• Zalo

Tổng thống Trump không coi trọng các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á?

Thế giớiThứ Sáu, 16/11/2018 14:36:00 +07:00Google News

Việc Tổng thống Trump không tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh của châu Á trong tuần này khiến các nhà lãnh đạo châu Á đang phải nhìn nhận lại các cam kết của Mỹ trong khu vực.

Tổng thống Trump đã và sẽ vắng mặt tại 2 hội nghị quan trọng của châu Á là hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore (11-15/11) và Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 ở Papua New Guinea (17-18/11). 

“Người quan trọng nhất và được nói đến nhiều nhất – Tổng thống Trump là người duy nhất không xuất hiện”, ông Malcolm Cook, một thành viên cao cấp của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết. 

Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự các sự kiện này. Mặc dù, trước chuyến đi tới Singapore ông Pence khẳng định Tổng thống Trump không hề có ý “coi thường” các hội nghị này, nhưng lời giải thích đó không làm thuyên giảm những chỉ trích nhằm vào ông chủ Nhà Trắng. 

ST_20181116_VNPENCE_4418855

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Singapore. (Ảnh: EPA-EFE)

Không chỉ có vậy, theo Reuters, sự vắng mặt của ông Trump sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy các mối quan hệ đa phương về thương mại và đầu tư giữa họ với Trung Quốc. 

“Hiện tại, thế giới đang đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Vì vậy việc hợp tác cùng nhau để đối phó với tình hình thế giới phức tạp nhằm duy trì chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại đang càng trở nên quan trọng hơn”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh trong một phát biểu tại Singapore. 

Ông Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Singapore không rõ lý do Tổng thống Trump hủy bỏ tham gia 2 hội nghị, nhưng tin rằng cách cư xử của ông đang vô tình đẩy các quốc gia châu Á xích lại gần nhau hơn. 

“Các chính sách của ông ấy có khuynh hướng phá vỡ trật tự tự nhiên mà châu Á đang phụ thuộc. Người châu Á trong khi đó lại đang cố gắng tìm ra những điều họ có thể làm để không phải dựa quá nhiều vào Mỹ”, ông Tay phân tích. 

Trái ngược với sự thờ ơ của ông Trump, Trung Quốc lại tỏ ra hết sức quan tâm tới 2 sự kiện "đinh" của châu Á trong tháng này. 

Tại APEC ở Papua New Guinea, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giới thiệu về sáng kiến Vành đai và con đường với các nền kinh tế thành viên APEC và dự kiến sẽ thu hút được không ít nhà đầu tư vào các cơ sở hạ tầng thuộc dự án này. Kế hoạch với tổng trị giá ước tính lên đến 1.500 tỷ USD của ông Tập nhằm tăng cường mạng lưới liên kết dưới biển và trên đất liến của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á và xa hơn nữa. 

Trong năm 2017, Tổng thống Trump đều tham dự đầy đủ cả 2 hội nghị cấp cao ASEAN và APEC. Vậy nên quyết định mới đây của ông đặt dấu hỏi về cam kết của Washington về chiến lược đối phó với Trung Quốc trong khu vực bất chấp việc Phó Tổng thống Pence khẳng định cam kết của Mỹ với Ấn Độ-Thái Bình Dương là “kiên định và lâu bền”.  

Trong tuyên bố đưa ra hôm 15/11, ông Pence nhấn mạnh không có chỗ cho các “đế chế hay mưu đồ xâm lăng” ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng không đề cập tới Trung Quốc. Tuyên bố này củng cố những công kích nặng nề ông đưa ra vào tháng trước nhằm vào Bắc Kinh liên quan tới nỗ lực làm suy yếu Tổng thống Trump và các hành động quân sự liều lĩnh của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chia sẻ với các phóng viên ở Singapore, ông Pence nói rằng Tổng thống Trump đã xây dựng được rất nhiều mối liên hệ thông qua các tầm nhìn cho một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các quốc gia châu Á đang chờ đợi Mỹ chứng minh cam kết về một Ấn Độ-Thái Bình Dương như họ vẫn nói và chính sự vắng mặt của Tổng thống Trump đang khoét sâu vào mối quan ngại về việc Washington có còn muốn muốn thực hiện tuyên bố này hay không. 

Trong bài phát biểu tại lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm 15/11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng ông không mong ASEAN phải đứng hẳn về phía cường quốc nào trên thế giới nhưng có thể sẽ đến lúc phải lựa chọn một, hoặc Trung Quốc hoặc Mỹ. 

“Nếu làm bạn với hai quốc gia ở 2 thái cực khác biệt, đôi khi phải hòa hợp với cả hai, nhưng sẽ khó xử hơn khi tìm cách hòa hợp với cả hai”, ông Lý nói.

Theo Reuters, một số quốc gia Đông Nam Á hết sức ấn tượng với cách tiếp cận mạnh mẽ của Mỹ với Trung Quốc liên quan tới các vấn đề thương mại, sở hữu trí tuệ và Biển Đông. Nhưng cũng có một số bày tỏ rõ ràng rằng, họ nhận thấy việc Trung Quốc đang ngày càng mở rộng là điều tất yếu.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn