào người dân Ukraine. Ông cũng cho biết không có cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine.
"Tôi nhấn mạnh lại: Hãy đọc lại những gì Tổng thống Putin nói. Không có cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, không cuộc tấn công vào nhân viên quân đội Ukraine hoặc những nơi không liên kết với các cơ sở quân sự. Các số liệu thống kê của chúng tôi đã xác nhận điều này", ông Lavrov nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga nói Moskva không muốn những kẻ theo tân phát xít cầm quyền tại Ukraine.
"Chế độ hiện tại ở Kiev nằm dưới 2 cơ chế kiểm soát từ bên ngoài. Đầu tiên, phương Tây và Mỹ. Thứ hai là những kẻ theo tân phát xít", ông Lavrov cho hay.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin lãnh đạo Nga-Trung có cuộc điện đàm hôm 25/2 thảo luận về tình hình Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông ủng hộ giải quyết khủng hoảng Ukraine thông qua đối thoại, truyền thông Trung Quốc hôm nay đưa tin.
"Tình hình ở miền đông Ukraine đã trải qua những thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc ủng hộ Nga và Ukraine giải quyết vấn đề thông qua đàm phán", ông Tập cho hay.
"Nếu những người tại châu Âu có kinh nghiệm chiến đấu không muốn tiếp tục chứng kiến sự do dự của giới chính trị gia, các bạn có thể đến đất nước của chúng tôi, cùng chúng tôi bảo vệ châu Âu, điều mà giờ đây vô cùng cần thiết", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong tuyên bố do văn phòng báo chí của ông đưa ra hôm nay.
Ông Zelensky cho rằng phương Tây đang chậm trễ trong công tác hỗ trợ Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga. "Các bạn sẽ bảo vệ bản thân ra sao khi quá chậm trễ giúp chúng tôi ở Ukraine? Các thể chế tại châu Âu không nhanh nhẹn với những quyết định thực sự mạnh mẽ", ông cho biết.
Trước buổi họp báo hôm nay của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Bộ Ngoại giao Nga đăng lên Twitter video buổi gặp giữa ông với các đại diện từ Donetsk và Lugansk, hai khu vực do phe ly khai tại Ukraine kiểm soát.
Tổng thống Putin hôm 21/2 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, sau đó vài ngày tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ria Novosti đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngồi xuống bàn đàm phán cùng mình.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng khẳng định châu Âu có thể ngăn cuộc tấn công của Nga nếu hành động nhanh chóng.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán với Kiev nếu quân đội Ukraine đầu hàng.
“Chúng tôi sẵn sàng thương lượng vào bất cứ lúc nào, miễn là lực lượng vũ trang Ukraine lắng nghe lời kêu gọi của chúng tôi và hạ vũ khí”, ông Lavrov nói trong một buổi họp báo.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 25/2 cho biết Moskva sẵn sàng đàm phán với Kiev nếu quân đội Ukraine đầu hàng, trong bối cảnh lực lượng Nga tấn công thủ đô nước láng giềng.
“Chúng tôi sẵn sàng thương lượng vào bất cứ lúc nào, miễn là lực lượng vũ trang Ukraine lắng nghe lời kêu gọi của chúng tôi và hạ vũ khí xuống”, ông Lavrov nói trong một buổi họp báo ở Moskva.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko ngày 25/2 cho biết Moskva đang chuẩn bị các biện pháp từng phạt nhằm đáp trả các nước phương Tây.
“Chúng tôi đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đáp trả. Những biện pháp này sẽ không đối xứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nhưng chúng tôi biết rõ điểm yếu của phương Tây và đã chuẩn bị một gói trừng phạt tổng thể, dự kiến được áp đặt đối với những nước đã trừng phạt Nga”, bà Matvienko nhấn mạnh.
Giới chức tình báo Mỹ lo ngại Nga sẽ kiểm soát Kiev trong vài ngày tới.
CNN dẫn nguồn tin thân cận cho biết, đánh giá ban đầu của Mỹ trước cuộc tấn công của Nga là Ukraine sẽ chỉ cầm cự được từ 1-4 ngày.
Hiện tại, tình báo Mỹ vẫn giữ nguyên đánh giá này.
