Sau nhiều tháng biểu tình phản đối ở Sudan, Tổng thống Omar Al-Bashir đã từ chức. Vệ sĩ cá nhân của ông đã được thay thế và ông đang bị theo dõi chặt chẽ.
Ông Bashir đã lãnh đạo Sudan trong ba thập niên. Ông là một trong những tổng thống tại quyền lâu nhất ở châu Phi.
Theo Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nguồn lực kinh tế và sản xuất tại Bắc Darfur ( North Darfur) ông Adel Mahjoub Hussein, các cuộc tham vấn đang diễn ra để thành lập một Hội đồng quân sự đảm nhiệm quyền lực sau khi Tổng thống Bashir từ chức. Quân đội dự kiến sớm đưa ra một “thông báo quan trọng”.
"Các lực lượng vũ trang sẽ trình bày một tuyên bố quan trọng trong thời gian ngắn. Hãy sẵn sàng", thông báo nói, không đi sâu vào chi tiết.
Các nguồn tin của Sudan xác nhận thông tin và nói với Reuters ông Bashir đang bị quản thúc trong dinh tổng thống dưới sự bảo vệ gắt gao.
Quân đội và các bộ phận an ninh đã triển khai xung quanh bộ quốc phòng, trên các con đường và cây cầu lớn ở thủ đô Khartoum khi hàng nghìn người đổ xô đến một cuộc biểu tình chống chính phủ bên ngoài bộ, một nhân chứng của Reuters cho biết. Hàng chục nghìn người Sudan đã xuống đường ở trung tâm Khartoum nhảy múa và hô vang những khẩu hiệu phản đối cựu tổng thống Bashir.
Nhân vật gây tranh cãi
Ông Bashir giành quyền lực trong một cuộc đảo chính không đổ máu năm 1989. Sau đó ông giải tán chính phủ, các đảng chính trị và công đoàn, rồi tuyên bố là chủ tịch Hội đồng chỉ huy cách mạng.
Ông đã sống sót sau một cuộc đảo chính năm 1990. Sau đó, ông ra lệnh xử tử hơn 30 sĩ quan quân đội và cảnh sát liên quan đến vụ tiếm quyền thất bại.
Năm 1993, ông Bashir đã giải tán Hội đồng chỉ huy cách mạng và khôi phục Sudan trở lại chế độ dân sự, với tư cách là Tổng thống. Tại một cuộc bầu cử năm 1996, ông thắng lợi với hơn 75% số phiếu và tăng lên 85% vào năm 2000.
Bạo lực bùng phát ở vùng Bắc Darfur của Sudan năm 2003 và ông Bashir bị chỉ trích vì không đàn áp Janjaweed, một lực lượng dân quân thân chính phủ bị buộc tội giết người và hãm hiếp người dân ở Darfur.
Năm 2008, Tòa án Hình sự Quốc tế đã đệ đơn kiện ông Bashir về tội diệt chủng và tội ác chiến tranh ở Darfur. Tuy nhiên, nhiều lần cố gắng đưa ông ra công lý đã không thành công.
Tại cuộc bầu cử gần đây nhất năm 2015, ông Bashir tái đắc cử tổng thống với hơn 94% số phiếu. Nhiều nhóm đối lập lớn tẩy chay cuộc bầu cử.
Cuối năm 2018, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra tại nhiều thành phố ở Sudan, yêu cầu loại bỏ Tổng thống Bashir. Ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm từ tháng 2 năm 2019, khi các lực lượng của ông cố gắng trấn áp các cuộc biểu tình.
Sudan đã phải chịu thời gian cô lập kéo dài kể từ năm 1993, khi Mỹ bổ sung chính phủ của ông Bashir vào danh sách các nhà tài trợ khủng bố chứa chấp các phần tử Hồi giáo.
Ông Bashir cũng bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy tố tại The Hague về các cáo buộc diệt chủng ở khu vực Darfur trong một cuộc nổi dậy bắt đầu vào năm 2003.
Kể từ ngày 19/12/2018, ở Sudan bùng phát các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tăng giá bánh mì và nhiên liệu.
Các nhân vật đối lập đã kêu gọi quân đội giúp đàm phán chấm dứt gần ba thập niên nắm quyền của ông Bashir và chuyển sang chế độ dân chủ.
Cuộc khủng hoảng mới nhất leo thang kể từ cuối tuần trước, khi hàng nghìn người biểu tình bắt đầu cắm trại bên ngoài khu tập thể của Bộ Quốc phòng Sudan ở trung tâm thủ đô Khartoum và nơi cư trú của ông Bashir. Các cuộc đụng độ bùng phát và đẩy lên cao trào ngày 9/4.
Ít nhất 11 người chết trong các cuộc đụng độ, bao gồm sáu thành viên của lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Thông tin Sudan cho biết, trích dẫn một báo cáo của cảnh sát.
Bình luận