Cơ quan hạt nhân Ukraine thông báo đang ghi nhận mức độ bức xạ gia tăng ở khu vực từng là nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Các chuyên gia tại cơ quan này không cung cấp mức phóng xạ cụ thể, nhưng giải thích sự thay đổi này là do sự di chuyển của các thiết bị quân sự hạng nặng trong khu vực, đã đẩy bụi phóng xạ vào không khí.
Theo hãng thông tấn Nga Interfax, Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói rằng "không ai có kế hoạch chiếm Ukraine".
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga vẫn chưa công nhận chính phủ hiện tại ở Ukraine là dân chủ. Ông cho rằng Tổng thống Ukraine Zelensky nói dối khi thể hiện rằng sẵn sàng thảo luận về tình trạng trung lập của Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov khẳng định chính phủ Nga muốn người dân Ukraine độc lập và sẽ đảm bảo việc phi quân sự hóa nước này. Theo Reuters, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga sẵn sàng đàm phán khi quân đội Ukraine ngừng giao tranh, đồng thời khẳng định không ai có kế hoạch tấn công người dân Ukraine.
Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang tiến vào Kiev từ phía bắc và đông bắc, làm gia tăng lo ngại thủ đô có thể thất thủ trong ngày thứ hai chiến dịch quân sự của Nga.
Theo Ukraine, quân đội Nga đang cố vượt qua thành phố Chernigiv ở phía bắc, nơi họ bị quân đội Ukraine cầm chân, để tấn công Kiev. Lực lượng Nga cũng đang tiến vào thủ đô từ thành phố Konotop, phía đông Kiev.
Trong khi đó, Thống đốc tỉnh Belgorod, miền nam Nga, cho biết 7 tòa nhà dân cư trong khu vực đã bị hư hại do pháo kích từ Ukraine.
Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 25/2 kêu gọi công dân chặn bước tiến của quân Nga nếu họ nhìn thấy quân nhân hoặc phương tiện của Nga trên đường phố. Bộ này cũng khuyên mọi người nên mang theo quốc kỳ Ukraine ra đường và dùng điện thoại quay lại hình ảnh lực lượng Nga.
“Hãy cho họ biết rằng họ không được chào đón ở đây, rằng họ sẽ bị mọi người phản đối kịch liệt. Hãy cho họ thấy rằng họ không phải là những người giải phóng mà là những kẻ xâm chiếm một vùng đất xa lạ”, Bộ Quốc phòng Ukraine nêu rõ.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận lực lượng vũ trang nước này tập kích tên lửa vào Kiev, sau khi chính phủ Ukraine cáo buộc quân đội Nga tấn công các khu vực dân cư. Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Kiev hôm nay là tiêm kích Ukraine bị đồng đội bắn nhầm.
Còi báo động vang khắp Kiev. CNN dẫn nguồn tin thực địa cho biết lực lượng an ninh đã rời các trụ sở cảnh sát với đạn dược và vũ khí, hướng về phía quận Obolon ở phía Bắc Kiev, nơi được báo cáo là đang có giao tranh. Người dân Kiev được yêu cầu xuống hầm trú ẩn.
Quân đội Nga chiếm được Đảo Rắn (còn gọi là đảo Zmiinyi) ở Biển Đen.
82 binh sĩ Ukraine trên đảo đã đầu hàng, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Tuy nhiên, trước đó, quan chức Ukraine lại nói rằng toàn bộ 13 binh sĩ canh phòng trên Đảo Rắn - nằm về phía nam thành phố cảng Odessa - thiệt mạng vì trúng đạn từ tàu chiến của Nga.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời thống đốc tỉnh Belgorod, miền Nam Nga cho biết 7 tòa nhà dân cư tại đây đã bị thiệt hại do pháo kích từ Ukraine.
Belgorod là tỉnh ở miền Tây của Nga, tiếp giáp biên giới Ukraine. Thủ phủ cùng tên của tỉnh này cách biên giới Ukraine khoảng 40 km.
Theo Al Jazeera tường thuật từ Kiev, tình hình ở đó đang nhanh chóng “leo thang về mọi mặt”.
Phóng viên Andrew Simmons nói: “Không chỉ là trên không mà còn trên mặt đất - có những hàng phương tiện bọc thép đang hướng về thành phố... Hơn nữa, ở một số nơi, mọi người có thể mua súng tự chọn, đặc biệt là một khẩu AK47, để tự vệ, và đó là chính sách của Tổng thống Zelensky muốn mọi người chiến đấu".
“Chúng tôi dự đoán khi các lực lượng Nga đến thủ đô thì rất có thể sẽ gặp phải sự kháng cự quyết liệt. Tâm trạng chung là một nỗi sợ hãi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Theo CNN, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi nói các lực lượng Ukraine đã có thể đẩy lùi quân đội Nga tại khu vực Chernihiv, phía Bắc thủ đô Kiev. Tuy nhiên, có vẻ như các lực lượng Nga đang củng cố vị trí ở phía Tây Bắc Kiev sau khi kiểm soát căn cứ không quân tại Hostomel.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, Anna Malyar, đăng tweet nói rằng quân đội Nga đã bắt giữ hai phương tiện của quân đội Ukraine, mặc quân phục Ukraine và đang cố gắng tiến vào Kiev.
Trong thông điệp video gửi tới người dân Ukraine vào sáng sớm 25/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi người dân chống lại cuộc tấn công của Nga, đồng thời ông tiếp tục chỉ trích phương Tây.
"Giống như hôm qua, cường quốc mạnh nhất thế giới đã đứng nhìn từ xa", ông Zelensky nói, ám chỉ đến Mỹ. Tổng thống Ukraine nói thêm rằng các lệnh trừng phạt lên Nga không đủ mạnh để khiến Moskva rút quân khỏi Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng nói "sớm hay muộn, Nga sẽ buộc phải nói chuyện với chúng ta về việc chấm dứt hoạt động quân sự này”.
“Cuộc đối thoại này bắt đầu càng sớm thì tổn thất của Nga sẽ càng ít", ông nói thêm.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết quân đội đã cho nổ cây cầu bắc qua sông Teteriv ở Ivankiv, cách thủ đô Kiev khoảng 80 km về phía bắc.
Cơ quan này nói rằng cuộc tiến công của Nga đã bị chặn đứng. Trước đó, quan chức Mỹ cho biết quân đội Nga được triển khai từ Belarus chỉ còn cách thủ đô Kiev hơn 30 km.
Tổng thống Zelensky cho biết ông đã điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda hôm nay để tìm kiếm sự hỗ trợ quốc phòng từ các thành viên Đông Âu của NATO và buộc Nga phải đàm phán. "Chúng tôi cần một liên minh chống chiến tranh", Zelensky đăng Twitter.
Lãnh đạo Ukraine cũng cho rằng "sớm hay muộn" Moskva sẽ phải trao đổi với Kiev để chấm dứt cuộc chiến của họ. "Không sớm thì muộn Nga cũng sẽ phải nói chuyện với chúng tôi. Nói về cách kết thúc giao tranh và ngăn chặn cuộc xâm lược này. Cuộc trò chuyện bắt đầu càng sớm thì càng ít tổn thất cho chính Nga", Zelensky phát biểu qua video.
Tổng thống Zelensky nói rằng Nga đã nối lại các cuộc tập kích bằng tên lửa từ 4h sáng (9h giờ Hà Nội), nhưng lực lượng bộ binh Nga "đang bị chặn đà tiến công ở mọi hướng". Ông cũng cáo buộc các đòn tấn công của Nga nhằm cả vào mục tiêu quân sự và dân sự.
"Đợt tập kích rocket khủng khiếp của Nga vào Kiev. Lần gần nhất thủ đô của chúng ta trải qua điều như vậy là vào năm 1941, khi phát xít Đức tấn công. Ukraine đã đánh bại và lần này cũng sẽ vậy. Ngăn chặn Putin. Cô lập Nga. Đánh đuổi Nga khỏi bất cứ nơi đâu", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng Twitter.
Trước đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Marco Rubio cho rằng "có vẻ như ít nhất 30 tên lửa đã được phóng" vào Kiev trong vòng 40 phút.
Còn CNN cho biết thêm 3 vụ nổ được ghi nhận ở phía tây nam thủ đô Kiev vào rạng sáng 25/2 (giờ địa phương).
Ngoại trưởng Mỹ Antonio Blinken cho biết thành phố "rất có thể đang bị bao vây".
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các lực lượng vũ trang của họ đã khiến 800 lính Nga thương vong. Hiện chưa rõ số liệu này bao gồm bao nhiêu trường hợp tử vong.
Bộ Quốc phòng Ukraine cũng nói rằng 30 xe tăng, 7 máy bay và 6 trực thăng của Nga đã bị phá hủy. Truyền thông chưa thể xác minh các số liệu này.
Nga hiện chưa bình luận về các thông tin trên.
Ngày 25/2, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng mới đây tại Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine".
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới", bà Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn cùng các cơ quan chức năng trong nước đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba mô tả cuộc tấn công vào Kiev sáng nay là khủng khiếp.
"Đợt tập kích rocket khủng khiếp của Nga vào Kiev. Lần gần nhất thủ đô của chúng ta trải qua điều như vậy là vào năm 1941 khi phát xít Đức tấn công. Ukraine đã đánh bại và lần này cũng sẽ vậy", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết Twitter.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết quân đội Nga chịu thương vong hơn 800 quân nhân kể từ khi phát động cuộc tấn công vào sáng 24/2.
Cũng theo Bộ này, 30 xe tăng, 7 máy bay và 6 trực thăng của Nga đã bị phá hủy.
Thứ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết vụ nổ ở Kiev là do hệ thống phòng phòng không Ukraine bắn hạ một tên lửa của Nga.
Trước đó, Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết thủ đô Kiev bị tấn công vào sáng 25/2.
"Các cuộc tấn công vào Kiev bằng tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo vừa tiếp tục. Tôi nghe thấy 2 tiếng nổ lớn", ông Gerashchenko viết trên tài khoản Twitter cá nhân.
Video: Nổ lớn ở Kiev
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hệ thống phòng không S-300 của Ukraine bốc cháy gần Sân bay Quốc tế Kherson, thành phố Kherson.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 24/2 cho biết quân đội nước này đã phá hủy 83 mục tiêu trên bộ của Ukraine, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Buk-M1.
Hai tòa chung cư ở phía đông nam Kiev bốc cháy, được cho là do trúng mảnh vỡ từ máy bay bị bắn rơi.
Các bức ảnh được Bộ Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine công bố cho thấy một tòa nhà nhiều tầng đang bốc cháy.
Vụ hỏa hoạn xảy ra sau khi Bộ Nội vụ Ukraine cho biết bắn rơi máy bay Nga.
Trong cuộc họp với các nghị sĩ Hạ viện Mỹ đêm qua (sáng nay giờ Hà Nội), quan chức hàng đầu chính quyền Biden cho biết mũi bộ binh cơ giới Nga triển khai từ Belarus đang cách thủ đô Ukraine khoảng 30 km, trong khi hướng quân từ lãnh thổ Nga ở xa hơn.
"Cả hai mũi đang hướng tới Kiev với mục tiêu bao vây thành phố và có thể lật đổ chính quyền Ukraine", người này cho hay.
Ảnh vệ tinh thương mại chụp đêm 24/2 cho thấy hàng dài xe cơ giới vượt cầu phao trên sông Pripyat gần biên giới Belarus - Ukraine.
Bộ Nội vụ Ukraine cho biết quân đội nước này đã bắn rơi một máy bay Nga ở Kiev.
Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine đăng loạt ảnh trên tài khoản Telegram, bao gồm cả những gì ông nói là một tòa dân cư 9 tầng đang bốc cháy.
Phía Nga chưa bình luận về thông tin này.
Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết thủ đô Kiev bị tấn công vào sáng 25/2.
"Các cuộc tấn công vào Kiev bằng tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo vừa tiếp tục. Tôi nghe thấy 2 tiếng nổ lớn", ông Gerashchenko viết trên tài khoản Twitter cá nhân.
Phóng viên của Guardian ghi nhận nhiều tiếng nổ lớn ở Kiev vào sáng nay.
Theo Guardian, quân đội Ukraine xác nhận Kiev đang tiếp nhận thêm vũ khí tiếp viện.
Cố vấn chính phủ Ukraine cho biết hai tên lửa đã được phóng đến thủ đô Kiev sáng 25/2. Anton Gerashchenko, Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ cho biết đây có thể là tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình.
Trước đó, hai vụ nổ lớn cũng được ghi nhận ở Kiev.
Trước đó, theo một nguồn tin của CNN, các nhà lập pháp Mỹ đã được thông báo rằng Kiev đang bị tấn công từ phía bắc, phía nam và phía đông. Các nhà lập pháp cũng được thông tin rằng Nga đang phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt hơn nhiều so với dự đoán từ các lực lượng Ukraine.
Nguồn tin không cho biết liệu Kiev có thất thủ hay không vì vẫn còn quá sớm để đánh giá các tác động trên thực địa.
Một phóng viên CNN ở Kiev cho biết đã nghe thấy hai tiếng nổ lớn ở trung tâm thủ đô Ukraine và một vụ nổ thứ ba ở xa hơn trong sáng nay. Phóng viên Emma Graham Harrison của Guardian xác nhận nghe thấy những gì giống như loạt vụ nổ lớn.
Đại sứ Ukraine tại Áo Olexander Scherba cho biết ông nghe thấy "hai tiếng nổ lớn" vào khoảng 4h25 (9h25 giờ Hà Nội).
Trong bài phát biểu toàn quốc cách đây ít giờ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khẳng định ông sẽ bám trụ ở Kiev bất chấp căng thẳng gia tăng.
"Tôi sẽ ở lại thủ đô, với người dân của tôi. Gia đình của tôi vẫn đang ở Ukraine. Chúng tôi đều là các công dân Ukraine", ông Zelenskiy cho hay.
Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định đối phương coi ông là mục tiêu số 1 và gia đình ông là mục tiêu số 2.
"Họ muốn phá hủy hủy diệt Ukraine về mặt chính trị bằng cách loại bỏ nguyên thủ quốc gia. Chúng tôi cũng nắm được thông tin rằng các nhóm phá hoại đã tiến vào thủ đô Kiev. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu người Kiev cẩn thận, tuân theo lệnh giới nghiêm", ông nói thêm.
Kết thúc bài phát biểu, ông Zelensky kêu gọi chấm dứt cuộc chiến hiện tại.
"Chúng ta cần nói chuyện về cái kết cho cuộc tấn công này. Chúng ta cần nói về một lệnh ngừng bắn", ông cho hay.
Theo một nguồn tin của CNN, các nhà lập pháp Mỹ đã được thông báo rằng Kiev đang bị tấn công từ phía bắc, phía nam và phía đông. Các nhà lập pháp cũng được thông tin rằng Nga đang phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt hơn nhiều so với dự đoán từ các lực lượng Ukraine. Nguồn tin không cho biết liệu Kiev có thất thủ hay không vì vẫn còn quá sớm để đánh giá các tác động trên thực địa.
Quân đội Ukraine đã đối phó với các lực lượng Nga từ 3 hướng sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công trên biển, trên không và trên bộ trong một chiến dịch quân sự lớn nhất nhằm vào một quốc gia châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.
Sau khi Tổng thống Putin công bố chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2, nhiều tiếng nổ và tiếng súng đã vang lên tại thủ đô Kiev – thành phố có 3 triệu dân của Ukraine. Tên lửa đã dội xuống nhiều mục tiêu quân sự của Ukraine. Nhà chức trách nước này cho biết, các đoàn quân từ Nga và từ Belarus tiến vào biên giới Ukraine ở khu vực phía Bắc và phía Đông, đổ bộ vào bờ biển phía nam nước này từ phía Biển Đen và Biển Azov.
Giao tranh ác liệt đang diễn ra ở các vùng Sumy và Kharkiv ở phía đông bắc và Kherson và Odessa ở phía nam. Tuyến đường đường cao tốc ra khỏi thành phố Kiev đã bị tắc nghẽn giao thông khi người dân lũ lượt đi sơ tán
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết ông sẽ vinh danh những người lính đã thiệt mạng sau các cuộc tấn công của Nga.
Trước đó, Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine cho hay đảo Zmiinyi của nước này trên Biển Đen đã bị lực lượng Nga đánh chiếm. Các cơ sở hạ tầng trên đảo đã bị phá hủy sau các cuộc tấn công từ trên không và pháo kích. Thông tin liên lạc với bộ đội biên phòng và lực lượng vũ trang trên đảo cũng bị cắt đứt.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga hôm 24/2 cho biết quân đội nước này đã phá hủy 83 mục tiêu trên bộ của Ukraine.
"Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, 2 tiêm kích Su-27, 2 máy bay Su-24, một trực thăng và 4 máy bay không người lái Bayraktar TB-2 của Ukraine đã bị bắn hạ. 18 trạm radar của các hệ thống tên lửa chống máy bay S-300 và Buk-M1 cũng bị phá hủy", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov cho hay.
"Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, hai máy bay và hai máy bay Su-24, một máy bay trực thăng và của các lực lượng vũ trang Ukraine đã bị bắn hạ", ông nói.
Theo RT, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định trong ngày đầu tiên diễn ra chiến dịch, tất cả các sứ mệnh giao cho các nhóm binh sĩ của Lực lượng vũ trang Nga đều đã được hoàn thành thành công.
Về phần mình, giới chức Ukraine cho biết Nga đã tiến hành 203 đợt tấn công trong ngày 24/2.
"Chúng ta đã bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Ai sẵn sàng sát cánh chiến đấu cùng chúng ta? Tôi chẳng thấy một ai", Tổng thống Zelensky phát biểu qua video rạng sáng 25/2. "Ai sẵn sàng đảm bảo tư cách thành viên NATO cho Ukraine? Ai cũng lo sợ. Tôi đã hỏi tất cả các đối tác liệu họ có đứng về phía chúng ta không? Họ đứng về phía chúng ta, nhưng không sẵn sàng đưa chúng ta vào cùng liên minh với họ".
"Hôm nay tôi đã trực tiếp hỏi 27 lãnh đạo châu Âu liệu Ukraine có gia nhập NATO hay không. Mọi người lo sợ, không trả lời. Nhưng chúng ta không sợ, chúng ta không sợ bất cứ điều gì", ông Zelensky nhấn mạnh.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, ông Emmanuel Macron tối qua (24/2) đã có cuộc đối thoại với người đồng nhiệm Vladimir Putin về chiến dịch quân sự mà Nga đang tiến hành tại Ukraine. Ông Emmanuel Macron đã đề nghị Tổng thống Nga dừng ngay lập tức chiến dịch trên và cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng nề.
Văn phòng Tổng thống Nga cũng đã xác nhận thông tin trên và cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc trao đổi nghiêm túc và thẳng thắn với Tổng thống Pháp, trong đó nêu chi tiết lý do Nga thực hiện hoạt động quân sự trên.
Đây cũng là cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Nga với một lãnh đạo phương Tây kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo 27 nước thành viên EU nhóm họp để gia tăng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu cả về quân sự lẫn dân sự đối với Nga, trong đó tập trung trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng, giao thông cũng như dừng cấp visa cho công dân Nga.
EU dự kiến cũng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt về kinh tế và với các cá nhân Belarus có liên quan đến hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi EU nỗ lực không để cuộc khủng hoảng Ukraine không lan rộng: “Chúng ta cần đảm bảo rằng xung đột không lan sang các nước châu Âu khác. Tôi đồng ý với Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu khác là cần sử dụng tất cả những gì có thể để ngăn chặn điều này”.
Đảo Zmiinyi của Ukraine trên Biển Đen đã bị lực lượng Nga đánh chiếm, Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine cho biết trong một tuyên bố đăng trên Facebook vào cuối ngày 24/2.
Cơ quan biên phòng cho hay cơ sở hạ tầng trên đảo đã bị phá hủy sau một cuộc tấn công từ trên không và pháo kích. Thông tin liên lạc với bộ đội biên phòng và lực lượng vũ trang trên đảo đã bị cắt đứt, theo bài đăng.
Truyền thông Ukraine đưa tin thành phố Mariupol ở tỉnh Donetsk miền đông nước này hứng "hỏa lực dữ dội với hàng trăm vụ nổ". Mariupol là một trong những thành phố cảng lớn nhất Ukraine, nằm ven biển Azov. Nếu kiểm soát được Mariupol, lực lượng Nga có thể mở thông hành lang vận tải trên bộ tới Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập năm 2014.
Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 24 cá nhân và thực thể Belarus, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Viktor Khrenin, do "ủng hộ và tạo điều kiện" cho Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cảnh báo Belarus sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu cho phép Nga triển khai chiến dịch từ lãnh thổ của mình.
Ngoài Bộ trưởng Khrenin, danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ còn có Thư ký Hội đồng An ninh Belarus Alexander Volfovich cùng hai ngân hàng Belinvestbank và Bank Dabrabyt.
"Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục phá vỡ năng lực quân sự và tài chính của Belarus thông qua các biện pháp trừng phạt có mục tiêu. Do mối liên kết giữa Nga và Belarus, các động thái nhằm vào Nga hôm nay cũng sẽ gây ra tổn thất kinh tế nghiêm trọng cho chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko", Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
“Ông Putin là kẻ gây hấn. Ông ấy đã chọn cuộc chiến này. Và bây giờ ông ấy và nước Nga sẽ gánh chịu hậu quả”, ông Biden nói, cho biết các biện pháp trừng phạt của các nước G7 sẽ hạn chế khả năng kinh doanh bằng USD, bảng Anh hoặc đồng yên đối với Nga. Tất cả tài sản của Mỹ ở 5 ngân hàng hàng đầu Nga cũng như những cá nhân "được hưởng lợi” từ các chính sách của điện Kremlin sẽ bị đóng băng.
Theo ông Biden, các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm “làm suy giảm năng lực công nghiệp của Nga trong nhiều năm tới”, bao gồm làm tê liệt ngành đóng tàu, hàng không và vũ trụ cũng như khả năng tiếp cận hàng nhập khẩu công nghệ cao.
Tổng thống Mỹ lập luận rằng đây sẽ là một "cú đánh lớn đối với tham vọng chiến lược dài hạn của ông Putin". Ông Biden cho biết Mỹ đã dành nhiều tháng để tập hợp một liên minh quốc tế, đại diện cho 1/2 nền kinh tế toàn cầu để đối phó với Nga.
Ông Biden nói rõ rằng các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa như một chính sách lâu dài, cáo buộc Tổng thống Nga muốn tạo ra một "đế chế bằng các công cụ cần thiết" và tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng hiện nay "không bao giờ" liên quan đến những lo ngại thực sự về an ninh thực sự của Nga mà là hành động “xâm lược”.
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết lực lượng Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. "Không thể nói nhà máy điện hạt nhân Chernobyl an toàn sau cuộc tấn công hoàn toàn vô nghĩa của Nga", Podolyak nói. "Đây là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất tại châu Âu hiện nay".
Một nguồn tin an ninh Nga cho biết quân đội Nga tập trung đông đảo trong vùng bảo vệ rộng gần 2.600 km2, trước khi tiến vào Ukraine. Nga muốn kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl để đảm bảo NATO không can thiệp quân sự vào Ukraine, nguồn tin cho hay.
"Mỹ sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO bằng toàn bộ sức mạnh của mình", Tổng thống Joe Biden nói trong họp báo tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông khẳng định "các lực lượng của chúng tôi sẽ không tham gia vào một cuộc xung đột với Nga ở Ukraine".
"Lực lượng của chúng tôi không tới châu Âu để tham chiến tại Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh NATO và trấn an các đồng minh ở phía đông", ông cho biết. Tổng thống Biden nói đã cho phép lực lượng Mỹ tại châu Âu triển khai tới sườn phía đông của NATO, cũng như triển khai thêm quân tới Đức.
Tổng thống Biden khẳng định "chưa có kế hoạch hội đàm" với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông cũng cảnh báo chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ khiến nước này "trả giá đắt về kinh tế và chiến lược". "Ông Putin chọn bắt đầu cuộc tấn công không chính đáng nhằm vào Ukraine sẽ khiến Nga trở nên yếu hơn và phần còn lại của thế giới mạnh hơn", Tổng thống Biden nói.
Tổng thống Ukraine kêu đàm phán, Nga đáp lời
(VTC News) -
Đã có những lời kêu gọi đàm phán từ phía Ukraine, về phía Nga chỉ đồng ý "nói chuyện" với điều kiện đặc biệt.
Chuyên đề: Nga tấn công quân sự vào Ukraine
Bình luận